Người Mỹ giảm ăn hàng, tăng mua đồ bình dân vì lạm phát

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 17:00:37

Nhiều người Mỹ đã quay lại với công việc nhưng tiền lương của họ không đủ để trang trải tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền xăng và đặc biệt là tiền thực phẩm.


Kể từ năm 1994, ông Harriger, 66 tuổi ở tiểu bang Virginia, Mỹ, đã phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội kể từ khi bị thương ở lưng khi đang làm việc. Mỗi tháng, hai vợ chồng ông sống dựa vào khoản trợ cấp 1.800 USD mà ông nhận được.

Với giá hàng tạp hóa tăng 13,5% trong 12 tháng qua và giá xăng tăng lên hơn 3,39 USD/gallon, ông đã phải cắt giảm chi phí mới đủ trang trải cho gia đình. Thay vì ăn 3 bữa mỗi ngày, ông giảm xuống còn 2 bữa, thường là một chiếc bánh mì bơ cho bữa trưa và cá hồi cho bữa tối, nếu bạn ông câu được cá.

Sau khi ông nộp đơn phá sản 2 tháng trước, các phí cơ bản hàng tháng như hàng tạp hóa và điện giảm từ 2.000 USD xuống còn khoảng 1.500 USD, nhưng ông vẫn cảm thấy lo lắng.

“Hãy tưởng tượng bạn phải ngồi tính xem cuối tháng bạn có trả được hết hóa đơn hay không, liệu bạn có kiếm đủ thức ăn để nuôi sống gia đình hay không. Bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ”, ông Harriger chia sẻ.


Giá cả leo thang

Tỉ lệ lạm ở Mỹ đang dao động gần mức cao nhất trong 40 năm qua. Mức lạm phát tháng 8 tăng 8,3% so với một năm trước. Trong khi đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ, dù được điều chỉnh theo lạm phát, nhưng về cơ bản vẫn không thay đổi trong 2 năm 2020-21.

Giá thực phẩm ở Mỹ đã tăng 11,4% trong năm qua, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 5/1979. Giá hàng tạp hóa cũng tăng 13,5% và giá thực đơn nhà hàng tăng 8% trong cùng khoảng thời gian đó, theo báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 được công bố vào giữa tháng 9.

Giá của nhiều mặt hàng chủ lực đã tăng cao hơn nhiều, và có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trước khi lạm phát được kiểm soát, báo cáo này cho biết.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán giá thực phẩm tại nhà và chi phí hàng tạp hóa sẽ tăng 10%-11%, trong khi chi phí ăn uống ngoài sẽ tăng 6,5% -7,5% vào năm 2022.


Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 , cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng, biến đổi khí hậu và một loạt các yếu tố khác đã góp phần làm tăng giá hàng tạp hóa.

Giá trứng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thịt gà tăng gần 17% một phần do dịch cúm gia cầm bùng phát. Giá cà phê tăng 18% sau khi các nhà cung cấp ở Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán và sương giá vào năm ngoái. Giá bột mì tăng 23% do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, một quốc gia chuyên sản xuất lúa mì.

Mặc dù giá hàng hóa đang bắt đầu giảm, người tiêu dùng không nên kỳ vọng giá cả tại các cửa hàng tạp hóa địa phương sẽ sớm giảm xuống, vì ngoài nguyên liệu, phần lớn giá cả phụ thuộc vào các yếu tố như quy trình chế biến, vận chuyển, năng lượng, và bán lẻ, ông David Ortega, một nhà kinh tế thực phẩm tại Đại học Bang Michigan cho biết.

Ông Ortega nói thêm rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung do Covid và cuộc xung đột ở Ukraine cuối cùng sẽ được giải quyết, nhưng các yếu tố như biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm tăng chi phí lương thực trong dài hạn.

Người Mỹ đang tập trung ngân sách vào những mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và tiện ích. Ảnh: Bloomberg


Thay đổi thói quen

“Lạm phát và giá cả tăng cao đang thay đổi cách chi tiêu của người Mỹ. Họ đang hạn chế đi ăn ngoài hay mua những thứ họ không thực sự cần và tập trung ngân sách vào những mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và tiện ích. Những người có thu nhập rất thấp chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu”, bà Jill Gonzalez, nhà phân tích kinh tế của trang web tài chính cá nhân WalletHub cho biết.

Một cuộc khảo sát với hơn 1.200 người Mỹ vào tháng 2 cho thấy 31% ít hoặc không thay đổi thói quen mua sắm của họ vì lạm phát. Đến tháng 7, con số đó đã giảm xuống còn 22% khi một phần lớn người mua sắm cho biết họ đang chờ các đợt giảm giá, chuyển sang các thương hiệu bình dân hoặc sử dụng phiếu giảm giá nhiều hơn.

Bà Carol Ehrman ở Matana đã ngừng mua hàng tạp hóa với số lượng lớn. Bà tích trữ phiếu giảm giá, ít khi mua thịt bò và chọn rượu đóng hộp thay vì chọn những chai có mẫu mã đẹp. Bà cũng nấu những bữa ăn đơn giản hơn, và hạn chế tổ chức các bữa tiệc tối.

Trong khi đó, vợ chồng ông Rick Wichmann ở Massachusetts ít đi ăn nhà hàng hơn trong những năm gần đây, do đại dịch và do bản thân ông bà muốn ăn uống lành mạnh hơn. Thói quen này càng được duy trì sau khi giá cả leo thang vì lạm phát.

Thay vì mua sắm ở các siêu thị đắt đỏ như Whole Food và Stop & Shop, ông chọn các cửa hàng bình dân như Costco hoặc chuỗi cửa hàng địa phương như Market Basket. Đối với các sản phẩm có chất lượng tương đương, ông sẽ lấy loại rẻ hơn, ví dụ như Pepsi thay vì Coca-Cola.


Ngân hàng thực phẩm

Theo ông Vince Hall, phụ trách quan hệ chính phủ của mạng lưới ngân hàng thực phẩm lớn nhất nước Mỹ Feeding America, tình cảnh tuyệt vọng mà nhiều gia đình đang phải đối mặt hiện rõ ở các ngân hàng thực phẩm trên toàn quốc.

Người Mỹ tìm đến các các ngân hàng thực phẩm và các chương trình trợ cấp để được hỗ trợ. Ảnh: Business Insider

Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát vì phần lớn thu nhập của họ được dành cho những thứ cơ bản như thực phẩm.

Một báo cáo cho thấy hơn 53 triệu người Mỹ tìm đến các các ngân hàng thực phẩm, cửa hàng thực phẩm và các chương trình trợ cấp để được hỗ trợ vào năm 2021, tăng lên một phần ba so với trước đại dịch.


Nguyễn Tuyết (Theo MSN, CNN)

Chia sẻ Facebook