Người kết nối những tấm lòng thầy thuốc yêu trẻ

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 21:20:31

Đó là thạc sĩ Lê Xuân Tùng - cán bộ Trung tâm chỉ đạo tuyến, phó bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện Nhi trung ương.

Hơn 10 năm qua, thạc sĩ Lê Xuân Tùng cùng các đồng nghiệp trẻ tại Bệnh viện Nhi trung ương có mặt trên rất nhiều nẻo đường, đến với trẻ em ở vùng khó khăn để khám chữa bệnh cho bà con địa phương - Ảnh: NVCC

Thế nên câu chuyện về anh xoay qua câu chuyện của tập thể: bên trong mặc màu áo xanh tình nguyện, bên ngoài khoác chiếc blouse trắng, hơn 10 năm qua các bác sĩ trẻ có mặt trên khắp nẻo đường để góp sức trẻ tình nguyện về vùng khó khăn khám chữa bệnh cho bà con.

Và tất nhiên không thể bỏ qua những lo lắng của phụ huynh khi COVID-19 tấn công trẻ em, những "bông hoa" mà anh Tùng cùng các bác sĩ trẻ chăm sóc hằng ngày.


Bác sĩ trẻ có mặt "trên từng cây số"

Trên nhiều nẻo đường, ở nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa đã ghi dấu ấn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khi họ luôn đi đầu tình nguyện đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và trẻ em nghèo.

Với anh Tùng, trong 14 năm công tác ở bệnh viện thì có hơn 10 năm gắn bó với những chuyến đi thiện nguyện. Đường sá xa xôi, khó khăn vất vả nhưng tháng nào anh cũng cùng các đồng nghiệp có một chuyến tình nguyện. Thời điểm 3 tháng cuối năm, có khi rời viện anh cùng các bác sĩ trẻ chỉ kịp về nhà lấy mấy bộ quần áo rồi lại lên đường.

"Chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian vào dịp cuối tuần hoặc kết hợp những chuyến công tác để tham gia chương trình thiện nguyện, nhờ đó vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa tham gia khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các cháu nhỏ ở địa phương khó khăn" - anh Tùng chia sẻ.

Trong hơn 10 năm ấy, anh Tùng nói nhớ nhất là chuyến đi ngược về vùng lũ Trạm Tấu (Yên Bái). Khi hay tin có một gia đình bị lũ cuốn trôi tất cả thành viên, chỉ có một người thoát nạn do đi làm ăn xa, các thầy thuốc trẻ tức tốc lên đường đến với bà con. Đường đi sạt lở, lầy lội, có lúc các bác sĩ phải xuống xe vừa đẩy vừa kéo. "Càng đi xa, gặp nhiều trường hợp khó khăn càng thấy bà con cần được hỗ trợ nhiều hơn" - anh nói.

Anh Tùng giải thích việc "vừa kéo vừa đẩy" xe không phải chỉ do điều kiện đường sá, mà trên mỗi chuyến thiện nguyện đội ngũ y bác sĩ luôn cố gắng mang vác được nhiều nhất thuốc, quà có thể đến với bà con.

Ở viện, anh còn ghi dấu ấn đặc biệt với chương trình "Giọt hồng trao em" - hiến máu thường kỳ dành tặng các bệnh nhi đang điều trị tại viện, trẻ mắc các bệnh về máu, ung thư.

"Vào các dịp lễ Tết, dịp hè, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, nguồn máu dự trữ rất khan hiếm, các bác sĩ phải nghĩ mọi cách để vận động nguồn máu cứu chữa kịp thời cho các bé. Đến nay mỗi khi khoa truyền máu thông tin đang thiếu máu, ngay lập tức đoàn viên thanh niên bệnh viện nhanh chóng vào cuộc, lên chương trình kêu gọi hiến máu vì bệnh nhi" - anh Tùng kể.

"Chúng tôi cũng có lúc rất mệt vì công việc xen lẫn các hoạt động cộng đồng, nhưng các bác sĩ trẻ ở đơn vị dường như đều được bù đắp năng lượng tràn trề sau mỗi việc cùng nhau làm vì cộng đồng để hết chương trình này lại lao vào chương trình khác" - anh nói.


Không thể đứng ngoài khi COVID-19 tấn công trẻ em

Khi COVID-19 tấn công trẻ em, thạc sĩ Tùng cùng các đồng nghiệp trẻ không thể đứng ngoài sự lo lắng của các vị phụ huynh và sức khỏe của trẻ. Thế là anh Tùng cùng các đồng nghiệp trong CLB Thầy thuốc trẻ (Bệnh viện Nhi trung ương) dốc sức biên tập Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà.

Với tinh thần "càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu", họ không quản ngày đêm, lập nhóm trao đổi qua Zalo và nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cùng đội ngũ chuyên gia, chưa đầy một tuần sau cuốn sổ tay nhanh chóng được hoàn thành.

Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn - Bệnh viện Nhi trung ương, thành viên Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội - kể thêm rằng khi số lượng ca nhiễm tăng cao, các bác sĩ lên ý tưởng từ "A đến Z" cho cuốn sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà.

