Người Nhật Bản “thắt lưng buộc bụng” trong bão giá

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 14:21:34

Cơn bão giá giữa mùa hè đã gây tác động tâm lý tiêu cực đến người tiêu dùng Nhật Bản, khiến nhiều người buộc phải cân đối kế hoạch chi tiêu.


Từ tháng 7, nhiều mặt hàng tại Nhật Bản bắt đầu tăng giá chóng mặt, khi các doanh nghiệp đã không thể chịu nổi áp lực giá năng lượng và nguyên liệu sản xuất liên tục tăng cao, buộc phải chuyển giá sang cho người tiêu dùng.


Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, có đến 89% người được hỏi cho biết, giá nhiều mặt hàng đã tăng hơn so với năm 2021, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, nhiều người không thể đảm bảo kế hoạch chi tiêu, khi lương không tăng kịp theo lạm phát.


Trứng là một trong những mặt hàng rẻ và được tiêu thụ nhiều nhất tại Nhật Bản, như một khay trứng 10 quả trước đây được bán với giá 129 Yen, nay được bán với giá 163 Yen, tăng khoảng 25%.

Từ tháng 7, nhiều mặt hàng tại Nhật Bản bắt đầu tăng giá chóng mặt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)


Dự kiến trong tháng 7 và tháng 8, khoảng 4.000 mặt hàng sẽ tăng giá, mức tăng trung bình là khoảng 13%, chủ yếu là các mặt hàng nhập khẩu hoặc liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu. Với xu hướng đồng Yen tiếp tục giảm giá so với đồng USD, xu hướng tăng giá sẽ còn mạnh hơn.

"Gia đình tôi chỉ có 2 người thì không bị ảnh hưởng lắm, nhưng tôi nghĩ những gia đình khác sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những gia đình đang nuôi 2 con nhỏ, lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ gấp đôi, như thịt bò, nếu chúng tôi chỉ sử dụng 400 g thì họ phải dùng đến 800 g hoặc hơn, chi phí tất nhiên sẽ tiêu tốn hơn", ông Tanabe, người dân Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ.


Tại Nhật Bản, doanh nghiệp thường sẽ hạn chế tăng giá để giữ chân khách hàng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, hiện việc tăng giá các sản phẩm là điều không thể tránh khỏi, khi giá năng lượng và nguyên liệu sản xuất tăng nhanh, vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.


"Các nhà cung cấp đã nỗ lực hết sức có thể nhưng vẫn buộc phải tăng giá nguyên liệu, do đó, những món ăn ở quán của chúng tôi cũng phải tăng theo, có thể tăng từ 10 - 15%", ông Ryu Ishihara, chủ nhà hàng mì Soba, Tokyo, Nhật Bản, cho hay.


Với người tiêu dùng Nhật Bản, những người vốn đã quen với các chiến dịch giảm giá của doanh nghiệp để thúc đẩy tiêu dùng, họ không khỏi cảm thấy sốc vì các hóa đơn cần chi trả từ năng lượng đến thực phẩm bỗng tăng cao, có thể thói quen mua sắm của họ sẽ phải thay đổi.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Nhật bản cần sớm có giải pháp hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp vượt qua tác động của việc tăng giá thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Chia sẻ Facebook