Người giàu Việt Nam đang tiêu tiền ít đi

Chia sẻ Facebook
12/05/2023 10:01:43

Nhóm hộ giàu nhất – chiếm 20% dân số đang có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất.


Thu nhập trên đà tăng trở lại


Theo số liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, năm 2022 tình hình kinh tế – xã hội nước vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và bắt đầu phục hồi vào 6 tháng cuối năm.

Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong năm 2022 do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có thể thay đổi hành vi tiêu dùng do tác động của đại dịch, sự gia tăng của giá cả (giá hàng hóa, giá xăng dầu), hạn chế nguồn cung dịch vụ (ăn uống ngoài gia đình, du lịch, giải trí…).

Mặc dù chi tiêu bình quân đầu người giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng so với năm trước, đánh dấu sự phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch.


Số liệu cũng chỉ ra, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam trong năm 2022 đạt 4,67 triệu đồng/tháng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho việc phục hồi của đời sống hộ gia đình sau đại dịch thế giới.

Mức thu nhập tăng đều ở cả thành thị và nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở khu vực thành thị đạt gần 5,95 triệu đồng, tăng 10,4 điểm % so với năm 2021 và cao gấp 1,54 lần con số ghi nhận ở khu vực nông thôn là 3,86 triệu đồng, tăng 10,8 điểm % so với năm 2021.

Trong 6 vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng cao nhất, đạt 6,33 triệu đồng. Khu vực Đồng Bằng sông Hồng xếp ngay sau với mức thu nhập 5,58 triệu đồng. Vùng có mức thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc với 3,17 triệu đồng.


Nhóm giàu và nghèo đều thắt chặt chi tiêu

Tổng cục Thống kê cũng nhận xét khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã được được thu hẹp do giảm chi tiêu của người dân sống ở thành thị là 3,3 triệu đồng (giảm 13,6 điểm % so với năm 2020) còn ở khu vực nông thôn là gần 2,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7 điểm % so với năm 2020).

Chi đời sống chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2022 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 95,5% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,3 triệu đồng và không phải ăn uống là 1,4 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất (nhóm 5) và nhóm nghèo nhất (nhóm 1) là 3,2 lần năm 2022, với chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 gần 4,1 triệu đồng so với gần 1,3 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

Điểm nổi bật là chênh lệch giữa 2 nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2022 có phần được cải thiện so với năm 2020 (chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần) trong đó chủ yếu là do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu năm 2020 giảm còn 4,1 triệu năm 2022).

Năm 2022, tiêu dùng gạo và lương thực quy gạo tiếp tục giảm, lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm còn 6,9 kg, giảm 0,7 kg so với năm 2020. Lượng tiêu thụ thịt các loại tăng từ 2,3 kg/người/tháng năm 2020 lên 2,6 kg/người/tháng năm 2022. Tiêu thụ rau xanh tăng từ 1,7 kg/người/tháng năm 2020 lên 1,9 kg/người/tháng năm 2022.

Lượng tiêu thụ rượu bia giảm từ 1,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 1,2 lít năm 2022 và đồ uống khác giảm từ 2,3 lít/người/tháng năm 2020 xuống 2,1 lít năm 2022.

Về chi tiêu giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm của 1 người đi học trong năm 2022 là 7 triệu đồng; giảm khoảng 70 nghìn đồng so với năm 2020. Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí, trái tuyến chiếm 40,3%, học thêm chiếm 16,6% và chi giáo dục khác chiếm 19,3%.

Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với 2020, cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Chênh lệch mức chi y tế bình quân 1 người khám chữa bệnh ở thành thi với nông thôn là gần 500.000/người.

Cơ quan thống kê đánh giá, bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao. Do vậy các chính sách phục hồi sau đại dịch cần trọng tâm vào nhóm người yếu thế hơn trong xã hội .


Ngọc Quyên

Chia sẻ Facebook