Người Đức cũng... 'khóc'

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 16:26:45

Mặc dù lạm phát đã được dự đoán suốt hơn hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cuộc chiến Ukraine bất ngờ nổ ra đã khiến tình hình kinh tế đời sống châu Âu xấu đi một cách khó kiểm soát.

Bà Margareta Wolf, 78 tuổi, chia sẻ về cuộc sống hưu trí thời bão giá - Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN


Chỉ chưa đầy 4 tháng qua, nhiều người Đức rơi vào cảnh lao đao khi liên tiếp phải chịu đựng các "cơn bão giá" chưa từng có trong lịch sử suốt 50 năm qua.


Tùy vào chiến sự

Mở màn là cơn "bão" xăng dầu và tiếp đến là "bão" thực phẩm đã khiến hiện nay trung bình cứ 6 người Đức thì có 1 người phải cắt giảm bữa ăn hằng ngày, theo khảo sát của Viện INSA công bố ngày 7-6.

Tuy nhiên điều đáng sợ hơn còn ở phía trước khi "bão" khí đốt có khả năng sẽ tăng cấp trong mùa đông tới. Lúc này cơn bão ấy đang ở cấp độ 2 trên 3, tức "tình hình cung cấp khí đốt bị suy giảm nghiêm trọng" theo cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck ngày 23-6.

Giá năng lượng đã khiến lạm phát tăng cao khiến mọi thứ đắt đỏ hơn. Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho nửa đầu năm 2022 so sánh với năm 2021, mức chênh lệch trả thêm của 3 ba loại hộ gia đình điển hình (gồm cá nhân, cặp đôi và hộ gia đình có hai con) đều tăng mọi mặt, khiến mỗi hộ phải trả thêm một tháng lần lượt là 91 euro, 184 euro và 217 euro.

Trong đó, mức chi thêm nhiều nhất mỗi tháng ở ba khoản là chi phí đi lại (25 euro, 65 euro và 71 euro), thực phẩm (12 euro, 23 euro và 30 euro) và khí đốt (36 euro, 52 euro và 64 euro) với các mức trong ngoặc đơn là lần lượt cho 3 loại hộ gia đình nói trên.

Tuy nhiên mức chênh lệch này có tiếp tục leo thang trong nửa cuối năm nay không thì rất khó đoán vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến sự tại Ukraine.

Giá cả lương thực thực phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí năng lượng, trong khi giá năng lượng tăng do chiến sự ở Ukraine leo thang. Còn với khí đốt, sau cảnh báo cấp độ 2 trên 3 của Chính phủ Liên bang Đức nói trên, nhiều hãng năng lượng như E.on hay RWE nói sẽ xem xét tăng giá bán, và sẽ không thể tránh được mức giá cao hơn trong dài hạn, theo Hãng tin Reuters.

Theo Hãng tin ZDF, sau ngày 21-7, khi đợt bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream 1 kết thúc, nếu số hàng giao sau đó được tăng lên, thị trường khí đốt có thể giảm nhiệt. Nếu số lượng hàng giao vẫn còn 40% hoặc thậm chí giảm thêm nữa, Chính phủ Đức sẽ bắt buộc phải kích hoạt điều khoản thay đổi giá và đồng thời đưa ra các biện pháp cứu trợ tiếp theo.

Đồ họa: N.KH.


Cắt giảm chi tiêu

Tính tới tháng 5-2022 đã có gần 3 triệu người thất nghiệp ở Đức theo dữ liệu chính thức từ thống kê của Cơ quan Việc làm Liên bang.

Thuộc nhóm hộ gia đình trung lưu (chiếm khoảng 64% tại Đức) nhà bà Nadine Krüger, 34 tuổi, có hai vợ chồng và hai đứa con ở Frankfurt. Họ có cuộc sống khá thoải mái với mức thu nhập khoảng 4.500 euro/tháng. Tuy nhiên đó là tình hình cách đây hơn hai năm khi chưa có dịch COVID-19.

Còn kể từ giữa năm 2020 hai vợ chồng bà lần lượt bị cắt giảm giờ làm và chỉ còn hưởng mức lương khoảng 60% so với trước đó.

Bà kể: "Lúc ấy chúng tôi đã vô cùng lo lắng khi vừa mua nhà, nhưng về cơ bản vẫn cầm cự được trong ngắn hạn vì trước mắt chỉ phải trả góp với mức lãi suất khá thấp là 0,95%/năm. Nhưng nay thì tình hình tồi tệ hơn khi chồng tôi bị công ty cho thôi việc hoàn toàn từ 2 tháng trước. Giờ đây với mức thu nhập khoảng trên 1.000 euro, chúng tôi không thể xoay xở nổi".

Cách duy nhất giúp họ giải thoát lúc này là bán nhà trả nợ và tuyên bố phá sản để hưởng trợ cấp từ chính phủ. Tuy nhiên trong lúc bất động sản đang bị đóng băng như hiện nay, việc bán nhà không đơn giản.

Theo một khảo sát vào tháng 6 của Viện INSA với câu hỏi "Bạn có phải cắt giảm bữa ăn hằng ngày do lạm phát cao không?", 16% người Đức nói "có", trong khi 13% đang xem xét. Có tới 41% chọn mua sắm trong các siêu thị rẻ hơn và 42% đang nấu ăn tiết kiệm hơn, như giảm thịt, cá.

Đồng tình với kết quả khảo sát này cùng nhiều người khác trong một hội người Việt tại Đức, chị Nguyễn Thu Thủy từ Hamburg cho biết thêm: "Gia đình mình 2 người lớn và 3 trẻ con, vì lạm phát mỗi tháng phải trả thêm từ 270 - 320 euro cho tiền xăng, tiền đồ ăn và chi phí khác.

Mình chăm đọc báo hơn, chỉ mua những thứ cần, bớt mua linh tinh như trước, chủ yếu mua đồ trong siêu thị Đức và giảm bớt mua đồ ăn nhập khẩu đắt đỏ từ châu Á. Không chỉ người Đức mà cả người Việt, vốn vô cùng lạc quan chịu thương chịu khó cũng cảm thấy rất lo lắng nếu tình trạng này cứ kéo dài 2 - 3 năm tới".


Duy trì, cầm cự

Nếu đại dịch COVID-19 đã khiến ngành nhà hàng thoi thóp thì khủng hoảng năng lượng và lạm phát giá thực phẩm lại giáng thêm một đòn nữa vào ngành này. Trong khi đây lại là ngành kinh doanh của đa số bà con Việt kiều tại Đức.

Chị Trang Nguyễn, 37 tuổi, một Việt kiều sống 25 năm ở thành phố Siegen (thuộc bang NRW, phía Tây Đức), khởi nghiệp thành công với một nhà hàng Việt 10 năm nay cho biết: "60% bà con Việt kiều ở Siegen sống bằng kinh doanh nhà hàng.

Chúng tôi trước đây đều khá hài lòng với công việc kinh doanh, nhưng trải qua hai năm dịch COVID-19 và những tháng đầu năm nay với lạm phát thực phẩm bình quân trên 11% thực sự khiến nhiều người chúng tôi rất nản.

Dù đã cố gắng cầm cự không tăng để giữ chân khách nhưng tới tháng 4 năm nay chúng tôi buộc phải tăng giá thực đơn của mình từ 10 - 20% tùy món".

Ngày 23-6, Đức kích hoạt "giai đoạn báo động", giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn, để đối phó với tình trạng sụt giảm nguồn cung từ Nga trong thời gian gần đây.

Chia sẻ Facebook