Người ghép tim ‘than trời’ vì thuốc chỉ định điều trị không được BHXH thanh toán

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 21:01:46

Nhiều bệnh nhân từng được ghép tim phản ánh đến Tuổi Trẻ Online việc hằng tháng họ phải tự bỏ hàng triệu đồng tiền túi mua 1 loại thuốc điều trị sau ghép tạng là Prograf có chứa hoạt chất Tacrolimus do không được BHXH thanh toán.

Nhiều bệnh nhân sau khi được ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế “than trời” vì một loại thuốc điều trị sau ghép không được BHXH thanh toán - Ảnh: NHẬT LINH

Nguyên do là loại thuốc này nằm ngoài danh mục thuốc được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán dành cho bệnh nhân ghép tim và hội chứng thận hư kháng thuốc.

Thuốc theo phác đồ chuẩn nhưng không được thanh toán bảo hiểm

Đầu năm 2019, ông Huỳnh Công Minh (58 tuổi, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) được các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim từ một bệnh nhân chết não ở Hà Nội. Sau ghép, ông được bác sĩ chỉ định thuốc điều trị ngoại trú, trong đó loại thuốc Prograf (Tacrolimus) dùng để chống đào thải cơ quan ghép với liều uống mỗi ngày 12 viên.

"Ban đầu tôi được BHXH chi trả tiền mua thuốc này. Nhưng đến giữa năm 2020, khi lên bệnh viện tái khám định kỳ thì tôi được thông báo BHXH không chấp nhận chi trả tiền mua thuốc nữa, buộc phải tự bỏ tiền túi ra mua", ông Minh nói.

Theo ông Minh, hiện nay giá mỗi viên thuốc Prograf là hơn 52.000 đồng. Sau 3 năm ghép tim, hiện nay mỗi ngày ông Minh phải uống 6 viên thuốc loại này và hằng tháng tốn hơn 9,3 triệu đồng tiền mua thuốc.

"Tiền lương nhân viên một nhà máy dệt ở Huế của tôi hằng tháng là khoảng 9 triệu đồng, không đủ để mua thuốc. Đó là chưa kể chi phí tái khám, mua một số loại thuốc khác…", ông Minh nghẹn giọng nói.


Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online , hiện nay tại Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị sau ghép tim cho 6 trường hợp được ghép tim xuyên Việt. Những trường hợp này sau ghép đều được bác sĩ ở đây chỉ định sử dụng thuốc Prograf (Tacrolimus) kết hợp với thuốc Cellcept để chống đào thải với tim được ghép.

Ngoài bệnh nhân ghép tim, một số bệnh nhân mắc hội chứng thận hư kháng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng được chỉ định sử dụng thuốc này.

Theo một bác sĩ chuyên khoa ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Huế, việc chỉ định sử dụng thuốc Prograf (Tacrolimus) cho bệnh nhân ghép tim bởi đây là loại thuốc tối ưu, đáp ứng bệnh tốt nhất và dựa theo phác đồ điều trị chuẩn được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

"Cũng có một số loại thuốc khác có thể thay thế Prograf nhưng hiệu quả điều trị thì không tốt bằng mặc dù được BHXH thanh toán. Quá trình điều trị tôi cũng đã tư vấn cho nhiều bệnh nhân về vấn đề này nhưng bệnh nhân không đồng ý đổi thuốc", vị bác sĩ này nói.

Đơn thuốc của một bệnh nhân sau ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế với liều lượng thuốc Prograf là 12 viên/ngày. Chỉ riêng loại thuốc này, mỗi ngày bệnh nhân trên phải tốn hơn 600.000 đồng tiền thuốc - Ảnh: NHẬT LINH

Cũng theo bác sĩ này, những người được ghép tim ở Huế đa phần đều có hoàn cảnh không mấy khá giả. Do vậy việc hằng tháng phải chi trả 7-15 triệu đồng (tùy vào tình trạng bệnh) chỉ để mua một loại thuốc khiến bệnh nhân lâm vào cảnh khó khăn.


BHXH sẽ thanh toán nhưng phải… chờ lộ trình


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , đại diện Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết sau khi nhận được kiến nghị của bệnh nhân, bệnh viện đã làm tờ trình gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Cục Quản lý dược về vấn đề này từ năm 2020.

Người đại diện này nói rằng nguyên nhân thuốc Prograf chứa Tacrolimus không được BHXH chi trả cho bệnh nhân ghép tim là bởi trong khi nhập thuốc từ nước ngoài về Việt Nam, Cục Quản lý dược chỉ duyệt công dụng của thuốc ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng là chống đào thải cơ quan ghép cho người ghép gan và thận.

Điều này lý giải việc tại sao người ghép gan, thận sẽ được BHXH chi trả tiền mua thuốc Prograf nhưng với người được ghép tim thì không.

Cũng theo BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, việc không thể chi trả tiền mua thuốc Prograf (Tacrolimus) cho bệnh nhân mắc hội chứng thận hư và ghép tim bởi 2 bệnh lý này không có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm hồ sơ đăng ký thuốc được Bộ Y tế cấp phép. Đơn vị này chỉ làm đúng quy định hiện hành.

Trong tờ trình của Bệnh viện Trung ương Huế gửi các cơ quan nêu trên ghi rõ hiện nay về mặt chuyên môn Tacrolimus là thuốc không thể thay thế đối với bệnh nhân mắc hội chứng thận hư kháng thuốc và bệnh nhân ghép tim.

Thuốc hiện đang được nhiều bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM điều trị cho nhóm bệnh nhân liên quan dựa theo phác đồ chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Sau khi nhận được tờ trình của Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam đã có quyết định thành lập hội đồng xem xét các chỉ định của thuốc Tacrolimus không có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc vào tháng 5-2021.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế (thành viên của hội đồng trên), hội đồng đã họp và thống nhất Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả tiền mua thuốc Tacrolimus (Prograf) cho bệnh nhân ghép tim và bệnh nhân hội chứng thận hư kháng thuốc. Tuy nhiên việc chi trả này cần có… lộ trình.


"Đến nay gần 1 năm trời, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo về việc chi trả này. Mong BHXH sớm có văn bản hướng dẫn việc chi trả này để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân", đại diện Bệnh viện Trung ương Huế, nói.

Trước đó vào năm 2017, bệnh nhân Lupus ban đỏ tại TP.HCM cũng đã "than trời" vì thuốc điều trị Tacrolimus (tiêm, uống) và Mycophenolate mofetil (tiêm) không được BHXH thanh toán vì hoàn cảnh tương tự.

Sau đó BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH TP.HCM thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh thanh toán chi phí thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus cho bệnh nhân điều trị Lupus ban đỏ trong các trường hợp cụ thể, cần thiết phải điều trị mà không có thuốc khác thay thế.

Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng cho biết đã cung cấp tính năng để F0 thực hiện khai báo thông tin cá nhân trên ứng dụng Danang SmartCity. Trong đó cho phép người dân đăng ký chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ Facebook