Người lao động khó ‘chạm tay’ sở hữu căn hộ bình dân tại thành thị
Căn hộ bình dân hiện có giá từ 25 triệu-30 triệu đồng/m2 tại các thành phố lớn trong khi thu nhập người lao động chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2022, Bộ Xây dựng cho biết căn hộ bình dân hiện có mức giá từ 25 triệu-30 triệu đồng/m2, vị trí ở xa trung tâm tại các thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM,… Với mức giá này, đối với thu nhập của người lao động cũng rất khó để sở hữu.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý 1/2022 cho biết giá chung cư (căn hộ) tại các địa phương đều có xu hướng tăng. Theo khảo sát của Bộ này, thị trường căn hộ được phân thành 3 loại:
– Căn hộ bình dân: có mức giá từ 25 triệu-30 triệu đồng/m2, nằm ở xa trung tâm tại các thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tuy vậy, Bộ Xây dựng cho hay chỉ có một số ít các dự án được rao bán với mức giá này. Theo đó, mỗi căn hộ bình dân diện tích nhỏ 50 m2 sẽ có giá từ 1,25-1,5 tỷ đồng.
– Căn hộ trung cấp: có mức giá từ 30 triệu đến dưới 50 triệu đồng/m2: đây là sản phẩm chủ yếu trên thị trường bất động sản căn hộ hiện nay. Với diện tích tiêu chuẩn 60 m2, trung bình giá mỗi căn hộ vào khoảng 1,8-3 tỷ đồng.
– Căn hộ cao cấp: có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, đây là những căn hộ nằm gần trung tâm, vị trí thuận lợi đi lại.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, bình quân thu nhập đầu người của người lao động Việt Nam năm 2021 khoảng 5,7 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động ở khu vực thành thị, bình quân thu nhập đầu người khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tại buổi tiếp xúc người dân hôm 24/4 ở TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết người lao động chỉ có thể tiết kiệm khoảng 20-25% thu nhập hằng tháng, tương đương khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mức giá căn hộ hơn 1 tỷ đồng thời gian vay của người lao động sẽ vượt quá 15 năm (quy định hiện nay vay tối đa được 15 năm) và chính sách nhà ở xã hội chỉ được vay tối đa 5 năm, số tiền vay tối đa là 900 triệu đồng. Ông Khiết cho rằng rất khó để người lao động có thể sở hữu căn hộ với điều kiện thu nhập và cho vay như trên.
Về phía người lao động, cũng tại buổi họp này, đại diện công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Daeyoung Electronics Vina, chị Hà Thị Trang cho biết 2 năm qua lương không tăng nhưng vật giá tăng liên tục từ 10-20%, rất khó để mua được nhà ở với đồng lương ít ỏi của công nhân, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Chị Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM cho rằng thu nhập của người lao động không với tới được việc mua nhà ở xã hội hay căn hộ bình dân, do vậy chị đề nghị TP.HCM nên tập trung vào phát triển phân khúc cho thuê nhà ở xã hội thay vì đưa ra các chính sách bán nhà ở như hiện tại.
Theo khảo sát trực tuyến của cơ quan nhà nước TP.HCM về nhu cầu nhà ở từ ngày 12 -17/4/2022, đã có 40.950 công nhân, công chức nhà nước, lao động tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy có 64% người lao động có nhu cầu mua nhà ở và có gần một phần ba người tham gia khảo sát muốn mua căn hộ có giá từ 500 triệu-1 tỷ đồng. Về khả năng trả nợ, 76% người lao động chỉ có thể trả trước dưới 500 triệu đồng và số còn lại phải đi vay. Đối với thời hạn vay, hơn 50% người tham dự khảo sát muốn vay trên 10 năm. |
Quang Minh
"Sốt" đất ở Cam Lâm: Dân nằm chờ qua đêm trước cổng đợi làm thủ tục Từ 1-2h sáng, người dân đến nằm chờ trước cổng cơ quan để đợi làm thủ tục đất đai trong bối cảnh "sốt" đất ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.