Người mua nhà bị chủ đầu tư phạt vì ngân hàng chậm giải ngân, dù đã mua đủ các loại bảo hiểm, ứng phó thế nào?

Chia sẻ Facebook
27/07/2022 23:59:23

Việc ngân hàng dừng cấp tín dụng không chỉ xảy ra với doanh nghiệp bất động sản mà còn với cả khách hàng vay mua nhà trong thời gian gần đây.

Tại buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Vạn Xuân Group cho biết, doanh nghiệp này có khoản vay 2.000 tỷ đồng đã được ngân hàng duyệt giải ngân, nhưng đến khi dự án tiến hành xây dựng bị nhà băng dừng cho vay với lý do đã hết room tín dụng. Sự từ chối bất ngờ này khiến doanh nghiệp bị hụt dòng vốn trong quá trình phát triển dự án.

Lý do được ngân hàng chia sẻ là hết room tín dụng hoặc chưa chuẩn bị sẵn nguồn lực. Trong khi đó khách hàng vay vốn đã mua hết các loại bảo hiểm từ bảo hiểm nhà, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm nhân thọ mà không được giải ngân. Về phía chủ đầu tư lại phạt khách hàng vì chậm thanh toán tiến độ. Tất cả những rủi ro, liên quan đến chi phí đều chuyển sang phía người mua nhà. Liệu có giải pháp nào để bảo vệ cho người đi mua nhà hay không là câu hỏi được đặt ra với các chuyên gia.

Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland cho rằng đây là câu chuyện phổ biến hiện nay tuy nhiên không phải rơi vào tất cả các dự án. Theo ông Vinh, nếu chủ đầu tư bất động sản thực sự có uy tín, trách nhiệm với khách hàng thì sẽ làm rất rõ với ngân hàng về thời điểm, điều kiện, các cam kết về tín dụng. Sau khi đảm bảo được việc có tín dụng song hành thì chủ đầu tư mới yêu cầu khách hàng ký hợp đồng. Như vậy câu chuyện trên cho thấy chủ đầu tư chưa uy tín.

Một nguyên nhân thứ hai là do các chủ đầu tư dự án quá chú trọng việc bán hàng và không quản lý tốt đội ngũ nhân viên sales. Những nhân viên này chỉ hướng tới mục tiêu làm sao để khách hàng ký hợp đồng nhanh nhất bằng việc hứa hẹn rất nhiều thứ. Tuy nhiên khách đã ký hợp đồng xong thì họ lại lảng tránh trách nhiệm.

Ông Lê Đình Vinh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland

Ở đây là câu chuyện chủ đầu tư và khách hàng. Trước khi mua sản phẩm chúng ta cần tìm hiểu kỹ chủ đầu tư, dự án. Chúng ta được quyền đưa tất cả yêu cầu, tất cả điều kiện để đàm phán với chủ đầu tư. Ký hợp đồng mà chưa tìm hiểu về những thông tin, chưa đưa ra điều kiện đàm phán chi tiết cụ thể đã vội ký thì chúng ta dễ rơi vào trường hợp như anh Trung nói. Phải thành khách hàng thông thái, ký hay ko ký là của chúng ta. Thêm nữa là cần có những tư vấn thông qua môi giới có tâm, trung gian uy tín

Bổ sung cho quan điểm của ông Vinh, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên phó viện trưởng viện chiến lược Ngân hàng nhà nước cho rằng nếu khách hàng đã mua đủ hết các loại bảo hiểm, đủ điều kiện đúng như trường hợp đã chia sẻ thì việc chưa giải ngân trách nhiệm thuộc về ngân hàng ký hợp đồng tín dụng. Theo ông Hoè, lý do ngân hàng thương mại chưa giải ngân đổ lỗi cho Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng là chưa hợp lý. Nguyên nhân thực sự bởi ngân hàng này đã tăng trưởng hết phần nhưng không đối chiếu lại, đã vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng mà vẫn ký.

Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên phó viện trưởng viện chiến lược Ngân hàng nhà nước

Như vậy vô hình trung gây cho anh khó khăn là bị chủ đầu tư phạt. Nếu đúng thế anh phải xuất trình hợp đồng tín dụng, tất cả chi phí anh mua bảo hiểm,... làm hồ sơ, viết 1 cái đơn gửi lên cơ quan Ngân hàng nhà nước nếu anh ở Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào. Tôi nghĩ rằng để cho người ta nhìn thấy câu chuyện, hệ quả của quản lý hành chính. Tôi nghĩ là rất có tác động tốt. Các anh các chị hay sợ kiện lại ngân hàng. Mình đường đường chính chính “Tôi mua đầy đủ bảo hiểm, đủ các điều kiện rồi thì bây giờ tại sao ông không giải ngân tôi”. Anh có dám khởi kiện ngân hàng ra toà không?


Mộc An

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook