Người đàn ông phải cắt cụt chân sau 1 tuần tê bì, đau vùng cẳng bàn chân
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 65 tuổi, bị thiếu máu không phục hồi cẳng bàn chân trái, buộc phải cắt cụt 1/3 giữa đùi trái.
Bệnh nhân M.Đ.N. (65 tuổi, trú tại Nga Sơn, Thanh Hóa) có tiền sử đau bắp chân nhiều tháng trước nhưng không đi khám bệnh. Hơn 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đau cẳng chân nhiều lên, tự điều trị tại nhà nhưng không cải thiện nên đi khám ở bệnh viện tỉnh.
Bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh khám với biểu hiện tê bì, đau nhức, tím vùng cẳng bàn chân trái và chẩn đoán thiếu máu bán cấp cẳng bàn chân bên trái. Các bác sĩ tại đây đã khám, giải thích về nguy cơ cắt cụt chi cao cho gia đình bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tỉnh ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ tua trực cấp cứu gồm nhiều chuyên khoa đã tiến hành thăm khám cho bệnh nhân, chẩn đoán thiếu máu không phục hồi cẳng bàn chân trái, hội chẩn với trực tham vấn chấn thương của bệnh viện, chỉ định cắt cụt đùi.
Bệnh nhân được được phẫu thuật cấp cứu cắt cụt 1/3 giữa đùi trái, phần chi thể cắt bỏ được chuyển xuống khoa giải phẫu bệnh để làm sinh thiết. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển từ khu hậu phẫu về Khoa Phẫu thuật Chi dưới điều trị tiếp.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị và theo dõi hàng ngày.
BSCKII. Vũ Trường Thịnh, Khoa Phẫu thuật Chi dưới cho biết: Nếu trường hợp này để muộn hơn nữa thì cẳng bàn chân sẽ hoại tử ướt, gây ra nhiễm trùng nhiễm độc cho bệnh nhân và có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm: 6 đến 10 tiếng là thời gian vàng để can thiệp kể từ khi bệnh nhân xuất hiện đau và tê bì ở bắp chân lần đầu. Trong khoảng thời gian đó, bệnh nhân nên khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được làm thăm dò sâu hơn nhằm phát hiện bệnh sớm.
Các bác sĩ khuyến cáo: Đối với những trường hợp có nguy cơ cao như trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, giúp bảo tồn chi thể và tính mạng của người bệnh.