Người đàn ông thoát chết dù bị 1.000 ong sát thủ tấn công

Chia sẻ Facebook
07/06/2023 14:46:17

Người đàn ông 60 tuổi chịu 250 vết đốt, nhiều khả năng thủ phạm là ong sát thủ nổi tiếng với sự hung dữ và xu hướng đốt theo đàn


John Fischer , người đàn ông 60 tuổi ở bang Arizona, đang ra ngoài cùng chó cưng thì một đàn ong bay đến tấn công. Fischer ngồi trên xe lăn và chiếc xe bị lật, khiến ông không thể thoát thân. Tại bệnh viện, các bác sĩ tìm thấy hơn 250 vòi chích của ong trong cơ thể Fischer. Hiện ông đã xuất viện và đang hồi phục, Live Science hôm 31/5 đưa tin.

Ong sát thủ (ong lai châu Phi) thu thập phấn hoa trên sa mạc Mojave. (Ảnh: Wikimedia)


Các báo cáo cho rằng ong sát thủ, còn gọi là ong lai châu Phi , là thủ phạm gây ra vụ việc. Ong sát thủ được nhân giống lần đầu bởi một nhà khoa học Brazil, khi người này cố gắng kết hợp sản lượng mật ong khổng lồ của ong mật châu Âu và sự thích nghi với khí hậu ấm của ong mật châu Phi, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.


Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Clinical Case Reports ước tính, 50 - 500 vết ong đốt cùng lúc đủ để giết chết một người trưởng thành . Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính con số lớn hơn, khoảng 1.100 vết với người lớn và 500 với trẻ em, dựa trên thông tin cho rằng một người trung bình chịu được 10 vết đốt trên mỗi pound (0,45 kg) trọng lượng cơ thể. Theo số liệu này, Fischer có khoảng 250 vết đốt nên có thể vẫn dưới ngưỡng gây tử vong .

John Fischer, người chịu hơn 250 vết ong đốt. (Ảnh: KTVK/KPHO).

Fischer không phải là người đầu tiên vượt qua nguy hiểm này. Năm 2014, một công nhân ở Texas bị khoảng 1.000 con ong sát thủ đốt và vẫn sống. Cùng năm, một cụ bà 71 tuổi bị đàn ong sát thủ 80.000 con tấn công và sống sót sau khi chịu khoảng 1.000 vết đốt.

Tuy nhiên, một số người lại không thể vượt qua những cuộc tấn công tương tự. Ví dụ, một người đi bộ 23 tuổi thiệt mạng do 1.000 vết đốt vào năm 2016 ở bang Arizona.

Với những người dị ứng với vết ong đốt, hệ thống miễn dịch phản ứng với vết đốt có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, dẫn đến sốc phản vệ và tử vong. Nhiều nghiên cứu chỉ ra. trọng lượng cơ thể, tình trạng miễn dịch và tuổi tác ảnh hưởng đến mức độ phản ứng của một người với vết ong đốt. Theo Bệnh viện Nhi Boston, những người dị ứng ong đốt trên 25 tuổi dễ có khả năng sốc phản vệ sau khi bị đốt hơn, một phần do phản ứng dị ứng với nọc ong có thể trở nên tệ hơn theo sự tích lũy (nạn nhân trải qua nhiều lần đốt hơn).

Các phản ứng không dị ứng phổ biến khi bị ong đốt gồm sưng đau, mẩn đỏ ở vùng chịu tác động. Trong khi đó, phản ứng dị ứng có thể gồm nổi mề đay, buồn nôn, choáng váng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, huyết áp thấp và sưng tấy ở cả những nơi không bị đốt, theo USDA. Bệnh viện Nhi Seattle cho biết, những dấu hiệu chính của sốc phản vệ là nổi mề đay kèm theo khó thở và khó nuốt.


Ong sát thủ, còn gọi là ong lai châu Phi di cư từ Brazil đến phía bắc, qua khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ, tới nước Mỹ. Qua nhiều năm, hành vi hung dữ cộng với xu hướng tụ tập và đốt theo nhóm khiến chúng trở nên khét tiếng và có biệt danh "ong sát thủ". Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, nọc độc của chúng không mạnh hơn nọc độc của ong mật châu Âu.

Trong một số trường hợp, chỉ một vết ong đốt cũng đủ gây chết người. Năm 2009, Ray Shaw, cựu chủ tịch Dow Jones, chết sau khi bị một con ong chưa rõ loài đốt trong garage. Tuy nhiên, vết đốt đơn lẻ của ong, kể cả ong sát thủ, hiếm khi gây tử vong.

Mỗi năm, khoảng 3% số người bị côn trùng cắn bị sốc phản vệ - một phản ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở những người biết mình dị ứng với ong đốt và cả những người không. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) năm 2019, giai đoạn 2000 - 2017, trung bình có 62 ca tử vong hàng năm do ong bắp cày, tò vò và ong đốt ở Mỹ. Theo một cuộc thăm dò gần đây của công ty YouGov, có tới 75% người Mỹ từng bị ong đốt. Do đó, việc ong đốt gây chết người hiếm khi xảy ra.

Chia sẻ Facebook