Người mắc bệnh tiền tiểu đường có nguy cơ đau tim cao hơn
Nghiên cứu mới nhất đã tìm ra mối liên hệ tiềm ẩn giữa căn bệnh tiền tiểu đường với các cơn đau tim.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) mới đây đã công bố nghiên cứ mới nhất của mình về sự liên quan và mối liên hệ giữa căn bệnh tiền tiểu đường với dấu hiệu đau tim. Theo nghiên cứu này, những người ở độ tuổi trưởng thành nếu mắc bệnh tiền tiểu đường sẽ có nguy cơ đau tim cao hơn so với người thường.
"Tiền tiểu đường nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch", Tiến sĩ Akhil Jain cho biết.
Nói về nghiên cứu mới này, Tiến sĩ Jain cho biết Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tập trung vào việc xác định các yếu tố nguy cơ đối với người trẻ tuổi nhằm có những hướng dẫn khoa học và chính sách y tế trong tương lai, có khả năng tốt hơn để giải quyết các nguy cơ bệnh tim mạch liên quan đến tiền tiểu đường.
Cụ thể, nghiên cứu phân tích hồ sơ sức khỏe từ các mẫu bệnh trong cơ sở dữ liệu của Bệnh viện Quốc gia. Trong đó, có 7,8 triệu ca nhập viện vì đau tìm từ năm 2018 cho đến nay có liên quan đến người trưởng thành trong độ tuổi 18 đến 44 tuổi. Những người này mắc bệnh tiền tiểu đường, được xác định có lượng đường trong máu "cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để chẩn đoán thành bệnh tiểu đường loại 2". Họ có nguy cơ nhập viện vì đau tim cao hơn 1,7 lần so với những người không mắc bệnh.
Hồ sơ bệnh viện nội trú mà AHA phân tích cũng cho thấy 68,1% bệnh nhân ở lứa tuổi này mắc tiền tiểu đường có cholesterol cao và 48,9% được coi là béo phì. Cũng theo AHA, những người đàn ông da đen, gốc Tây Ban Nha và Châu Á / Thái Bình Dương được chẩn đoán tiền tiểu đường và trong độ tuổi thanh niên "có nhiều khả năng" phải nhập viện vì đau tim.
Tuy nhiên, tin mừng là tiền tiểu đường và rủi ro đau tim vẫn có thể được giảm thiểu nếu chúng ta thay đổi lối sống, bao gồm cả việc giảm cân và luyện tập thể dục thường xuyên.