Người lao động trên thế giới đang chịu nhiều tổn thương
Áp lực lạm phát, thu nhập thấp, công việc nặng đang khiến lao động Phương Tây đình công khắp nơi.
Theo hãng tin Bloomberg, người lao động trên toàn thế giới đã phải chịu tổn thương vì đại dịch khi mất thu nhập. Ngay cả những người có việc làm cũng phải gồng mình làm thêm để duy trì chuỗi cung ứng.
Đến khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, lạm phát tăng cao kèm rủi ro suy thoái lại càng khiến người lao động chịu tổn thương nhiều hơn.
Hãng tin Bloomberg cho biết hàng loạt cuộc đình công của công nhân ngành vận tải, năng lượng... đã diễn ra trên khắp thế giới trước áp lực lạm phát.
Từ lao động ngành đường sắt hay cảng biển ở Mỹ cho đến nhân công ngành khai thác dầu khí ở Australia, thế rồi những tài xế lái xe tải ở Peru...đều đang biểu tình đòi hỏi tăng lương nhiều hơn trước áp lực chi phí sinh hoạt đi lên.
Chuyên gia Katy Fox Hodess của trường Sheffield University Management School-Anh nhận định lao động khắp các ngành vận tải, logistic đang biểu tình mọi nơi để đòi hỏi lợi ích chính đáng cho bản thân. Môi trường làm việc quá áp lực vì đại dịch và lạm phát cao nhất 40 năm tại Anh khiến nhiều người không thể chấp nhận nổi nữa.
"Chuỗi cung ứng toàn cầu chưa bao giờ được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và áp lực hiện nay đang phả vào gáy người lao động", chuyên gia Fox nhận định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp khó bởi nếu gia tăng chi phí nhân công, họ sẽ lại phải tăng giá sản phẩm và thúc đẩy lạm phát đi lên, tạo thành vòng luẩn quẩn. Trong trường hợp từ chối tăng lương, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục bị đứt gãy và chi phí nhân công vẫn sẽ đi lên bởi thiếu nguồn lao động.
Hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương đang lo lắng việc nâng lương cho người lao động quá mức sẽ thúc đẩy lạm phát tương tự như thời thập niên 1970. Dẫu vậy, các công đoàn lao động lại chẳng thể quan tâm nhiều đến thế khi họ cần bảo vệ quyền lợi cho công nhân viên.
Đường bộ
Nghiên cứu của trường Cornell University cho thấy trong năm 2021, Mỹ đã có 260 cuộc đình công cùng với 5 đợt giãn cách, gây ảnh hưởng đến 140.000 lao động.
"Thị trường lao động hiện nay đang thiếu cung nên mọi người đều cảm thấy quyền lực hơn khi đối đầu với doanh nghiệp", chuyên gia Eli Friedman của Cornell University nhận định.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch thành lập một giải pháp giúp đỡ 115.000 lao động ngành đường sắt sau 2 năm tranh cãi bất thành giữa công đoàn và doanh nghiệp, qua đó giúp giải tỏa ách tắc chuỗi cung ứng.
Mảng dịch vụ như Starbucks hay Amazon cũng chứng kiến nhiều cuộc đình công của người lao động khi mức lương không theo kịp lạm phát nhưng cường độ làm việc lại ngày một lớn.
Tại Anh, công đoàn ngành đường sắt cho biết sẽ tổ chức biểu tình vào ngày 30/7 tới đây. Hai công đoàn ngành đường bộ khác cũng cho biết sẽ tổ chức đình công, đổ xuống đường đi bộ trong 24 giờ vào tuần tới.
Hãng Moller Maersk, tập đoàn vận tải biển lớn thứ 2 thế giới cảnh báo những cuộc đình công này sẽ càng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu chịu áp lực, khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.
Tại Canada, làn sóng biểu tình của công nhân được cho là lớn chưa từng thấy trong nhiều thập niên đang diễn ra, từ đường sắt cho đến ngành xây dựng. Mới đây, hàng chục nghìn công nhân xây dựng đã đình công đòi tăng lương.
