Người Mỹ còng lưng gánh nợ thẻ tín dụng

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 08:55:14

Hơn 60% người Mỹ đang rơi vào tình trạng nợ thẻ tín dụng dài hạn do lạm phát đẩy chi phí thực phẩm, điện nước và các mặt hàng chủ lực khác lên cao.

Cụ thể, 60% chủ thẻ tín dụng đã mang số dư nợ trên thẻ trong ít nhất một năm, tăng 10% so với năm 2021.

40% chủ thẻ cho biết họ đã mắc nợ trong hơn 2 năm, 28% trong hơn 3 năm, 19% trong hơn 5 năm, và 8% thậm chí không thể nhớ họ đã mắc nợ trong bao lâu.

“Nếu ngay từ đầu bạn đã dùng thẻ tín dụng để trang trải cho các nhu cầu thiết yếu, bạn sẽ càng khó thoát ra hơn”, ông Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao của Creditcards.com cho biết. “Những chi phí này khó mà cắt giảm được”, ông nói thêm.

Báo cáo cho thấy 59% người Mỹ kiếm được dưới 50.000 USD/năm có số dư thẻ tín dụng duy trì từ tháng này sang tháng khác. Con số này ở những người kiếm được từ 50.000 USD - 80.000 USD/năm là 49%, và ở những người kiếm được từ 80.000 đến 100.000 USD/năm là 46%.

Báo cáo của CreditCards.com dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.834 chủ thẻ được thực hiện vào tháng 8/2022.


Nợ nần chồng chất vì đâu?

Có nhiều lý do khiến người Mỹ rơi vào tình trạng "nợ như chúa Chổm". Nguyên nhân đầu tiên là do những tình huống không lường trước được. 46% những người mắc nợ được hỏi cho biết, lý do chính khiến họ lâm vào cảnh nợ nần là do phải chi trả cho những khoản phát sinh như hóa đơn y tế hoặc sửa chữa nhà cửa và xe hơi.

Nguyên nhân thứ hai là lạm phát. Mặc dù tình hình đã có vẻ tích cực hơn trong tháng 7 và tháng 8, nhưng giá tiêu dùng vẫn tăng 8,3% trong 12 tháng qua. Giá xăng dù giảm nhưng cũng không thể bù đắp cho chi phí hàng tạp hóa, nhà cửa và chăm sóc y tế ngày một leo thang. Lạm phát lõi, không tính trên những mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và nhiên liệu, cũng tăng 6,3% trong tháng 8, dù tháng trước chỉ ở mức 5,9%.

Giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 8,3% trong 12 tháng qua. Ảnh: PBS

Với nỗ lực kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên đã tiến hành các đợt tăng lãi suất ngắn hạn, đẩy lãi suất thẻ tín dụng lên cao. Dữ liệu mới nhất cho thấy lãi suất thẻ tín dụng trung bình tại Mỹ đã tăng từ 16,5% trong tháng 5 lên 18,1% vào tháng 9. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ năm 1996, theo Bankrate.


Tính đến tháng 6/2022, người Mỹ đang gánh một khoản nợ tín dụng lên tới 887 tỷ USD, nhiều hơn 46 tỷ USD so với quý I/2022 và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

“Đây là mức tăng nợ thẻ tín dụng lớn nhất mà chúng tôi từng thấy trong hơn 20 năm”, ông Ron Hetrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Lightcast cho biết.


Một hộ gia đình trung bình nợ 8.942 USD, theo dữ liệu từ trang web tài chính cá nhân WalletHub. Đối với cư dân của một số tiểu bang Mỹ, mức trung bình thậm chí còn cao hơn, ví dụ như Alaska (11.277 USD/hộ), Hawaii (10.190 USD/hộ), Virginia, Maryland và Connecticut (hơn 9.000 USD/hộ).

Nợ thẻ tín dụng đang tăng lên khi giá nhựa tăng. Lãi suất trung bình cho một thẻ tín dụng mới là từ 18% đến 25%, theo LendingTree.

“Ngay cả những người có điểm tín dụng tốt nhất cũng phải trả lãi suất 18% hoặc cao hơn cho thẻ tín dụng mới của họ”, ông Matt Schulz, chuyên gia phân tích tín dụng của LendingTree cho biết trong một email.

Hơn 175 triệu người Mỹ có ít nhất một thẻ tín dụng và khoảng một nửa số tài khoản đang hoạt động có dư nợ, theo Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB). Trong quý II/2022, người tiêu dùng Mỹ đã mở 233 triệu tài khoản thẻ tín dụng mới, con số lớn nhất kể từ năm 2008.

Hơn 233 triệu tài khoản thẻ tín dụng mới được mở tại Mỹ trong quý II 2022. Ảnh: ToastTab


Chi tiêu khẩn cấp, lạm phát cao và lãi suất cao đều khiến người tiêu dùng khó thoát khỏi cảnh nợ nần. Nếu Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần này như thị trường dự báo, những người Mỹ mang nợ thẻ tín dụng dài hạn sẽ phải đối mặt với số dư nợ cao hơn, đồng nghĩa với việc họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để trả nợ .


Nguyễn Tuyết (Theo CBS News, CNBC, CNN)

Chia sẻ Facebook