Người đi Quan họ đi cùng

Chia sẻ Facebook
13/10/2023 07:29:56

Tôi đang sống ở Pleiku. Một anh bạn, thực ra là chú em, từ huyện Đức Cơ, huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, gọi: Mai mời bác lên Ngọc Hồi, Kon Tum chơi, thích thì chiều về không thì hôm sau?

Bạn này nhà ở Hà Nội, nhưng là giám đốc một công ty xây dựng, đang làm con đường ở Đức Cơ. Một tay mọt sách, chơi và quen với rất nhiều nhà văn và những người đọc sách. Mỗi lần lên phố là xộc vào các nhà sách, sau đấy trên xe là hàng thùng sách. Tham gia mấy câu lạc bộ sách và câu lạc bộ tác giả, lâu lâu lại bay ra Hà Nội, vào Sài Gòn hoặc tỉnh nào đó chỉ để gặp gỡ những người yêu sách hoặc gặp gỡ tác giả.

Sáng sớm chú em đã tới nhà. Té ra có ông thầy dạy vẽ cũ, về hưu đi chơi xuyên Việt, từ Sài Gòn lên Pleiku bằng xe khách, và học trò chạy ô tô từ Đức Cơ lên đón thầy rồi đón tôi luôn.

Và lên xe mới biết, hai thầy thầy trò nhà này quê Bắc Ninh. Đất Quan họ.

Và cũng mới biết, có mấy người cũng quê Bắc Ninh nữa, ở Pleiku cùng lên, đi một xe khác.


Và mới biết, là ở Pleiku có cái hội đồng hương Hà Bắc, tức Bắc Giang Bắc Ninh cũ. Trên Ngọc Hồi có câu lạc bộ Quan họ của những người Bắc Ninh ở đấy.

Và họ đón đồng hương bằng Quan họ.

Lên tới nơi, khoảng cách hai nơi là một trăm hai mươi cây số, đã thấy khá đông các liền anh liền chị có mặt. Có nón quai thao, có mới bảy mớ ba, có áo dài khăn đóng, và tất nhiên, bài quan họ cổ đón khách và mời trầu.

Nể cái là, số bà con ở Ngọc Hồi này, chủ yếu là dân đi kinh tế mới, mấy chục năm rồi. Giờ nó phố xá khang trang chứ vài chục năm trước, đây là vùng rất sâu và xa, âm u lắm. Thế mà, nhìn các liền anh liền chị là lượt hôm nay, như là đương ở Kinh Bắc thứ thiệt, như ở một làng Quan họ zin.

Quan họ kinh tế mới Ngọc Hồi.


Tôi quê nội ở Huế, quê ngoại Ninh Bình , biết rất rõ áo tứ thân mớ bảy mớ ba của các bà các chị, biết rõ áo the đen khăn đóng của các ông các bác. Bản thân cũng có tới 2 bộ áo dài khăn đóng đúng bộ đàn ông Huế... trưởng thành. Nhưng phải hôm ấy ngồi ngắm kỹ mấy bộ áo dài khăn đóng của các liền anh Quan họ kinh tế mới Ngọc Hồi- Kon Tum mới biết té ra áo dài Huế và áo dài Quan họ nó khác nhau. Áo the đen thì giống nhau. Nhưng phía trong áo the đen người Huế là áo bà ba trắng, còn phía trong áo the đen Quan họ là một áo dài khác, dày hơn và màu khác. Trời ơi tôi nhiều lần về tận làng Quan họ ở Bắc Ninh mà hôm nay mới phát hiện ra điều ấy.

Và rồi hát. Toàn nông dân thứ thiệt, nhưng thoắt cái thành các liền anh liền chị, đứt ruột mà hát. Sao lại đứt ruột, đơn giản là bởi, đầu mày cuối mắt thế, lẳng lơ tình tứ thế, í ơi í à thế, liền anh liền chị đôi lứa xứng đôi thế... nhưng có một quy ước hết sức chặt chẽ là các liền anh liền chị không được lấy nhau.

Thảo nào mà Quan họ hay thế, day dứt thế, ám ảnh thế, cả đau đớn thế.


