Người Mỹ quay cuồng trong bão giá
Từ chai nước mắm, ký gạo, trái cây đến tiền đổ xăng, tiền thuê nhà đều tăng chóng mặt khiến nhiều người sống tại Mỹ vất vả tính toán chi tiêu hàng ngày.
Và cứ thế, hàng trăm câu chuyện sẽ được kể cho nhau nghe, viết vài cuốn sách vẫn chưa hết.
Mọi người hỏi tôi - một người đang sống ở thủ đô Washington D.C., trung tâm chính trị của Mỹ và thế giới - rằng người Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine? Tôi bảo mọi thứ vẫn bình thường. Báo đài nói suốt mỗi ngày, nhưng dân thường như chúng tôi thỉnh thoảng có nhắc tới rồi thôi vì còn phải lo làm kiếm tiền trả bill (hóa đơn). Người Anh được mệnh danh là "phớt tỉnh Ăng lê", nhưng sau gần 22 năm sống ở đây, tôi thấy người Mỹ cũng chẳng kém gì. Người ta không quá quan tâm tới những chuyện xa xôi bởi vì "sát sườn" hơn là chỗ làm, khu phố đang sống và những nơi thường mua sắm.
Thu nhập cao cũng "choáng"
Suốt mấy năm trời thương chiến với Trung Quốc, giá cả ở Mỹ tăng quá trời. Chưa kịp hoàn hồn thì COVID-19 ập đến, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Giá hàng hóa tiếp tục nhảy múa. Lạm phát vào tháng 1-2022 đã lên tới 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Cuộc chiến bên kia châu Âu, như giọt nước tràn ly, đẩy giá xăng dầu lên cao. Những thứ khác bắt đà đi lên theo đường thẳng đứng.
Với một người thu nhập khá cao như tôi, mỗi sáng đi làm cũng hoảng hốt khi thấy giá xăng hôm nay cao hơn hôm qua. Trong vòng một tháng, xăng đã tăng gấp đôi. Tôi phải lái xe tới nhiều văn phòng xa nhau, gặp khách hàng, tiền trợ cấp xăng của công ty không theo kịp giá.
Mỗi ngày, từ sáng sớm tới tối mịt, đi ngang các cây xăng của Costco, sẽ thấy một hàng xe kéo dài cả dặm. Bà con kiên nhẫn chờ đổ xăng để tiết kiệm vì ở đây giá rẻ hơn vài chục cent một gallon. Đôi lần có người tới nhờ tôi quẹt thẻ thành viên vì như thế sẽ tiết kiệm được gần 10 USD.
Bạn bè tôi ở California, nơi xăng đắt nhất Mỹ, thở ngắn than dài, bảo chắc mùa hè này không dám lái xe đi đâu vì có nơi đã lên tới 7,8 USD/gallon. Mà ở nhà cũng không dễ tiết kiệm. Tiểu bang Maryland vừa tăng giá điện thêm 30%. Mùa hè ở Mỹ nóng kinh hoàng, mở điều hòa cả ngày chắc cũng "đốt" kha khá tiền điện.
Lúc này đi chợ cũng trở thành nỗi ám ảnh của bao người. Bạn cứ tưởng tượng nước mắm mực rẻ tiền, mặn chằn, trước dịch chỉ có 1 USD/chai nhưng nay tăng giá gấp năm. Mắm ba con cua lên gần 9 USD/chai. Sầu riêng đông lạnh 99 cents/lbs (1 lbs = 0,45kg), trước 2 USD, giờ đã 6 USD. Gạo dẻo hồi nào 20 USD một túi 25 lbs (11,3kg), giờ tăng gấp rưỡi.
Tôi phải giảm bớt những món ăn vặt và trái cây yêu thích của mình như mít, xoài, thanh long, nhãn, vải, sapôchê vì đắt quá. Các bữa ăn nhà hàng cũng hạn chế dần. Thích gì mua về nấu ăn, vừa rẻ lại hợp khẩu vị. Giờ đi chợ, dạo một vòng, lấy vài món thôi nhưng khi tính tiền đã lên tới hàng trăm USD mà vẫn chưa đủ cho một tuần ăn uống.
Không khó để thấy hàng dài người xếp hàng trước các ngân hàng thực phẩm, nhà thờ, trường học, sở cảnh sát mỗi khi có đợt phát thức ăn miễn phí. Đi bộ hay lái xe, ai cũng kiên nhẫn chờ nhận một hai thùng thức ăn, đỡ đần chi phí.
Vẫn có nhiều người Mỹ mạnh tay chi tiêu cho mua sắm lẫn du lịch. Theo thống kê của Bank of America, khách hàng của họ đã dùng thẻ ghi nợ (credit card) tăng hơn 28% so với trước đại dịch (2019) mà chủ yếu cho du lịch, mua sắm và thức ăn.
