Người lao động ở TP.HCM: Đi hay ở?

Chia sẻ Facebook
03/02/2023 01:46:36

Viện Social Life vừa thực hiện một khảo sát dự định di cư của người lao động đang làm việc tại TP.HCM, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai. Trên tổng số 1,200 mẫu khảo sát, kết quả cho thấy: có 83.3% (1,000 người) vẫn đang ở lại thành phố làm việc, 16.7% (200 người) đã trở về quê/gần quê để làm việc trong năm 2022 từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Trong số 1,000 người đang ở lại thì có 15.5% chắc chắn về quê làm việc lâu dài trong thời gian tới, 44.6% người không chắc chắn lắm và 39.9% người không có dự định trở về quê làm việc lâu dài.

Người lao động ở TP.HCM: Đi hay ở?

Đối với những người chắc chắn sẽ về quê làm việc lâu dài, lý do chính vì thu nhập hiện nay không đủ trang trải cuộc sống xa quê (38.1%); cuộc sống ở xa quê hiện nay có quá nhiều khó khăn, áp lực (32.9%); cơ hội việc làm ở quê/gần quê hiện nay đã tốt hơn (15.5%); thu nhập ở quê/gần quê hiện nay đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình (12.9%); và về quê, làm việc để ở gần gia đình (47.1%).

Trong số 200 người đã trở về quê/gần quê làm việc, lý do trở về của họ là thu nhập không đủ trang trải cuộc sống ở xa quê (32.6%), cuộc sống ở xa quê có quá nhiều khó khăn, áp lực (22.6%), cơ hội làm việc ở quê/gần quê hiện nay đã tốt hơn (29.6%), thu nhập ở quê/gần quê hiện nay đủ để trang trại cuộc sống cho bản thân và gia đình (25.1%); và về quê/gần quê làm việc để gần gia đình (62.3%).


Mẫu khảo sát tuy nhỏ song cũng đem lại những điểm tham chiếu rất đáng lưu ý cho các nhà hoạch định chính sách, quản trị xã hội - cụ thể tại địa bàn TP.HCM , nhất là thời điểm sau Tết Nguyên Đán. Lý do về quê/gần quê làm việc để gần gia đình đều chiếm tỷ lệ cao là điều dễ hiểu sau cơn địa chấn COVID-19. Nhưng điều đáng nói là ngay tại nơi mà người lao động làm việc, bỏ công sức để kiếm sống, nuôi sống bản thân, gia đình vẫn chưa thể là nơi họ muốn gắn bó; hoặc họ muốn nhưng không có nổi cơ hội an cư ổn định. Đây là vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM đã sớm nhìn ra, nhận diện rõ ngay trong đỉnh dịch, đó là kết cấu thiếu bền vững trong “dây chuyền” từ khu vực sản xuất - khu vực sinh hoạt - dịch vụ giáo dục - y tế sức khỏe - khu vực lưu trú, cư trú. Nên khi xảy ra biến cố - như đại dịch - công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đối diện nhiều rủi ro, nguy hiểm.


“Chỉ số” thu nhập luôn hiển thị đầu tiên trong mọi quyết định đi hay ở, tại cuộc khảo sát này càng cho thấy thu nhập vừa không đủ trang trải, chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ nên dẫn tới áp lực nhiều, khó khăn chồng chất. Trong khi, “chỉ số” cơ hội làm việc ở quê/gần quê hiện nay đã tốt hơn, mức thu nhập (do công việc ở quê/gần quê) cũng đủ trang trải cuộc sống, nghĩa là tính cạnh tranh đã dẫn tới sự sàng lọc. Một khía cạnh của thực trạng cạnh tranh - cào bằng chính là ở chỗ này nên có sự giẫm chân nhau, cạnh tranh làm suy yếu lẫn nhau chứ không kích thích sức phát triển giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận.


Cần rà soát để tự sàng lọc nhằm xác quyết ưu thế cạnh tranh, TP.HCM chỉ nên làm những gì mà các tỉnh thành bạn không làm/ không thể làm tốt hơn; và ngược lại. Mà một trong số đó là thành phố phải tính toán để bắt tay “ngay và luôn” một chương trình đào tạo lao động chất lượng cao tương ứng với nhu cầu sắp tới. Trong đó tập trung nâng cao năng lực tự học, khả năng tái bồi dưỡng kỹ năng (reskilling), xây dựng “chuẩn kỹ năng số tối thiểu” (digital minimum) cho thị trường lao động của thành phố - chuẩn bị cho sự chuyển dịch phân công thị trường đào tạo - lao động của thành phố và vùng Đông Nam Bộ, cân bằng vị thế cạnh tranh.

Từ đó, tái quy hoạch - xây dựng các chính sách về nhà ở cho người lao động hợp lý và công bằng hơn - là cách vừa giữ chân người lao động ở khu vực dịch vụ, công nghiệp; vừa thu hút nhân lực chất lượng cao ở khu vực công nghệ - kỹ thuật cao.

Quốc Học

Chia sẻ Facebook