Thì đấy, cứ yêu nhau đi, mê mẩn nhau đi, nhưng không lấy được nhau. Chôn cái tình cảm ấy vào lòng, quên cái tiếng thét tiếng gào run rẩy đến tuyệt vọng, lấp cái nỗi nhớ khắc khoải, nhớ điên dại, nhớ tuyệt vọng, nhớ bủn rủn suốt ngày ấy... vào Quan họ, vào vang rền nền nảy đi: “ Người ơi người ở đừng về. /Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,/ Sông (ì í a a) sâu là sâu sông nên chớ lội,/ Mà này cũng có (a) đò đầy, đò đầy người chớ qua,/ Người ơi người ở đừng về./ Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,/ Đâu (ì í a a) hơn là hơn đâu hơn người kết,/ Mà này rằng có (a) đâu bằng, đâu bằng người đợi em,/ Người ơi người ở đừng về./ Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy câu tái hồi,/ Yêu (ì í a a) em thời em mong anh gìn giữ/ Mà này cũng có (a) đừng ngồi, đừng ngồi với ai./ Người ơi người ở đừng về./ Người ơi! Người ở em về !”...

Tôi từng về làng quan họ Đặng Xá dự một canh hát rồi ghi trong sổ tay thế này: “Công chúa của Vua Hùng thứ 7 là người có công sáng tạo và đưa quan họ về đây. Một chuyến vân du, bà dừng lại vùng này cùng 49 tiên nữ tùy tùng, và đấy là xuất xứ của bốn chín làng quan họ. Một canh hát có thể đến 7 thậm chí là 10 đêm, và đặc trưng của hát Quan họ là đối đáp, nam với nữ, với giọng lề lối (4 cách hát), nữ trước nam đối sau. Hết bài nọ đến bài kia, hết đêm này sang đêm khác. Và một điều nữa ai cũng biết nhưng cũng nên nhắc lại, ấy là việc các liền chị liền anh quan họ khi đã kết bạn để hát với nhau thì không bao giờ được lấy nhau, dù họ toàn là trai tài gái sắc. Chắc cũng có không ít bi kịch, vì với tình yêu ấy mà, có ai dám nói trước điều gì? Nhưng luật lệ là luật lệ, phàm đã là liền anh liền chị thì đều phải có ý thức giữ mình, phải nghiến răng mà giữ. Gái Kinh Bắc, da trắng ngần, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt sắc như dao lại được cái khăn mỏ quạ, cái mớ ba mớ bảy thanh thoát nâng lên, cái lúng liếng mời gọi, cái nền nã đằm thắm duyên lặn càng giấu càng hiển lộ, trông không thể cầm lòng, thế mà cứ dửng dưng như không trước các giọng ca ngọt lùi như mía, cũng mặt hoa da phấn lắm, cũng đĩnh đạc đàn ông lắm... của liền anh, thì chả phải tưởng tượng giỏi cũng thấy bi kịch phất phơ trước mắt. Nhưng họ đã vượt qua một cách cao cả để giữ gìn Quan họ, để tôn vinh quan họ... đủ thấy họ sống chết vì quan họ đến như thế nào”.

Người Bắc Ninh sinh ra là biết hát Quan họ.


Trên đường về, tôi cứ miên man nghĩ về những bí ẩn văn hóa, lấy từ cuộc Quan họ này. Người Bắc Ninh sinh ra như là đã biết hát quan họ. Thì mấy chục người Bắc Ninh ở Ngọc Hồi, nơi có cái ngã ba biên giới này đấy, đi di cư làm ăn, nhưng ai cũng hát hay, đùm bọc nhau, nương tựa nhau qua khó khăn đói khổ một thời. Và cái khiến họ lạc quan, khiến họ vượt qua bao đắng cay cực khổ ấy, chính là cái truyền thống văn hóa của quê họ, cụ thể ở đây là Quan họ. Để khi có khách, kể cả khách là từ đất Quan họ vào, họ mang Quan họ ra đón khách, nhưng cái chính là họ... đón họ. Họ phô diễn họ, họ nói về họ, hát về họ, sống lại họ. Họ là một mảnh Quan họ trôi dạt vào góc biên giới Tây Nguyên này, và họ vẫn nguyên Quan họ...

Và nghĩ nữa, không được yêu nhau, không được lấy nhau... người ta phải áo quần đẹp đến thế, nhiều lớp thế, kỹ đến thế, ẩn dụ đến thế... để làm gì nhỉ?


“ thì cầm lòng vậy người ơi
trái tim thổn thức thành lời buồn đau
ngàn năm sau
vạn năm sau
lửng lơ câu hát quặn đau kiếp người ”

(Thơ VCH)


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook