Người mua bảo hiểm xe máy than trời vì mua chỉ để “khỏi bị công an phạt”
“Tôi đã chủ động gọi điện lên hãng bảo hiểm để yêu cầu được giải quyết bồi thường. Và tôi hết sức ‘đau đầu’ khi nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn vô số thủ tục rườm rà về hồ sơ…”
Ai đi xe máy cũng mua bảo hiểm xe máy bởi đây là quy định để bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nhưng thực tế dường như không nhiều người được hưởng tiền đền bù khi có vấn đề xảy ra.
Sau vụ tai nạn, nhiều người đành phải bỏ qua việc đi đòi tiền bảo hiểm vì thủ tục quá nhiêu khê.
“Một lần né một cậu bé đang chạy xe trên đường, tôi không may bị ngã. Dù chỉ bị thương nhẹ phần mềm nhưng chiếc xe máy mới của tôi lại bị vỡ đèn, vỡ mặt ốp trước và lệch vành bánh.
Tôi đã chủ động gọi điện lên hãng bảo hiểm để yêu cầu được giải quyết bồi thường. Và tôi hết sức ‘đau đầu’ khi nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn vô số thủ tục rườm rà về hồ sơ. Họ đề nghị phải có biên bản xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại địa điểm xảy ra tai nạn.
Nếu có thương tích phải nhập viện thì phải có giấy xuất viện kèm đơn thuốc. Nếu xe hư hỏng phải có biên lai của cửa hàng sửa chữa và giấy xác nhận vụ việc của công an. Tất cả giấy tờ phải có mộc đỏ của công an cùng sự xác nhận của đại diện công ty bảo hiểm.
Nghe xong, rối và mệt nhiều hơn khi nghĩ đến khoảng thời gian và công sức bỏ ra để tìm cho đủ các loại giấy tờ kể trên. Đó là chưa kể chẳng biết có xin xác nhận được không nên tôi chọn cách tự thỏa thuận và tự giải quyết cho xong” , người viết Trịnh Hoàng Huy chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ và cho biết sau khi thấy nhiều vụ việc như trên, đồng thời chính anh cũng trải qua thì anh thấy rằng việc mua bảo hiểm xe máy hiện nay chỉ để… khỏi bị cảnh sát giao thông bắt phạt.
“Bảo hiểm xe máy chỉ để… khỏi bị phạt. Thà tự bồi thường cho nhau hoặc bỏ cuộc còn hơn lo cho đủ các giấy tờ liên quan” , anh Huy cho hay.
Về phần bạn đọc Nguyễn Đức Duy, người đã từng tìm hiểu để hưởng quyền lợi của bảo hiểm xe máy khi gặp sự cố, cũng bức xúc cho biết: “Tôi thà đóng phạt còn hơn mua cái bảo hiểm xe máy. Lần đầu điện thoại công ty bảo hiểm bắt máy. Sau đó họ hẹn lần 2, lần 3 và không bắt máy. Vì vậy, chúng tôi thấy mua bảo hiểm này là vô ích”.
Bạn đọc Lương Anh Tuấn cho rằng: “Khi tai nạn xảy ra, để chạy lo được 1 đồng bảo hiểm chúng tôi vô cùng mất công, mất sức, thời gian. Tôi từng gọi nhiều lần cho bên bảo hiểm, nhưng họ trốn tránh hoặc chỉ dẫn rất phức tạp”.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm xe máy trên, báo Lao Động cũng dẫn số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, vào năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc lên tới 765 tỷ đồng, trong khi số tiền bồi thường chỉ có 45 tỷ đồng, tức là chỉ bằng 6% doanh thu.
Từ con số trên có thể thấy được số thu lớn nhưng chi rất ít. Điều này cũng một phần nào cho thấy sự khó khăn của nhiều người trong việc lấy được tiền bảo hiểm khi gặp rủi ro giao thông.
Trước tình trạng trên, có nhiều cử tri đã kiến nghị về việc xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy bởi tờ bảo hiểm này ‘không hề bảo vệ cho quyền lợi của người dân’.
Vũ Tuấn (t/h)