Người có thu nhập thấp (dưới 50.000 USD/năm) mua sắm tăng thêm 7%, người có thu nhập cao (trên 100.000 USD/năm) xài thêm tới 23%. Không có tiền ư, cứ quẹt thẻ rồi từ từ tính tiếp. Tại Mỹ hiện nay, lương sinh viên mới ra trường khoảng 40.000 - 50.000 USD/năm, mức hộ nghèo là 12.000 USD/năm. Tuy nhiên, thuế thu nhập cá nhân cũng rất cao, khoảng từ 30 - 35% nếu độc thân. Lương cơ bản ở Mỹ khoảng 7,25 USD/giờ.
Ám ảnh những con số
Điều đáng sợ nhất chính là tiền nhà ngày một tăng cao. Không ai thoát được. Theo Reuters, giá nhà trung bình ở Mỹ đã tăng thêm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tất nhiên nó sẽ tiếp tục tăng khi giá sắt thép và nhân công ngày một đắt đỏ. Theo thống kê của trang Porch.com, trang web kết nối chủ nhà với tổng thầu xây dựng ở địa phương, 61% người thuê nhà trên khắp các đô thị lớn của Mỹ không thể mua nhà dù để dành rất nhiều năm.
Hai năm đại dịch, cứ tưởng giá nhà sẽ giảm. Ai dè lãi suất giảm, chính phủ phát tiền mấy đợt, người ta đổ xô đi mua nên đẩy giá nhà tăng chưa từng thấy. Tại các đô thị miền đông ven Thái Bình Dương như Seattle, Los Angeles, San Francisco hay San Jose, giá nhà tăng theo từng ngày.
Những công ty cho thuê mướn chung cư như chúng tôi tưởng sẽ thoải mái hơn khi số người dọn đi ngày một ít (vì không mua được nhà và giá thuê ở đâu cũng mắc), chi phí quảng cáo giảm, áp lực tìm khách thuê cũng bớt. Nhưng trong cơn bão giá mọi thứ đều tăng, từ tấm rèm cửa, tủ lạnh, bếp gas, gạch lót sàn cho tới quạt trần. Nhiều khi có tiền cũng không mua được đồ mới, chúng tôi phải tận dụng đồ cũ tới mức tối đa.
Hai năm dịch, tiểu bang và quận cấm tăng giá nhà. Tòa án không mở cửa, người thuê không sợ bị kiện nên rất nhiều người ung dung không thèm trả tiền. Nợ xấu tăng cao. Tôi phải vật vã đi xin tiền trợ cấp của chính phủ dành cho người thiếu nợ để bù vào. Suốt một năm qua, những con số cứ ám ảnh trong giấc ngủ.
Rồi khi quận cho phép tăng giá, ngay ở lần đầu tiên người thuê nhà của công ty tôi phải nhận một cú sốc kinh hoàng khi ít nhất mỗi tháng sẽ tăng thêm 100 USD để bù vào hai năm "nằm im" với giá cũ.
Mỗi ngày tôi phải nghe hàng chục cú điện thoại khóc than, kể lể, năn nỉ, van nài tiền nhà đã chiếm tới 40 - 50% lương bổng, rồi chửi mắng, đe dọa. Nhưng chúng tôi không thể làm khác hơn vì đó là lệnh trên đưa xuống. Gặp nhau, sếp hỏi: "Dạo này có ngủ được không? Tao thì không, thức suốt".
Chính phủ giúp dân giảm gánh nặng hóa đơn y tế
Hôm 18-3, báo Wall Street Journal đưa tin các công ty báo cáo tín dụng lớn nhất là Equifax, Experian và TransUnion sẽ loại bỏ khoản nợ y tế hàng chục tỉ USD khỏi các báo cáo tín dụng của người tiêu dùng Mỹ, giúp xóa bớt thông tin khiến hàng triệu người nước này khó vay mượn hơn. Họ cũng dự định xóa các khoản nợ y tế chưa thanh toán dưới 500 USD trong nửa đầu năm tới.
Nợ y tế là khoản nợ do chăm sóc sức khỏe và các chi phí liên quan. Đây là gánh nặng lớn với nhiều người Mỹ. Các trường hợp cấp cứu và chẩn đoán đột xuất thường phát sinh những khoản phí khổng lồ có thể làm "choáng váng" người bệnh.
Các hóa đơn chưa thanh toán sẽ xuất hiện trên báo cáo tín dụng, đôi khi làm giảm điểm tín dụng, khiến một người có thể khó nhận được các khoản vay thế chấp hợp lý, vay mua ôtô hay các tín dụng khác. Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ ước tính số hóa đơn y tế với tổng trị giá khoảng 88 tỉ USD đang nằm trong 43 triệu báo cáo tín dụng.
BẢO ANH
Ngoài tiền viện phí, hàng triệu người mắc COVID-19 tại Mỹ còn đối mặt với các chi phí hàng trăm đến hàng ngàn USD sau khi xuất viện. Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng kêu cạn tiền để chống dịch vì quốc hội chưa bổ sung ngân sách.