Chính các bác sĩ trẻ đã lên dàn bài, viết nội dung, biên soạn và tự tay thiết kế, căn chỉnh từng chữ từng hình. "Chúng tôi lên "dây cót" vận hành với tinh thần "nhanh, khẩn trương vì bệnh nhi". Cuốn sổ tay hoàn thành là công sức của cả tập thể, sự tận tụy của các chuyên gia và hơn hết là nhờ nỗ lực kết nối của anh Tùng" - bác sĩ Sơn nói.

Sổ tay gồm 5 mục: Chuẩn bị khi điều trị cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc COVID-19 hằng ngày; Hướng dẫn dùng thuốc điều trị cho trẻ mắc COVID-19; Dấu hiệu bất thường, dấu hiệu nguy kịch; Theo dõi biến chứng hậu COVID-19. Ngay khi vừa ra mắt, sổ tay này đã lan tỏa rộng khắp trên mạng xã hội.

Với những phụ huynh chưa rành mạng xã hội, nhóm vận động các nhà hảo tâm để in luôn 1.000 cuốn sổ tay phát trực tiếp đến cho người nhà bệnh nhi và mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi sổ tay được lan tỏa rộng rãi. Nhiều phụ huynh nhận được sổ tay đã nhắn tin cảm ơn bác sĩ với lượng thông tin hữu ích, được bác sĩ hướng dẫn sử dụng sổ tay giúp họ yên tâm chăm sóc con" - anh Tùng bày tỏ.

Không dừng lại ở đó, anh Tùng còn phối hợp, điều phối đội ngũ bác sĩ trẻ tham gia mạng lưới Thầy thuốc trẻ đồng hành của Bệnh viện Nhi trung ương - nhóm chuyên khoa nhi 1022, trực tiếp tham gia tư vấn online, tư vấn trực tiếp cho nhiều trường hợp bệnh nhi và người nhà bệnh nhi mắc COVID-19.

Những ngày đầu dịch bùng phát, cũng chính các y bác sĩ trẻ ở viện tích cực cho ra đời nhiều ý tưởng sáng tạo như triển khai làm tấm chắn giọt bắn, vận động tài trợ quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, khẩu trang y tế cho nhân viên y tế.

Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà ra mắt đã nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội, được đông đảo phụ huynh chia sẻ và đón nhận


May mắn được các bác sĩ trẻ đồng hành

"Tôi rất may mắn được các bác sĩ đồng hành và hướng dẫn, nhờ đó tiếp thêm sức mạnh cho mấy mẹ con, sau 7 ngày chúng tôi đã chiến thắng COVID-19" - chị Nguyễn Thị Diệu (32 tuổi, ở Hà Nội) tâm sự khi nhớ về thời điểm cả nhà bị nhiễm COVID-19 khiến chị hoang mang lo lắng cho sức khỏe của hai con (bé gái 4 tuổi và bé trai mới 4 tháng tuổi).

Thời điểm đó, một người bạn gửi cho chị Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà của các bác sĩ trẻ qua mạng xã hội và chị tham khảo theo đó để an tâm hơn giúp hai con vượt qua khó khăn.


Kết hợp lại sẽ mang đến nguồn lực lớn cho cộng đồng

Bác sĩ Sơn kể anh đã được tham gia và gắn bó với các hoạt động thanh niên, hoạt động thiện nguyện từ ý tưởng của anh Tùng và Đoàn thanh niên bệnh viện triển khai trong 5 năm qua.

"Cũng như các y bác sĩ trẻ khác, tôi thấy ở anh Tùng sự nhiệt huyết, nỗ lực phấn đấu học tập không ngừng nghỉ. Anh luôn sẵn sàng hỗ trợ anh em bác sĩ trẻ trong các hoạt động, chu toàn, thấu hiểu tâm tư và gắn kết mọi người" - bác sĩ Sơn nói thêm.

Trong khi đó, bác sĩ Tùng chỉ chia sẻ mục đích của việc kết nối các y bác sĩ trẻ ở viện vào những chương trình thiện nguyện là anh muốn tạo điều kiện cho các đồng nghiệp trẻ cảm nhận, chia sẻ việc làm ý nghĩa của mình với cộng đồng.

Những việc thiện nguyện ấy không chỉ giúp nâng cao chuyên môn mà có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhi và gia đình bệnh nhi, từ đó đem sức trẻ đóng góp nhiều hơn cho hoạt động thiện nguyện của Đoàn.

Điều thạc sĩ Tùng mong muốn nữa là không chỉ tạo sự kết nối trong bệnh viện mà còn tạo ra sự kết nối giữa các đơn vị khác trong tổ chức chương trình thiện nguyện.

"Mỗi bên đều có thế mạnh riêng, khi kết hợp lại sẽ mang đến nguồn lực rất lớn để góp sức cho cộng đồng" - anh Tùng chia sẻ.

Họ là những bác sĩ trẻ tuổi có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, khám chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt xông pha trên mặt trận chống dịch COVID-19.

Chia sẻ Facebook