Người Hoa tại Mỹ mạnh mẽ hưởng ứng “Phong trào Giấy trắng” ở Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
02/12/2022 16:51:00

Hưởng ứng phong trào nổi dậy dân sự “Phong trào Giấy trắng” lớn hiếm thấy tại Trung Quốc, hôm 29/11 hàng ngàn người Hoa ở Mỹ đã tập trung tại các thành phố như New York, Chicago và Los Angeles… giơ cao khẩu hiệu “Giải phóng Trung Quốc”…

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York giơ cao biểu ngữ “Đảng Cộng sản hạ đài”. (Lâm Đạm/ Epoch Times)


Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tăng cường đàn áp “Phong trào Giấy trắng” lớn hiếm thấy tại Trung Quốc, thì tiếng nói của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài cũng không ngừng mạnh mẽ hơn. Riêng tại Mỹ cũng đã thu hút quan tâm tham gia của đông đảo du học sinh người Hoa từ các trường đại học.


Trong khuôn viên Đại học Nam California ở Los Angeles, hàng trăm sinh viên Trung Quốc đã dùng nến xếp hình số “24/11” để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn chung cư tại Urumqi hôm 24/11 (có thông tin cho rằng có 44 người thiệt mạng), mọi người cầm nến và cầm giấy trắng hô vang “Tự do hoặc chết”, “Tập Cận Bình trả lại quyền lực”, “ĐCSTQ trả lại quyền lực”…


Du học sinh Jason cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) rằng tự do ngôn luận là quyền quan trọng nhất của con người, vì xã hội mà mọi người không thể tự do bày tỏ chính kiến ​​​​thì không thể tiến bộ. Nhà chức trách ĐCSTQ đã chặn tất cả thông tin trên mạng nhắc về Phong trào Giấy trắng, anh nhấn mạnh “Tôi tự thấy thẹn với bản thân nếu tôi không hưởng ứng”, “Đây [xã hội Trung Quốc] không phải xã hội bình thường”.


Jason nói rằng những người trẻ Trung Quốc luôn khao khát tự do và dân chủ, Phong trào Giấy trắng này là một sự khởi đầu để dần dần nhiều người thức tỉnh hơn, có thể sẽ mất vài năm nữa mới có sự thay đổi về chất. Anh lấy ví dụ về nỗ lực 16 năm của Đài Loan để đạt được dân chủ hóa nhằm giải thích rằng con đường dẫn đến dân chủ và tự do của người Đại Lục cũng cần có thời gian.

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc tưởng niệm nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Tân Cương. (Lâm Đạm/ Epoch Times)

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc tưởng niệm nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Tân Cương. (Lâm Đạm/ Epoch Times)


Hai nữ sinh là Xiangxiang và Xiao T vừa kết thúc buổi học, họ cầm hoa đứng giữa đám đông biểu tình. Xiao T chú trọng bày tỏ phản đối chính sách phòng chống dịch bệnh tàn nhẫn, trong khi Xiangxiang chú trọng ủng hộ những người đang đấu tranh cho tự do.


Thành viên Charles của “Diễn đàn Hồng Kông ở Los Angeles” cho biết, kể từ sau sự kiện ngày 4/6 cách đây 33 năm hiếm khi có nhiều du học sinh Trung Quốc đứng lên chống lại ĐCSTQ yêu cầu thực hiện dân chủ hóa đất nước như lần này.


Các sinh viên người Hoa từ Đại học California cũng tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Ba. Một số sinh viên Hồng Kông cho biết họ tin rằng ngày càng có nhiều sinh viên Đại Lục đứng lên chống lại nhà cầm quyền chuyên chế ĐCSTQ, theo đó tinh thần đấu tranh “Be Water” (hãy như nước) của người Hồng Kông cũng lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới.


Vào tối ngày 28/11, có gần 300 sinh viên Trung Quốc đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles đã hô vang “Phế bỏ nhà cầm quyền độc tài”, “Không cần cải cách, cần ĐCSTQ tan rã”.


Cùng ngày ở miền đông nước Mỹ, người Hoa địa phương cũng tổ chức các cuộc mít tinh hưởng ứng Phong trào Giấy trắng gần Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania và Lãnh sự quán ĐCSTQ ở New York và Chicago. Theo hãng tin AP , khoảng 50 người chủ yếu là sinh viên Trung Quốc đã tập trung trước bức tượng của vị chủ tịch sáng lập Đại học Harvard, họ hát và hô vang bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh: “Chúng ta không phải là nô lệ, chúng ta là công dân!”, “Chúng ta không cần bọn độc tài, chúng ta cần bầu cử dân chủ!”, “Tập Cận Bình trả lại quyền cho dân”…

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ủng hộ Phong trào Giấy trắng ở Đại Lục. (Lâm Đạm/ Epoch Times)


Một nghiên cứu sinh người Trung Quốc tại Đại học Harvard là Wayne cho biết anh không muốn nêu tên đầy đủ vì lo lắng rằng người thân của mình trong nước sẽ bị quấy rối hoặc thậm chí mất việc làm.


