Người đàn ông tiết lộ 'Hồ sơ Uber'
Mark MacGann là ai và có liên đới như thế nào tới bê bối chấn động ngành gọi xe của Uber?
Mark MacGann, nhà vận động hành lang chính của Uber tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi đã đứng ra tiết lộ hơn 124.000 tài liệu trong hồ sơ công ty. Ông quyết định lên tiếng vì tin rằng Uber đang cố tình lách luật ở hàng chục quốc gia, đồng thời dối lừa tất cả về lợi ích của các tài xế trong mô hình kinh tế hợp đồng. Chúng bao gồm nhiều bài thuyết trình của Uber, các ghi chú tóm tắt, báo cáo bảo mật và hàng chục nghìn email, WhatsApp, iMessage trao đổi giữa các nhân viên cấp cao nhất.
Đó là Travis Kalanick, nhà đồng sáng lập chiến lược của Uber và sau đó là giám đốc điều hành. Đó là David Plouffe, cựu trợ lý chiến dịch của Barack Obama, người đã trở thành phó Chủ tịch cấp cao tại Uber và Rachel Whetstone, Giám đốc điều hành PR. Người đàn ông 52 tuổi thừa nhận vào thời điểm đó, mình là một phần quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo Uber. Chính vì vậy, ông biết rõ mình không thể phủi bỏ trách nhiệm trong bê bối này.
HỐI CẢI
“Tôi chịu một phần trách nhiệm”, Mark MacGann nói. “Tôi là người đã thuyết phục các chính phủ và gây sức ép với các phương tiện truyền thông. Tôi cũng là người đã vẽ ra viễn cảnh rằng các tài xế sẽ được hưởng lợi với mức thù lao khổng lồ”.
"Và khi mọi chuyện vỡ nhẽ, dường như chúng tôi đang bán cho họ sự dối trá. Lương tâm buộc tôi phải đứng lên và làm rõ mọi chuyện".
Theo The Guardian, vai trò của MacGann tại Uber trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2016 là khá lớn, khi Uber vi phạm luật cấp phép taxi. Người đàn ông này đã chứng kiến Uber gây áp lực lên các chính phủ nhằm thay đổi luật taxi và lao động, qua đó tạo điều kiện hậu thuẫn cho mô hình gọi xe công nghệ trên 40 quốc gia khác nhau. Uber sau đó đã dễ dàng tiếp cận thị trường Anh, Pháp và Nga.
“Tôi hối hận vì từng là một phần của tổ chức lợi dụng lòng tin tài xế, khách hàng và giới chức để trục lợi. Đáng lẽ khi đó, tôi nên tỏ rõ thái độ phản đối. Tôi phải có trách nhiệm nói ra sự thật, giúp chính phủ và các nhà lập pháp có cơ hội sửa sai”, ông Mark MacGann nói. “Không dễ để lên tiếng, vì vậy, tôi đã mất một thời gian dài lưỡng lự”.
Người đàn ông này sau đó đã cáo buộc Uber, dưới sự lãnh đạo của Kalanick, đã áp dụng chiến lược đối đầu với các đối thủ cùng ngành. Sau khi sự thật được phanh phui, MacGann, gương mặt đại diện cho Uber ở châu Âu, đã phải gánh chịu sức nặng của dư luận, từ Pháp, Bỉ, Italy đến Tây Ban Nha. MacGann cũng cho biết bản thân ông đã bị tổn thương tinh thần sâu sắc sau vụ bê bối - một hệ lụy dẫn đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) của mình.
Ngay sau khi MacGann lên tiếng tố cáo, Uber đã có bài phát biểu đáp trả: “Chúng tôi hiểu rằng Mark có những hối tiếc về những năm tháng làm việc cùng ban lãnh đạo, song hiện tại, ông ấy không có đủ tư cách để nói về Uber”.
Trả lời các câu hỏi điều tra của cơ quan pháp luật, Uber thừa nhận những sai lầm trong quá khứ, song khẳng định công ty đã chuyển đổi từ năm 2017 dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành mới, Dara Khosrowshahi.
“Chúng tôi chưa và sẽ không bao biện cho từng hành vi trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng không đúng với giá trị hiện tại của chúng tôi”, đại diện Uber cho biết.
VỠ MỘNG
Theo The Guardian, MacGann từng làm việc tại các công ty chính sách công nổi tiếng như Weber Shandwick và Brunswick, đồng thời điều hành Digital Europe, một hiệp hội thương mại hỗ trợ các tập đoàn lớn như Apple, Microsoft và Sony. Công việc gần đây nhất của ông ấy là phó Chủ tịch cấp cao tại Sở giao dịch chứng khoán New York với mức lương 750.000 USD/năm.
Khi sang Uber, lương MacGann bị giảm đáng kể xuống chỉ còn 160.000 Euro. Tuy nhiên, giống như tất cả các giám đốc điều hành cấp cao gia nhập công ty vào thời điểm đó, khoản thù lao giá trị nhất lại đến từ những lời hứa về quyền sở hữu cổ phiếu trị giá hàng triệu USD nếu Uber hiện thực hóa được tham vọng toàn cầu của mình.
“Cách tiếp cận của Uber về cơ bản là phá luật. Công việc của tôi khi đó là xây dựng quan hệ với các cấp chính quyền cao nhất và đàm phán với họ", MacGann nói.
Nhớ lại khoảng thời gian ở Uber, MacGann cảm thấy xấu hổ. Dù cũng có lúc tỏ thái độ phản đối với một số quyết định của công ty, song đa phần vị lãnh đạo này vẫn đồng thuận với chiến thuật chơi xấu đối thủ, thậm chí còn liên quan trực tiếp đến những sai phạm.
“Tôi quá tin vào giấc mơ mà Uber hướng tới, và tôi đã mù quáng”, MacGann nói. “Tôi đã làm việc 20 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, liên tục trên máy bay, trong các cuộc họp và gọi video trực tuyến. Tôi đã không chịu dừng lại”.
MacGann khẳng định rằng các tài xế Uber đã bị coi là những con tốt để lợi dụng và gây áp lực lên chính phủ: “Điều này đồng nghĩa với việc nếu tài xế Uber đình công hay bạo loạn, thì cũng đều có ích cả. Theo một nghĩa nào đó, việc sử dụng các tài xế Uber theo cách này được coi là điều có lợi.”
Bê bối này sau khi bị phanh phui đã khiến cuộc sống của MacGann đảo lộn. Ông liên tục bị đe dọa tính mạng và phải thuê vệ sĩ bảo vệ, bị suy sụp tinh thần và mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất là khi cuộc biểu tình nhằm phản đối Uber diễn ra tại trạm Brussels Midi ở Bỉ, MacGann đã bị một nhóm tài xế rượt đuổi. Một người nắm vai ông hòng ngăn ông bước vào xe. Số khác thì liên tục đấm mạnh vào cửa xe và đe dọa.
“MacGann, hãy chờ đấy, bọn tao sẽ tìm thấy mày. Bọn tao biết chỗ ở của mày rồi”. Không những thế, MacGann còn nhận được một lời đe dọa khác trên Twitter với nội dung như sau: “Một ngày nào đó bọn cảnh sát sẽ không thể đến cứu mày. Để xem lúc đó mày sẽ làm được gì”, kẻ ẩn danh viết.
“Tôi bị nhóm vệ sĩ vây quanh suốt 5 tháng ròng. Nó khiến tôi rất căng thẳng”, ông chia sẻ với đồng nghiệp”.
Bốn tháng sau, người đàn ông này đã quyết định từ chức và đi trị liệu tâm lý suốt 1 năm trời sau bê bối mà chính ông là người tạo ra.
Theo: The Guardian
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế