Người mẹ giáo dục nên đại văn hào Tô Đông Pha

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 13:20:33

Những thành tựu cũng như phẩm cách, thái độ sống mà Tô Đông Pha có được đều chịu ảnh hưởng từ những trải nghiệm thời thơ ấu và đặc biệt là từ cách giáo dục của người mẹ - Trình Thị. 


Tô Thức hay còn gọi là Tô Đông Pha là ngôi sao chói lọi nhất trên bầu trời lịch sử văn học Trung Hoa. Ông là một trong “Bát đại gia Đường Tống” (tám đại văn hào thời Đường và Tống), có cha là Tô Tuân và em trai là Tô Triệt, ba cha con chiếm một nửa trong số sáu đại văn hào thời Tống, cùng với ba người còn lại là Vương An Thạch, Trạch Công và Âu Dương Tú. Trong số sáu người này, Tô Thức là xuất sắc hơn cả. Ông được đánh giá là một nhân vật thiên tài. Những thành tựu cũng như phẩm cách, thái độ sống mà ông có được đều chịu ảnh hưởng từ những trải nghiệm thời thơ ấu và đặc biệt là từ cách giáo dục của người mẹ – Trình Thị.

(Tranh Tô Thức ngao du cùng các bạn ở Xích Bích. Ảnh qua: Epoch Times)


Trong “Tô chủ bộ phu nhân mộ chí minh”, Tư Mã Quang viết: “Phu nhân Trình Thị, người Mi Sơn, con gái của Đại lý tự thừa, năm 18 tuổi sinh Tô Thức. Gia đình họ Trình sung túc còn gia đình họ Tô lại rất nghèo” . Trình Thị 18 tuổi, Tô Tuân 19 tuổi vẫn còn là một thanh niên thiếu kinh nghiệm, lại trong tình huống không “môn đăng hộ đối” như vậy, Trình Thị được gả cho Tô Tuân. Cha của bà làm quan, lại có kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống phong phú, gả con gái cho gia đình họ Tô nghèo khó khiến nhiều người bất ngờ.


Hơn nữa, Tư Mã Quang còn có câu đối hết sức ngợi ca Trình Thị: “Hỉ độc thư, giai thức kì đại nghĩa” . Trình Thị yêu thích đọc sách, sinh ra trong gia đình sung túc, nề nếp, có điều kiện đọc sách biết chữ. Cha của bà lại là quan viên triều đình, trong nhà có nhiều người qua lại, bà hiểu biết lễ nghĩa nên mỗi một hành vi đều đúng mực, có cái nhìn xa hơn người khác.


Trước tình cảnh nghèo khó của Tô gia, có người từng nói với Trình Thị rằng: “Dựa vào hoàn cảnh của cha mẹ đẻ, nếu cô thỉnh cầu họ giúp đỡ thì nhất định họ sẽ giúp đỡ. Vì sao cô không mở miệng nói một câu mà tình nguyện ăn cơm canh đạm bạc như vậy?” Trình Thị nghe xong liền đáp: “Nếu tôi mở miệng thỉnh cầu thì nhất định cha mẹ sẽ đáp ứng. Nhưng nếu như vậy, chồng tôi có thể bị coi là kẻ chỉ dựa vào tiền của người khác để nuôi vợ con. Như vậy sẽ ra sao?”


Trình Thị mặc dù không hỏi vặn hay phàn nàn chồng mình, nhưng trong tâm lại sầu lo và Tô Tuân trong lòng cũng hiểu được điều này. Rất nhiều năm sau, Tô Tuân từng viết trong “Tế vong thê văn” rằng: “Tích dư thiểu niên, du đãng bất học, tử tuy bất ngôn, cảnh cảnh bất nhạc, ngã tri tử tâm, ưu ngã mẫn một” , đại ý là nói bản thân mình lúc còn trẻ không lo học, phu nhân cũng không chỉ trích ông nhưng trong lòng rầu rĩ không vui, trong lòng ông hiểu rằng vợ lo lắng mình sẽ không đi được con đường chính đạo.


Tô Tuân vốn ban đầu không thích học, mà lại ham chơi, thích rong ruổi đây đó nhưng nhờ có người vợ hiền thục lại biết lễ nên cuối cùng ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ. Đến năm đầu của niên hiệu Minh Đạo triều Bắc Tống (1032), Tô Tuân mới bắt đầu cố gắng học tập. Mọi người học tập ngay từ lúc nhỏ, Tô Tuân lại bắt đầu học tập ở vào độ tuổi khá muộn. Vì thế, ông đã nói với vợ: “Ta cho rằng bản thân có thể cố gắng học tập, nhưng cuộc sống của cả nhà là dựa vào ta. Nếu ta đến trường học rồi thì cuộc sống gia đình phải làm sao bây giờ?” Phu nhân Trình Thị đáp: “Nếu chàng thực sự có chí hướng, những buồn khổ trong cuộc sống thiếp có thể gánh vác được.”

Trình Thị lấy hết của hồi môn và tiền tích lũy của mình trước khi cưới, đồng thời đem cả phục sức có giá trị của mình đi bán. Dùng khoản tiền này cho chồng học tập, đồng thời mở một cửa hàng kinh doanh vải vóc tơ lụa. Hoàn cảnh gia đình cũng dần dần có nhiều thay đổi. Mặc dù cuộc sống còn có nhiều khó khăn, nhưng gia đình Trình Thị không bỏ cuộc.


