Người "đưa đò" đặc biệt: Sẵn sàng làm thêm để có tiền giúp HS nghèo
"Tôi làm vì các em học sinh. Các em nghèo rất cần tôi và thầy cô giúp đỡ. Tôi bỏ ngoài tai hết tất cả. Chỉ cần các em có thể đi học, nhiêu đó thôi tôi đã thấy đủ vui rồi".
Thầy, cô giáo không chỉ đơn thuần là người truyền dạy kiến thức, mà trong trái tim họ luôn dành tình yêu thương bao la cho các em học sinh. Bởi vậy có không ít giáo viên sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức giúp đỡ học trò để các em có cuộc sống ngày một tốt hơn. Giống như thầy Ngô Hồng Khiêm, ngoài công việc là "người lái đò chở tri thức", thầy còn làm thêm nghề MC để có tiền giúp học trò nghèo.
Thầy hiệu trưởng kiêm MC "không chuyên" ở các nhà hàng
Báo Tuổi Trẻ đăng tải, thầy Ngô Hồng Khiêm vốn là nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Bàng (TP. Rạch Giá, Kiên Giang). Ngoài thời gian gắn bó với trường lớp, thầy còn nhận dẫn chương trình cho các đám tiệc. Mà nguyên nhân dẫn đến "nghề tay trái" này lại xuất phát từ tình thương với các em học sinh.
Thầy Khiêm tâm sự, bản thân mình sinh ra trong một gia đình lao động nghèo. Ngay từ khi còn nhỏ thầy đã phải tự bươn chải, kiếm sống, đi bán hoa quả nên hiểu rất rõ nỗi vất vả của những em nhỏ ở trong cảnh túng thiếu.
Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu mới ra trường làm giáo viên (năm 1982), thầy đã hỗ trợ các học sinh nghèo. Ngày ấy, tiền lương của thầy chẳng nhiều, chỉ 34 đồng/tháng nhưng thầy chẳng tiếc trích ra mua đồ dùng học tập tặng các em.
Sau 10 năm phấn đấu, thầy Khiêm trở thành hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Lạc 1. Thấy cơ sở vật chất của trường xuống cấp, cứ mưa là ngập khiến các em học sinh vất vả, có khi còn bị ngã ướt hết quần áo, sách vở, thầy Khiêm chẳng cầm lòng liền đi kêu gọi bà con trong vùng góp vật liệu xây dựng sửa sang để trường khang trang hơn.
Khoảng gần năm 2000, thầy Khiêm bắt đầu tiếp cận thêm nghề tay trái là MC tiệc ở các nhà hàng. Với tài ăn nói lưu loát, lại có duyên, thầy nhanh chóng làm quen với công việc mới. Dù vậy, thầy vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý, không để ảnh hưởng đến việc trường lớp.
Thầy Khiêm chia sẻ, "cát xê" đầu tiên thầy nhận được là 20.000 đồng/đám, sau đó tăng dần lên 30.000 đồng, 50.000 đồng và sau này là 300.000 đồng. Tất cả đều được thầy bỏ vào ống heo, tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập, quần áo hoặc trao tặng học bổng cho học sinh nghèo. Thầy mong rằng sự giúp đỡ này sẽ là một lời động viên để các em vững tâm trên con đường tìm kiếm tri thức.
Nhắc đến thầy Khiêm, cô Nguyễn Kim Phụng - giáo viên của Trường tiểu học Hồng Bàng xúc động cho biết, tất cả mọi việc thầy làm đều bằng cái tâm nên mọi người đều rất yêu mến và kính trọng.
Đặc biệt, trong số những trường hợp được thầy Khiêm giúp đỡ có em Trần Thanh Đức, không còn cha mẹ. Đức có vấn đề về mắt, suýt chút nữa thì không thể nhìn thấy ánh sáng. Biết chuyện, thầy Khiêm đã bỏ tiền túi và vận động thêm được hơn 180 triệu đồng để phẫu thuật cho cậu học trò.
Những điều thầy Khiêm đã làm và cống hiến khiến không ít người xúc động, đồng thời còn gợi nhắc mọi người nhớ đến câu chuyện về một thầy giáo ở Cần Thơ cũng đi làm thêm nghề tay trái để có tiền hỗ trợ học sinh khó khăn, người nghèo.
Thầy giáo đi bán vé số dạo sau những giờ lên lớp
Báo VOV đăng tải, ở Trường tiểu học TT.Phong Điền 1, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ có một người giáo viên đặc biệt, cứ sau giờ dạy là đi khắp các nẻo đường bán vé số. Đó là thầy Nguyễn Nhựt Tân (40 tuổi), gần 20 năm qua, thầy Tân đã làm cầu nối cho các chương trình tình nguyện và bán vé số kiếm tiền giúp học trò nghèo, người khó khăn.
Thầy Tân chia sẻ, nhiều năm qua thầy đã dùng tiền lương mua những phần quà nhỏ để khen thưởng học sinh. Bên cạnh đó, thầy cũng kêu gọi các nhà hảo tâm để có kinh phí giúp đỡ thêm nhiều em nhỏ hơn nữa. Nguyện vọng của thầy muốn san sẻ gánh nặng với các em, không ai phải bỏ học giữa chừng.
"Giúp đỡ các em học sinh khó khăn một vài cây viết, một vài cuốn tập thì thấy em học tốt hơn. Điều đó tôi thấy phấn khích và tiếp tục làm ở ngôi trường của mình. Khi thấy đạt hiệu quả thì tôi nhân rộng ra tất cả các trường trên địa bàn huyện" , thầy Tân nói trên VOV.
Đến năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thầy Tân quyết định đi bán vé số để kiếm thêm tiền giúp người nghèo. Ban đầu, nhìn thầy mặc quần áo chỉn chu, chẳng ai tin. Phải đến khi thầy giải thích lý do, bà con mới hiểu và ủng hộ nhiệt tình.
Có thể thấy, cả thầy Khiêm và thầy Tân đều sẵn sàng cho đi mà chẳng cần nhận lại bất cứ thứ gì. Với các thầy, chỉ cần được nhìn thấy các em học sinh đến trường mỗi ngày, không phải trăn trở với nỗi lo tiền bạc đã là điều khiến thầy hạnh phúc.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !
Không phải bỗng dưng mà người ta thường nói rằng "nghề giáo là nghề vô cùng cao quý". Những người giáo viên không chỉ dạy bảo kiến thức mà còn mang sứ mệnh rèn giũa, uốn nắn các em học sinh nên người, hiểu điều hay lẽ phải.
Công việc vốn có nhiều áp lực nhưng bằng sự yêu nghề và tận tâm, thầy cô đã vượt qua tất cả để cống hiến. Nhân dịp 20/11, cùng gửi đến những "người lái đò" thầm lặng ấy lời tri ân sâu sắc nhất nhé!
Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !