Người dân tiếp tục đổ xô gửi tiết kiệm
So với thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 230.000 tỷ đồng.
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi của khách hàng (tổ chức kinh tế và dân cư) tại hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 4/2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Theo đó tính đến hết tháng 4/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt 11,327 triệu tỷ đồng, so với 11,338 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 3.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tin dụng tháng 4 đạt 5,795 triệu tỷ đồng - giảm đến 69.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 3. Việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm trong tháng 4 có thể do doanh nghiệp rút tiền để đầu tư, sản xuất kinh doanh khi toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Trái với các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư vào các tổ chức tín dụng tiếp tục đà tăng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2022 có 5,532 triệu tỷ đồng được dân cư gửi vào các tổ chức tín dụng, tăng 58.000 tỷ đồng so với hồi cuối tháng 3. So với thời điểm cuối năm 2021, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 230.000 tỷ đồng. Thống kê cho thấy tiền gửi của dân cư đã liên tục tăng từ tháng 12/2021 cho đến nay.
Lãi suất huy động liên tiếp tăng trong thời gian qua được cho là một trong những lý do cho việc nhiều người dân gửi tiền tại ngân hàng.
Bước sang tháng 7/2022, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh so với tháng trước. Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh lãi suất này còn có cả các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhập cuộc.
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tăng nhẹ lãi suất các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng thêm 0,1%/năm, lên mức 5,6%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được áp dụng tại ngân hàng này.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng ở mức 5,6%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động trực tuyến cũng được cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Còn tại các ngân hàng thương mại khác, lãi suất huy động liên tục đua tăng; trong đó, có ngân hàng tăng hơn 1%/năm so với hồi đầu tháng 6/2022.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng từ mức 5,95%/năm lên tới 7,1%/năm. Tương tự với kỳ hạn 13 tháng, từ 6,1%/năm lên 7,15%/năm. Như vậy, lãi suất tiết kiệm tại HDBank đã tăng mạnh từ 1,05 - 1,15%/năm so với trước đó.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng lãi suất thêm 1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 15 - 36 tháng, lên mức 6,5%/năm; các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng được điều chỉnh tăng 0,5%/năm lên mức kịch trần 4%/năm…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh. Riêng quý I/2022, số dư tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng, lý do tiền gửi tăng mạnh phần nào đến từ việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sau 2 năm giữ ở mức thấp.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tại một số ngân hàng tăng từ 0,3 - 0,6%/năm.
"Áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, lãi suất huy động cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 - 2%/năm trong cả năm 2022", VCBS dự báo.