Người đỗ nhiều chứng chỉ quốc tế nhất Việt Nam tiết lộ: Học CFA xong, tôi càng tự ti khi đặt lệnh đầu tư!
Những kiến thức học trong các chứng chỉ rất nhiều nhưng thực tế đầu tư hoàn toàn khác với lý thuyết.
Trong lĩnh vực tài chính đầu tư, CFA được xem là quy chuẩn trong ngành tài chính. Vì thế, những người có chứng chỉ này sẽ tìm thấy cơ hội công việc liên quan đến quản lý tài sản, quản lý đầu tư, phân tích thị trường ngân hàng tài chính.
Mặt khác, CFA có độ tín nhiệm cao đối với các vị trí trong và ngoài ngành dịch vụ tài chính. Chính vì thế, đây là chứng chỉ rất có giá trị và tính ứng dụng. Liệu sở hữu những bằng cấp quốc tế như CFA có giúp đầu tư chứng khoán tốt hơn?
Trong talkshow Bí mật đồng tiền số 42 Bí mật đồng tiền số 42 với chủ đề Bao giờ cho hết tháng mười , ông Trần Việt Hưng- người đỗ nhiều chứng chỉ quốc tế nhất Việt Nam tiết lộ thông tin bất ngờ về việc ứng dụng của CFA trong đầu tư. Ông Trần Việt Hưng là một trong những người trẻ nhất Việt Nam đỗ tất cả các kỳ thi yêu cầu cho chứng chỉ CFA, FRM, CMT,....
Theo ông Trần Việt Hưng những kiến thức học trong các chứng chỉ rất nhiều nhưng thực tế đầu tư hoàn toàn khác. Chuyên gia này hoàn thành chứng chỉ CFA năm 2009 và là một trong những giáo viên CFA đầu tiên tại Việt Nam. Giới đầu tư đều xem chứng chỉ này là chuẩn mực vì học CFA cho họ biết góc nhìn dài hạn, kiên nhẫn, kiến thức logic, cơ bản khi phân tích giá cổ phiếu, giá trái phiếu, chiết khấu dòng tiền, so sánh các chỉ số P/E, P/B,... để nắm giữ dài hạn. Những nguyên lý này đúng trong chu kỳ đi lên của thị trường chứng khoán và trong điều kiện nhất định.
Khi tôi học CFA xong tôi luôn đặt ra câu hỏi học xong cái này rồi sao càng học mình càng thấy tự ti hơn, không tự tin vào lệnh. Phân tích cơ bản chỉ nói rằng dưới giá trị cơ bản thì mua vào, mình cũng chờ xuống dưới giá trị cơ bản thì mua vào, xuống tiếp nữa thì làm thế nào. Sách dạy phải mua tiếp nữa, bình quân giá. Nó xuống tiếp nữa thì làm thế nào nữa? Lại mua tiếp vào nữa. Vì thế sau một thời gian trạng thái đầu tư quá lớn và ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Do đó thực ra với một nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng đầu tư giá trị có một nhược điểm lớn là không cho chúng ta biết vào lệnh lúc nào, chọn thời điểm vào lệnh không chuẩn, không sát được.
Thứ 2 là bình quân giá đi ngược lại với quản trị rủi ro. Khi bạn bị lỗ thì nguyên tắc bạn phải giảm thiểu rủi ro chứ không phải tăng thêm rủi ro. Và vì thế không phải ai cũng có khả năng như Warren Buffett.”
Chính vì vậy đến năm 2017, ông Hưng học và thi chứng chỉ phân tích kỹ thuật CMT. CMT giải quyết được vấn đề gốc của CFA là vào lệnh lúc nào, ra lệnh lúc nào. Tất nhiên trường phái này mang tính ngắn hạn nhưng ít nhất nó giúp nhà đầu tư biết khi nào vào lệnh, thoát ra như nào, thậm chí nghĩ về thoát trước khi vào lệnh. Tức là luôn có nguyên tắc đặt lệnh cắt lỗ luôn. Tuy nhiên CMT không cho người học thấy bức tranh lớn hơn của thế giới. Chính vì vậy ông Trần Việt Hưng cho rằng cần kết hợp cả 2 trường phái trong đầu tư chứng khoán.
Mộc An