Người dân từ châu Âu đến châu Á đau đầu vì "bão" lạm phát

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:27:21

Tại châu Á, nhiều gia đình hàng ngày phải đắn đo lựa chọn mua loại thực phẩm nào vừa ví tiền.


Trong khi đó, nhiều nhà hàng vốn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, thì nay lại phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi cơn bão giá ảnh hưởng tới cả nguồn cung nguyên liệu lẫn nhu cầu của khách hàng.

"Vừa rẻ vừa ngon" là tiêu chí mà bà Choi đã đặt ra cho món kim chi của mình trong suốt hàng chục năm bán kim chi tại thủ đô Seoul. Cho đến giờ, bà vẫn cố gắng duy trì điều này bất chấp vật giá tăng cao suốt nhiều tháng qua.

Bà Choi Sun-Hwa - Chủ cửa hàng kim chi tại Seoul cho biết: "Giá các loại nguyên liệu đều đang rất đắt. Với cùng một số tiền, trước đây tôi muốn được 10 cây bắp cải làm kim chi, giờ chỉ được 7 cây thôi. Tôi đang cố giữ giá, nhưng để lâu quá thì cũng khó trụ lại được, nên có thể sắp tới tôi sẽ tăng giá lên một chút".

Điều an ủi cho bà đó là mức giá rẻ lại phần nào thu hút nhiều khách hơn đến tiệm những ngày này, khi mà lạm phát tại Hàn Quốc đã lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Bà Seo Jae-Eun - Khách hàng nói: "Giờ tôi không mua rau về tự làm kim chi ở nhà nữa vì giá đắt quá, cứ như là kim chi bằng vàng vậy. Nên tôi thường xuyên qua đây mua vì giá rẻ hơn một chút".

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ông Wong - chủ một nhà hàng Dimsum tại Hong Kong (Trung Quốc) suốt hơn 30 năm nay. Tiệm của ông nổi tiếng khi chỉ tăng giá 1 HKD/lần vào đầu năm. Nhưng tình hình năm nay có rất nhiều khác biệt, khi mà giá thực phẩm tăng bình quân 4,5%, chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phòng dịch từ Trung Quốc đại lục - nguồn cung thực phẩm chính của đặc khu.

Ông Wong Charn-Chee - Chủ nhà hàng dim sum tại Hong Kong (Trung Quốc) nói: "Trong đại dịch việc vận chuyển các loại nguyên liệu rất khó khăn, chi phí đội lên nhiều. Nhưng nếu tôi thường xuyên nâng giá thì khách sẽ chẳng tới ăn nữa".

Đó cũng là câu chuyện chung với nhiều chủ nhà hàng truyền thống khác trên khắp châu Á. Chủ yếu là những nhà hàng nhỏ, họ đều đang phải đau đầu với bài toán: hoặc nâng giá và chịu mất khách, hay giữ giá và chứng kiến lời lãi ngày càng nhỏ giọt. Còn với người tiêu dùng, bằng cách này hay cách khác, đa số mọi người phải chấp nhận thực tế là các món ăn khoái khẩu của mình đều đang đắt lên - ít nhất là trong vài tháng tới.

Chia sẻ Facebook