Người mắc bệnh nền dễ tử vong khi đồng nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác
Người có bệnh nền mạn tính dễ rơi vào nguy kịch bội nhiễm, suy hô hấp, suy đa tạng do nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong… khi đồng nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.
Vì sao người có bệnh nền rất cần tiêm đầy đủ vaccine?
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, người có bệnh nền nếu mắc thêm bệnh truyền nhiễm, nguy cơ tử vong có thể tăng lên 3 lần. Điều đó nói lên rằng, những người có bệnh mạn tính là những đối tượng yếu thế và cực kỳ nhạy cảm, rất cần được bảo vệ bằng vaccine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh - CDC Mỹ nhấn mạnh, điều quan trọng với những người có bệnh mạn tính là phải tiêm ngừa các loại vaccine được khuyến cáo vì có nhiều nguy cơ bị biến chứng khi mắc bệnh truyền nhiễm.
Theo thống kê, một người khỏe mạnh mắc cúm thì tỷ lệ tử vong vào khoảng 2/100.000, nhưng nếu kèm theo bệnh tim mạch thì tỷ lệ tử vong tăng gấp 50, nếu có bệnh hô hấp thì tăng thêm 100 lần. Đặc biệt, nếu một người đồng mắc bệnh hô hấp và tim mạch thì con số này tăng lên gấp 400 lần.
Theo TS.BS Trần Vũ Minh Thư - Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM: Tại Mỹ, hơn 50% người nhập viện do cúm được phát hiện có bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu phát hiện nguy cơ tử vong tăng lên 5 lần khi một người bệnh tim mạch mắc cúm; nguy cơ tử vong tăng 12 lần khi một người bị bệnh hô hấp mắc cúm và nguy cơ tử vong tăng lên đến 20 lần khi một người có cả bệnh tim mạch và hô hấp lại bị mắc cúm.
Khoảng 62% người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khi mắc Covid-19 phải nhập viện, điều trị y tế khẩn cấp so với 28% ở nhóm không COPD, 15% người tử vong. Đây là kết quả đáng báo động từ một nghiên cứu tại Mỹ.
Đáng lo ngại, người mắc bệnh nền như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn… thường là người già - nhóm tuổi mà miễn dịch có được từ vaccine từ nhỏ hầu như không còn. Nếu không được tiêm vaccine đầy đủ. Các virus, vi khuẩn gây bệnh như: Cúm, Phế cầu, Thủy đậu, Sởi - Quai bị - Rubella, Ho gà - uốn ván - bạch hầu, Viêm màng não do não mô cầu khuẩn... có thể thúc đẩy các bệnh mạn tính chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, khiến người bệnh có nguy cơ phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), thời gian điều trị kéo dài, tử vong rất cao nếu chẳng may mắc phải bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt nguy hiểm hơn khi đồng nhiễm cùng COVID-19 biến chủng mới, nhiều F0 tái nhiễm, nhập viện nặng.
Với khả năng tự nhiên chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh rất kém, người có bệnh nền là nhóm đối tượng cần được bảo vệ bằng vaccine, đồng thời kiểm soát các bệnh lý nền và nâng cao thể trạng để đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm một cách an toàn, hiệu quả.
Người có bệnh nền cần tiêm vaccine gì để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong?
Ngoài COVID-19, rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang rình rập và tấn công nhiều người lớn, gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 1,5 triệu người tử vong vì những bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine. 80% ca nhiễm bệnh và tử vong xảy ra ở người lớn tuổi, người có bệnh nền, có hệ miễn dịch yếu.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine cúm có thể làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp từ 19% đến 45%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả này tương tự như các biện pháp phòng ngừa bệnh tim khác khó khăn và tốn kém hơn như ngừng hút thuốc (hiệu quả 32-43%), dùng thuốc statins hạ mỡ máu (19-30%); liệu pháp hạ huyết áp (17-25%)”, BS.CKI Bạch Thị Chính cho biết.
Cùng với cúm, vi khuẩn phế cầu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm phổi nặng. Theo các bác sĩ, những người bị COPD và hen suyễn đã bị viêm phổi mạn tính nên khi có bất kỳ những tổn thương ở phổi nào khác đều sẽ dẫn đến biến chứng cấp tính, phải nhập viện điều trị. Người có bệnh COPD và hen suyễn cũng có nhiều nguy cơ bị các biến chứng khi mắc cúm hơn người khác. Nghiên cứu cho thấy những người tiêm vaccine phế cầu ít xuất hiện các đợt cấp COPD hơn.
Ở Việt Nam, hầu hết người lớn không được tiêm đầy đủ vaccine khi còn nhỏ; ngay cả sau năm 1985 - khi có chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhiều người được tiêm vaccine thì cũng chỉ một vài loại, chưa kể, với những công nghệ sản xuất vaccine trước đây, có thể kháng thể không tồn tại được nhiều năm, nên hầu hết người lớn cần phải tiêm lại hoặc nhắc lại vaccine.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nguy hiểm, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng nặng nề, các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo cần thiết tiêm vaccine cho người người có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, COPD - tắc nghẽn phổi mạn tính, hen suyễn). Đặc biệt, các loại vaccine được khuyến cáo ưu tiên tiêm trong bối cảnh hiện nay gồm: Cúm mùa, Prevenar-13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, Ho gà - Bạch hầu - Uốn ván, các bệnh do não mô cầu khuẩn, Sởi - Quai bị - Rubella và thủy đậu - đây là những vaccine được chứng minh tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh cùng COVID-19, loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn với COVID-19.
Nhằm bảo vệ người có bệnh nền trước nguy cơ mắc, diễn biến nặng và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp với Báo điện tử VTV News tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: “Tiêm vaccine cho người có bệnh lý nền: tim mạch, COPD, hen suyễn” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:
1. BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC
2. TS.BS Đặng Thị Mai Khuê - Trưởng Đơn vị Hô hấp, Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM
3. TS.BS Trần Vũ Minh Thư - Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình diễn ra vào 20h thứ Sáu, 9/9/2022 tại website: thanhnien.vn, vnvc.vn, tamanhhospital.vn, nutrihome.vn. Livestream trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, THVL - Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Nutrihome - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng, Báo Thanh Niên, Báo điện tử VnExpress.