Người dân Trung Quốc tiếp tục đổ tiền vào gửi tiết kiệm
Thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, người Trung Quốc hiện đang chuộng gửi tiền tiết kiệm.
Xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức cao nhất sau 2 thập kỷ, theo một khảo sát mới đây được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện.
Thay vì chi tiêu hoặc dùng tiền đầu tư, 58,3% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tiết kiệm. Số liệu này được cho là bước nhảy vọt so với mốc 54,7% hồi quý I/2022, qua đó đánh dấu mức tiết kiệm kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thu thập từ năm 2002.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt các đợt phong tỏa kiểm soát dịch COVID-19. Được biết Thượng Hải đã đóng cửa trong suốt tháng 4 và tháng 5, trong khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng. Tuy nhiên, 2 thành phố này mới đây đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, đồng thời giảm thời gian cách ly đối với khách du lịch quốc tế cũng như khách địa phương từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.
PBOC cho biết cuộc khảo sát hàng quý, vốn được thực hiện từ năm 1999, bao gồm 20.000 người dân có tiền gửi ngân hàng tại 50 thành phố lớn, vừa và nhỏ trên khắp cả nước. Lo lắng về mức thu nhập trong tương lai khiến tâm lý họ trở nên thận trọng.
Theo cơ sở dữ liệu CEIC, chỉ số nghiên cứu về triển vọng việc làm đã giảm xuống còn 44,5%, mức thấp nhất kể từ quý I/2009. Tỷ lệ người được hỏi cho biết sẽ dùng tiền để chi tiêu chỉ tăng nhẹ so với quý I, đạt 23,8%.
Nếu người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu trong vòng 3 tháng tới, lựa chọn phổ biến nhất cũng chỉ là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các mặt hàng giá rẻ. Trong khi đó, xu hướng đầu tư giảm 3,7 điểm phần trăm xuống còn 17,9% trong quý II này. Chứng khoán được cho là loại tài sản kém hấp dẫn nhất.
Theo CNBC, tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã chạm mức kỷ lục 6,9% trong tháng Năm. Trong đó, tỷ lệ không có việc làm của thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 vẫn duy trì ở mức cao 18,4%. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cũng đạt kỷ lục.
Theo Yang Yinkai, Phó Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, giới chức Trung Quốc sẽ thực hiện “chính sách cứu trợ” nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định và mở rộng quy mô nhân sự. Các doanh nghiệp nhỏ nếu chiêu mộ sinh viên vừa tốt nghiệp cũng sẽ nhận được trợ cấp. Ngoài ra, chính phủ sẽ thực hiện đào tạo kỹ năng nghề và thúc đẩy quá trình tuyển dụng công chức và giáo viên cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.
Hồi đầu tháng này, chia sẻ với CNBC, PBOC cho biết đối tượng được chính phủ hỗ trợ bao gồm các lao động nhập cư và sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện nhận các khoản vay khởi nghiệp có đảm bảo. Ngân hàng trung ương cũng khẳng định sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại gia hạn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp nhỏ, tài xế xe tải hoặc những người phải thế chấp tài sản để vay tín dụng.
Theo thống kê được thực hiện hồi cuối tháng 4, tổng lượng tiền tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc chạm ngưỡng hơn 16 nghìn tỷ USD, tăng tới 7% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi bất động sản vốn là nguồn tích lũy tài sản chính tại Trung Quốc, nhiều người dân đã quyết định chuyển sang gửi tiền tại các ngân hàng. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng không còn muốn chấp nhận rủi ro sau khi chỉ số CSI 300 của các sàn chứng khoán đại lục chứng kiến đà lao dốc 18% kể từ đầu năm.
Theo: CNBC
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế