Người Mỹ “thắt lưng buộc bụng” trước áp lực lạm phát

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 19:24:32

Tại Mỹ, lạm phát tăng cao trong tháng 6 khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp nước này phải thắt chặt chi tiêu.


Việc đi mua sắm trong những ngày này đã trở thành vấn đề lớn của nhiều người dân Mỹ khi vật giá cứ leo thang liên tục.


"Tôi cảm nhận nỗi đau từ lạm phát mỗi ngày. Giá cả mọi thứ đều tăng, không chỉ bởi lạm phát mà còn bởi các doanh nghiệp đang đẩy giá lên", bà Susana Hazard, người tiêu dùng Mỹ, chia sẻ.

"Tôi nhận thấy bây giờ rất khó để tìm mua được một bình nửa gallon sữa có giá dưới 8 USD và điều này ảnh hưởng rất lớn đến những khu vực nghèo hơn. Ví dụ như tôi sống ở Washington Heights và đôi khi tôi phải xuống tận đây để mua sữa với giá 6,5 USD cho gia đình", bà Kate Solomon-Tilley, người tiêu dùng Mỹ, cho biết.

Giá hàng hóa tăng buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen chi tiêu. (Ảnh: Reuters)

Mức tăng 9,1% của chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 là mức cao nhất kể từ năm 1981, cao hơn đáng kể so với mức tăng 8,6% trong tháng 5, cho thấy áp lực tăng giá của nền kinh tế Mỹ chưa chạm đỉnh như mong đợi.


Giá hàng hóa tăng buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen chi tiêu, đồng thời gây áp lực tài chính lên những người đi vay mua nhà. Các giao dịch mới trên thị trường bất động sản cũng diễn ra chậm hơn.

"Giao dịch đã giảm 1/3 so với năm ngoái, đây là sự sụt giảm rất lớn. Tôi cũng đã so sánh mức độ sụt giảm trong hoạt động ký quỹ và lần gần nhất điều tương tự xảy ra là vào thời điểm của cuộc Đại suy thoái", ông Steven Thomas, chuyên gia của Tạp chí Nhà đất, cho hay.

Các nhà phân tích kỳ vọng lạm phát của Mỹ tháng 7 sẽ hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chống lạm phát được dự báo vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của giới chức Mỹ trong nửa cuối năm 2022.

Mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã được công bố. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình lạm phát của nền kinh tế số 1 thế giới.

Chia sẻ Facebook