Người khiếm thị vươn lên làm chủ thiết bị công nghệ
Tự lo được cho bản thân mình, không cần phải nhờ tới ai là điều mà nhiều người khuyết tật mong muốn.
Thầy Thái, giảng viên của lớp học đặc biệt này, cũng là một người khiếm thị. Đều đặn 1 tuần 3 buổi, thầy lại đến hướng dẫn miễn phí cho các thành viên Hội người mù quận Thanh Xuân. Lớp cơ bản thì học các thao tác đơn giản như nghe, gọi, nhắn tin, còn nâng cao thì học cách dùng mạng xã hội và nhiều ứng dụng thiết yếu khác.
Ông Nguyễn Tiến Công - Quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Tôi đang tập thực hiện thao tác đặt xe công nghệ trên điện thoại. Phải dùng đôi tai nghe thật kỹ, nếu không thì đôi khi bị nhầm đấy".
Ông Nguyễn Trung Thái - Giáo viên lớp Điện thoại thông minh cho người khiếm thị chia sẻ: "Những ngày đầu tiên cũng rất lo lắng, không hiểu các bác có theo được các chương trình học của mình không".
Lo là bởi không ít các học viên là người cao tuổi, người lớn tuổi nhất cũng đã ngoài 70. Nhưng không vì vậy mà giảm đi sự hào hứng tiếp cận với công nghệ.
Ông Nguyễn Xuân Hưởng - Quận Thanh Xuân, Hà Nội hào hứng: "Tất nhiên là khó khăn chứ, nhưng phải tìm cách vượt khó mà làm chủ thiết bị. Bởi nguyện vọng của người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung là tự chủ được trong mọi mặt của đời sống hàng ngày".
Công nghệ cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị Một công ty mới đây đã giới thiệu một thiết bị hỗ trợ việc đi lại của người khiếm thị.