Lúc mới bắt đầu học tập, Tô Tuân cho rằng không có gì khó cả nên liền đi thi hương. Sau khi biết được mình không có tên trong bảng niêm yết mới bắt đầu nhận ra mình chưa học được gì nhiều. Thông qua thất bại lần này, Tô Tuân ý thức được việc cần phải học nhiều hơn. Vì thế, ông bắt đầu học các cuốn “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử” và các sáng tác của nhà thơ Hàn Dũ. Trải qua sáu bảy năm, mỗi ngày ông đều ngồi ở trong phòng chăm chỉ học tập. Lúc này Tô Tuân đã hai bảy tuổi.

Một mặt chăm chỉ học tập, một mặt nghênh đón con trai Tô Thức chào đời (năm 1036). Tô Thức được sinh ra đúng quãng thời gian cha mình chuyên chú học tập và vào kinh dự thư. Vì thế, trọng trách giáo dục Tô Thức lúc nhỏ này liền đổ lên vai mẹ ông là Trình Thị.

Trình Thị cổ vũ Tô Thức và Tô Triệt phải quyết tâm, lập chí lớn, làm vẻ vang Tô gia, cũng làm vẻ vang đất nước. Khi hai anh em Tô Thức, Tô Triệt còn bé, Trình Thị đã cho họ học thi thơ. Bởi vì bản thân thích đọc sách, lại biết nhiều các điển cố vì thế bà thường kể những điển cố về thành bại của cổ nhân cho các con nghe để bồi dưỡng phẩm đức, tình cảm và khí tiết của con.

Tô Thức và Tô Triệt được giáo huấn tư tưởng như vậy ngay từ nhỏ, hơn nữa còn được mẹ dùng những câu chuyện thành bại có thật trong lịch sử để giảng giải nên hiểu biết rất nhiều đạo lý. Trình Thị những tấm gương đạo đức có thật trong lịch sử để bồi dưỡng phẩm đức của con, đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiệu quả. Bởi vì, bằng cách này ít nhất đã khiến Tô Thức, Tô Triệt hiểu được như thế nào là thiện, như thế nào là ác, làm người nên phải như thế nào. Hơn nữa, trong quá trình dạy, hai anh em họ cũng hỏi nguyên nhân vì sao có được thành công, vì sao bị thất bại, Trình Thị lại giảng giải nguyên nhân cho họ. Chính điều này đã thấm sâu vào tâm trí của hai anh em họ, ảnh hưởng đến tận về sau này.

Có một lần, Trình Thị giảng cho hai con nghe về sử Đông Hán “Phạm Bàng truyện”. Vào những năm cuối thời kỳ Đông Hán, thời đại Hoàn Đế và Linh Đế, hoạn quan nắm giữ việc triều chính, tham ô hối lộ, kết bè kết cánh, coi mạng người như cỏ rác. Vào niên đại hỗn loạn, triều chính hỗn loạn này, có một vị quan tên là Phạm Bàng. Phạm Bàng có thái độ làm người đôn hậu, ngay chính, cần kiệm, lại có học vấn, thương xót tình cảnh khó khăn của dân chúng. Phạm Bàng vì đả kích hoạn quan nên bị vu cáo hãm hại, bị giết chết.


Trước khi bị tử hình, Phạm Bàng đã nói lời cáo biệt với mẹ ông rằng: “Mẫu thân, đệ đệ là người con có hiếu có thể gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng mẫu thân. Con hôm nay phải rời đi, vạn mong mẹ đừng quá bi thương!”


Tuy rằng mẹ của Phạm Bằng rất đau khổ, nhưng lại nói an ủi với con trai: “Con trai mẹ hôm nay có được thanh danh tốt như Lý Ưng, Đỗ Mật rồi, mẹ còn có gì phải bi thương đâu!”

Lý Ưng và Đỗ Mật đều là danh thần thời Đông Hán, đều là người cương trực công chính, không sợ cường bạo.


Trình Thị kể đến Phạm Bàng thì tỏ thái độ cảm thán trước sự cương trực của ông, đồng thời cảm thán trước khí khái của mẹ ông. Đúng lúc này, Tô Thức hỏi mẹ: “Mẫu thân, sau này lớn lên, con cũng muốn làm người giống như Phạm Bàng. Mẹ có cho phép con không?”


Nghe những lời này, Trình Thị vô cùng cảm động, liền đối với Tô Thức nói: “Nếu con có thể làm người giống như Phạm Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ của Phạm Bàng chứ!”

Bằng cách giáo dục này, Trình Thị thực sự đã khắc vào tâm trí của các con bà về chí hướng làm người, đồng thời những điều này đã trở thành giáo lý nhân sinh để các con cả đời thực hành. Nhờ vậy, sau này đại văn hào Tô Thức dù đi khắp bốn phương, cũng gặp rất nhiều gian nan thử thách nhưng ông đều thản nhiên đối mặt, thực hiện chí hướng của mình.

Trình phu nhân có gan chấp nhận cuộc sống nghèo khổ, dùng bao dung giúp chồng trở thành văn học gia, dùng trí tuệ giáo dục hai người con thành người xuất chúng. Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt được người đời gọi chung là “Tam Tô” được truyền lưu đến tận ngày nay không thể không kể đến công lao của Trình Thị, một người phụ nữ vĩ đại trong lịch sử.


Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Người mẹ giáo dục ra hai học giả kiệt xuất Trình Hạo và Trình Di

Chia sẻ Facebook