Người mua không dám xuống tiền, giá nhà vẫn tiếp tục tăng
Nhu cầu mua bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt tại nhiều khu vực, tuy nhiên, giá nhà vẫn có xu hướng tăng lên.
Trong bối cảnh, thị trường bất động sản ở nhiều khu vực đã có dấu hiệu đi xuống. Theo đó, nhiều môi giới cũng phải thừa nhận hiện người bán đang nhiều hơn người mua, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, giá bán bất động sản lại vẫn có xu hướng đi lên.
Báo cáo quý III/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm bất động sản trên cả nước đã giảm đáng kể từ thời điểm cuối quý I. Nhiều địa phương chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý này sụt giảm so với quý trước. Đơn cử, tại Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.
Mặc dù trong thời điểm người mua không dám xuống tiền nhưng tại một số loại hình bất động sản thấp tầng giá rao bán lại có xu hướng tăng. Cụ thể, giá rao bán nhà riêng Bắc Giang ước tính tăng 61%, Quảng Ninh tăng 21%, Hải Phòng tăng 3%. Trong khi đó, nhu cầu tìm mua nhà riêng ở các tỉnh này không có nhiều biến động.
Tại miền Nam, nhiều địa phương như Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu mặt bằng giá rao bán bất động sản thấp tầng cũng tăng nhẹ so với quý trước từ 1 - 11%. Trong khi, nhu cầu tìm mua tại các tỉnh này sụt giảm từ 19 - 33%.
Theo báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield, trong quý III/2022, giá bán nhà phố, biệt thự và shophouse trên địa bàn TP. HCM đồng loạt tăng, nhưng thanh khoản chậm.
Cụ thể, giá sơ cấp nhà liền thổ tại TP. HCM ghi nhận mức trung bình 12.300 USD/m2, tương đương 300 triệu đồng/m2, tăng 29,7% theo quý và gần gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, mức giá trần của nhà liền thổ tại đây đã vượt ngưỡng 14.000 USD/m2, tương đương 340 triệu đồng/m2.
Savills việt Nam cũng cho biết, giá chào bán thứ cấp nhà biệt thự tại TP. HCM đã tăng gấp 2 so với năm 2018, nhà liền kề cũng tăng 67% trên thị trường thứ cấp.
Theo anh Nguyễn Văn Quang, Giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, giá nhà liền thổ tại Hà Nội cũng đang có xu hướng tăng nhẹ. Nguyên nhân là việc dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình cho thuê đã ổn định nên một số dù thị trường đang chững cũng không muốn bán ra.
“Nhiều người mua nhà phố, liền kề,... ngoài nguồn lợi từ tăng giá trị còn có dòng tiền từ việc cho thuê nên ở phân khúc này đa phần là những người có tiềm lực tài chính sở hữu. Do đó, dù thị trường chững lại cũng không bị bán tháo như đất nền, việc bán cắt lỗ sẽ chỉ xảy ra ở những khu đô thị chưa hình thành khu dân cư, hoặc tiện ích, hạ tầng không đầy đủ. Còn những nơi đã hoàn thiện, có cư dân ở sẽ thu được lợi từ việc cho thuê”, anh Quang nói.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, dù lượng bán mới và tỷ lệ thấp thụ thấp hơn nhưng giá bán vẫn được dự báo tăng vì chi phí đất và chi phí xây dựng đều tăng. Trong đó, chi phí xây dựng tăng là do giá nguyên vật liệu không ngừng leo thang trong suốt thời gian qua.
Còn Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người có nhu cầu cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, phân khúc bất động sản như đất nền, nhà phố… đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản có thể được nhà đầu tư bán giảm 20 - 30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, dù thanh khoản và mức độ quan tâm của nhà thấp tầng giảm nhưng chỉ một số nhà đầu tư có áp lực tài chính cần bán ra. Đa phần nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cao ở phân khúc này, đặc biệt ở các nhà đầu tư không bị áp lực tài chính, nên giá rao bán không giảm, thậm chí còn tăng so với quý trước.