Trước đó vào tháng 5/2022, khoảng 1,1 triệu lao động đã đình công đòi chế độ đãi ngộ tốt hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao còn áp lực làm việc thì ngày một nặng. Đây là tháng đình công có số lao động tham gia nhiều nhất kể từ tháng 11/1997.
Tại nhiều nước như Peru hay Argentina, tài xế lái xe tải đã đình công phản đối việc giá xăng tăng cao làm giảm lợi nhuận và tiền lương. Tuần trước, cuộc đình công của tài xế xe tải ở Argentina đã khiến 350.000 tấn ngũ cốc bị kẹt lại trên đường.
Tại Nam Phi, nhiều lao động ngành vận tải đã chặn đường đến cửa khẩu xuất sang Mozambique để phản đối tình trạng giá xăng tăng quá cao.
Đường biển
Theo Bloomberg, khoảng 22.000 lao động ở bờ biển Tây Mỹ sẽ hết hạn hợp đồng lao động vào tháng 7/2022 này nhưng vẫn chưa thể ký hợp đồng mới. Trong khi công nhân muốn tăng lương và đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn thì phía doanh nghiệp lại khó lòng gia tăng thêm chi phí.
Chính khúc mắc này đã khiến khu vực cảng biển chiếm đến một nửa hàng nhập khẩu của Mỹ có khả năng bị đình trệ trong thời gian tới bất chấp lạm phát lên mức cao nhất kể từ năm 1981.
Tại cảng Port of Oakland thuộc California, cảng đông thứ 3 ở Mỹ, các nhà quản lý đã phải đóng cửa một số bến tàu và khu vực thông quan vào tuần trước, qua đó làm chậm thêm thời gian nhập khẩu. Nguyên nhân chính là cuộc biểu tình của 70.000 lái xe chở hàng đòi tăng lương đã chặn một số tuyến đường.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Đức vào đầu tháng này khi công nhân ngành vận tải biển đình công đòi thêm phúc lợi.
Tại Hàn Quốc, số đơn hàng ngày một tăng nhanh do nút thắt chuỗi cung ứng, gây áp lực lớn lên ngành vận tải biển. Hệ quả là công nhân cảng biển của hãng Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering tại miền nam thành phố Geoje đã biểu tình đòi tăng 30% và giảm khối lượng công việc trong suốt nhiều tuần nay.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Yoon Suk Yeol đã phải hối thúc các bộ trưởng giải quyết vấn đề khi cuộc đình công làm chậm tiến độ đóng 3 tàu chở biển của Hàn Quốc.
Đường hàng không
Lao động ngành hàng không là mảng chịu thiệt hại nặng nhất mùa dịch do các biện pháp giãn cách. Giờ đây, trong khi các hãng bay hối hả tuyển thêm người vì thiếu lao động thì hàng loạt cuộc đình công lại diễn ra. Nhiều thương hiệu như Ryanair, EasyJet hay SAS đang phải đối mặt chậm trễ chuyến hoặc hủy chuyến bay bì công nhân đình công.
Tại sân bay Charles de Gaulle Airport-Paris, cuộc đình công đi bộ biểu tình đã khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Sân bay Heathrow-London cũng có nguy cơ tương tự khi công đoàn nơi đây kêu gọi một cuộc đình công đi bộ đòi tăng tương.
Ngay cả những nước nghèo như Jamaica cũng chứng kiến cảnh công nhân biểu tình ngày 12/5 phản đối lương thấp và áp lực công việc lớn, khiến 10.000 hành khách chịu ảnh hưởng do sân bay đóng cửa.
Ngành dầu khí
Tại Na Uy, cuộc đình công của lao động ngành dầu đang khiến nền kinh tế này gặp thêm khó khăn trong bối cảnh thiếu dầu Nga. Chính phủ nước này đã buộc phải can thiệp trực tiếp khi yêu cầu doanh nghiệp tăng lương vì không muốn ảnh hưởng lan rộng.
Trong trường hợp các cuộc biểu tình không chấm dứt, một nửa sản lượng khí đốt xuất khẩu của Na Uy sẽ bị đình trệ.
Tại Australia, công nhân của một trong những hãng xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới là Shell đã quyết định kéo dài đình công tại chi nhánh miền Tây sang tận tháng 8 để đòi tăng lương.
*Nguồn: Bloomberg
Băng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế