Người dân Trung Quốc phẫn nộ vì cái chết của trẻ em do việc phong tỏa hà khắc
Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với sự tức giận dữ dội của công chúng sau cái chết của một đứa trẻ thứ hai, được cho là do việc thực thi các biện pháp phong tỏa quá mức. Vụ việc đã làm tăng thêm sự bất mãn đối với các biện pháp kiểm soát đang giam giữ hàng triệu người trong nhà và châm ngòi cho các cuộc chiến với nhân viên y tế.
Embed from Getty Images
Theo các bản tin và bài đăng trên mạng xã hội, bé gái 4 tháng tuổi đã qua đời sau khi bị nôn mửa và tiêu chảy trong khi bị cách ly tại một khách sạn ở trung tâm thành phố Trịnh Châu. Người cha của bé gái này đã mất tới 11 tiếng để gọi được hỗ trợ, do các dịch vụ khẩn cấp chậm trễ và cuối cùng bé gái được đưa đến bệnh viện cách đó tới 100 km.
Theo các bản tin và phương tiện truyền thông xã hội, bé gái 4 tháng tuổi ở Trịnh Châu và cha của em đã được đưa đi cách ly vào thứ Bảy.
Một tài khoản trên mạng xã hội cho biết người cha, được xác định là Li Baoliang, nói rằng anh bắt đầu gọi đến đường dây nóng khẩn cấp vào trưa thứ Hai sau khi bé bị nôn mửa và tiêu chảy. Anh cho biết đường dây nóng trả lời rằng bé gái không ốm nặng đến mức cần được chăm sóc khẩn cấp. Tài khoản này cho biết nhân viên y tế tại khu vực cách ly sau đó đã gọi xe cấp cứu nhưng bị từ chối xử lý vì người cha có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Bé gái cuối cùng đã đến bệnh viện lúc 11 giờ tối nhưng đã không qua khỏi mặc dù đã được nỗ lực hồi sức, tài khoản này cho biết.
Tài khoản được cho là của người cha đã phàn nàn rằng đường dây nóng khẩn cấp hoạt động không đúng cách, các bệnh viện gần đó không sẵn sàng giúp đỡ và bệnh viện nơi họ đến đã không cung cấp “điều trị kịp thời” và cung cấp cho anh ta thông tin “sai lệch nghiêm trọng”.
Chính quyền thành phố Trịnh Châu cho biết vụ việc đang được điều tra, theo các bản tin.
Sự vụ gây chết người này xảy ra sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền hứa trong tháng 11 rằng những người bị cách ly sẽ không gặp khó khăn nếu cần trợ giúp khẩn cấp, sau làn sóng phản đối kịch liệt về cái chết của một cậu bé 3 tuổi ở khu vực tây bắc. Cha của bé đổ lỗi cho các nhân viên y tế ở thành phố Lan Châu đã cố ngăn anh đưa con trai đến bệnh viện.
Người dùng Internet bày tỏ sự tức giận trước chiến lược Zero-COVID của Đảng Cộng sản cầm quyền và yêu cầu trừng phạt các quan chức ở Trịnh Châu vì đã không giúp đỡ người dân.
“Một lần nữa, lại có người chết vì các biện pháp phòng chống dịch bệnh quá mức”, một người dùng viết trên nền tảng Sina Weibo. “Họ đặt chức vụ của mình lên trên mọi thứ khác.”
ĐCSTQ đã hứa vào tuần trước sẽ nới lỏng kiểm dịch và các hạn chế khác theo chiến lược Zero COVID. Chiến lược này được cho là đã giữ cho số lượng lây nhiễm của Trung Quốc thấp hơn so với Hoa Kỳ và các quốc gia lớn khác, nhưng khiến các khu dân cư, trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa trong nhiều tuần liền. Cư dân của một số khu vực phàn nàn rằng họ không có thức ăn và thuốc men.
Số ca nhiễm tăng đột biến trong hai tuần qua đã khiến các quan chức ở các khu vực trên khắp Trung Quốc phải cách ly các gia đình trong căn hộ chật chội của họ hoặc ra lệnh cách ly mọi người nếu chỉ phát hiện một ca nhiễm duy nhất tại nơi làm việc hoặc khu vực lân cận của họ.
Vào thứ Năm, chính phủ đã báo cáo 23.276 trường hợp nhiễm mới ở các khu vực trong cả nước; 20.888 người trong số họ không có triệu chứng.
Lê Vy (theo AFP)
Chuyên gia: Công nhân Foxconn TQ tháo chạy vì ‘Zero COVID’ giống cảnh chạy nạn đói năm 1942 Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu - Hà Nam (Trung Quốc) gia công iPhone cho Apple đang chứng kiến cảnh làn sóng công nhân tháo chạy.