Trên con phố đối diện Lãnh sự quán ĐCSTQ ở New York, hàng ngàn người đã thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Urumqi, một số cầm tờ giấy trắng, một số cầm các khẩu hiệu như “Tự do, Nhân phẩm, Công dân”, “Giải phóng Trung Quốc” , một số hát Quốc tế ca, đọc diễn văn; trước Lãnh sự quán ĐCSTQ ở Chicago, khoảng 200 người biểu tình hô vang những khẩu hiệu như “Không cần axit nucleic, mà cần sinh sống!”, “Không cần độc tài mà cần bầu cử”; vào đêm hôm đó hàng trăm sinh viên Trung Quốc từ Đại học Pennsylvania đã tập trung gần Tượng điêu khắc Tình yêu (LOVE) trong khuôn viên Đại học Pennsylvania để tổ chức mít tinh dưới ánh nến và bày tỏ tình đoàn kết với Phong trào Giấy trắng tại Đại Lục.

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York giơ cao biểu ngữ “Bỏ chính sách Zero COVID”. (Lâm Đạm/ Epoch Times)

Vào ngày 29/11, du học sinh Trung Quốc tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York.(Lâm Đạm/ Epoch Times)


Một số người tham gia mít tinh hưởng ứng ở New York đã chia sẻ với phóng viên VOA lý do họ đứng ra lên tiếng:


Liu Xiaomei (bút danh) đến Mỹ từ 10 năm trước cho biết: “Sinh viên từ Trung Quốc thường sống hiền hòa, nhưng hôm nay mọi người cuối cùng cũng sẵn sàng đứng lên, cho thấy rằng mọi người đều có tình yêu với đất nước cũng như với cuộc sống cộng đồng. Họ đều ý thức rõ chia sẻ trách nhiệm với gia đình và cộng đồng”.


“Việc phong tỏa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống của mọi người dân, đã hủy hoại sinh kế và cuộc sống hàng ngày của mọi người, những người làm buôn bán nhỏ lẻ không còn cách nào duy trì cuộc sống trong khi vô kể người cần phải đi làm đã bị nhốt ở nhà ,” Liu Xiaomei nói. “Tôi nghĩ việc nhốt họ như thế này là không khoa học và sai lầm” .


Sinh viên triết Zaner tại Đại học New York cho biết anh cảm thấy xấu hổ vì trước đây không quan tâm đến chính trị, “Nhưng cho đến khi chứng kiến sự kiện ở cầu Tứ Thông (Sitong), khi đó nhiều người băn khoăn không biết người đàn ông này có phải kẻ mất trí không? Làm thế có ý nghĩa gì không? Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi đã ý thức rõ ý nghĩa trong những gì ông ấy làm”.


Cuner từ bang Connecticut đi xe lửa đến tham gia mít tinh cho hay: “Có rất nhiều sự kiện được tích tụ thúc đẩy, từ sự kiện cầu Tứ Thông đến hỏa hoạn tại Urumqi, đến ngày hôm nay tôi đến đây là để hỗ trợ bạn bè trong nước. Tôi cũng thấy rất nhiều giáo sư tham gia, họ nói không có gì quan trọng hơn hành động này. Sự kiện đã thu hút quan tâm rộng khắp, tôi nghĩ đây là một thời khắc lịch sử, chúng ta cần có mặt ở đây”.


Một nam sinh viên đến từ Trung Quốc Đại Lục đã ở Mỹ được 3 năm, anh nói riêng với các phóng viên: “Chúng ta phải chấm dứt chế độ độc tài của Trung Quốc và chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’”.


Anker từ Urumqi đến Mỹ tị nạn vào năm 2006, hiện đang tham gia phát triển phần mềm, trong bài phát biểu tại cuộc biểu tình, ông đã đọc tên của những người đã chết trong trận hỏa hoạn ngày 24/11 ở Urumqi. Ông nói: “Thông điệp của tôi là phải tiến lên… Chúng ta không thể để những chuyện khác làm xao lãng, chúng ta có động lực và chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy và đấu tranh cho sự thay đổi. Tôi đấu tranh cho nhân quyền của mọi người”.


Ngày 29/11, các hoạt động mít tinh hưởng ứng Phong trào Giấy trắng tại Đại Lục đã đồng thời diễn ra tại hơn 20 thành phố trên khắp thế giới, nhiều dự đoán rằng đến cuối tuần này sẽ chứng kiến làn sóng chống ĐCSTQ quy mô lớn hơn từ Hoa kiều và sinh viên quốc tế.


Tiêu Nhiên, Vision Times

VIDEO: Đụng độ leo thang ở Quảng Châu, cảnh sát ném lựu đạn hơi cay vào người biểu tình

ĐCSTQ đàn áp “Phong trào Giấy trắng": Bức ảnh khiến nhiều người Trung Quốc rơi lệ

Twitter lan truyền nóng bức ảnh một người bố cõng con gái đang đối mặt với cảnh sát bạo lực bắt bớ trong "Phong trào Giấy trắng" ở Trung Quốc.

Chia sẻ Facebook