Người đàn ông Ninh Bình táo bạo đầu tư hàng trăm triệu để nuôi cua biển... trong hộp nhựa

Chia sẻ Facebook
07/11/2022 14:48:01

Anh Phạm Văn Duy (thôn Tiền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) đã đầu tư gần 500 triệu đồng trang thiết bị cho mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa, bước đầu đang rất khả thi.


Sở thích ăn món cua biển

Về xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, Ninh Bình hỏi thăm mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, người dân chỉ ngay cho chúng tôi con ngõ đi vào căn nhà đang được anh Duy lắp đặt hệ thống bể nước tuần hoàn và hơn 500 hộp nhựa có những con cua giống và nhiều con cũng đến ngày "xuất chuồng".


Luôn tay mở nắp những hộp nhựa kiểm tra thức ăn và điều chỉnh nguồn nước, anh Duy chia sẻ, xuất phát từ sở thích ăn cua nên thường vào mạng tìm hiểu làm thế nào để có được những con cua chất lượng. Sau đó anh Duy làm quen với một số người đang nuôi cua bằng hộp nhựa và tìm hiểu công nghệ.

Anh Duy đang kiểm tra các hộp nuôi cua

Cơ sở đã có 540 hộp nhựa

Để thực hiện mơ ước của mình, người đàn ông 9X thuê căn nhà bỏ trống ở trong thôn, đầu tư máy móc thiết bị tổng trị giá ban đầu khoảng 350 triệu, đến khi mô hình vận hành ổn định thì phải chi hơn 500 triệu đồng.

Tuy nhà ở thành phố nhưng anh Duy cảm thấy vẫn thuận lợi hơn nhiều địa phương khác vì chỉ cách vùng biển Kim Sơn hơn 50 km, để vận chuyển những khối nước mặn và đem giống cua về nuôi.

"Nước và giống tôi đều lấy từ vùng biển Kim Sơn. Nuôi cua biển trong hộp nhựa nguồn nước rất quan trọng, nước nuôi cua đưa về lọc qua hệ thống tuần hoàn thì không phải thay nước, mỗi ngày cho ăn 2 lần".

Mỗi hộp chỉ nuôi 1 con duy nhất

Điều chỉnh nguồn nước rất quan trọng

Ban đầu anh Duy tập tành từ những người đã quen qua mạng và thí nghiệm nuôi cua biển chỉ với 50 hộp nhựa, hiện nay cơ sở của anh Duy đã nhân rộng mô hình với 540 hộp nhựa và có hệ thống lọc thải nước chuyên nghiệp.

Theo anh Duy, với cách nuôi cua biển trong hộp nhựa qua hệ thống công nghệ cao trong nhà có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy.

Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV.

Một trong những con cua sắp đến ngày "xuất chuồng"

Thức ăn cho cua


Vừa nuôi vừa vỗ béo

Chủ cơ sở nuôi cua biển bằng hộp nhựa cho biết, với mô hình này có thể nuôi con giống từ khi còn đang rất nhỏ và những con ngắn ngày cũng rất hiệu quả. Vì nuôi cua biển trong hộp nhựa có thể kiểm soát được số lượng con, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh... Trong các hộp nhựa ở cơ sở anh Duy đang có các loại cua giống với số ngày khác nhau, những con từ bé thì phải nuôi dài ngày, còn đối với những con đã trưởng thành thì chỉ 2-3 tuần là 'xuất chuồng'. Ngoài ra cũng có một số con đang trong giai đoạn lột xác cũng được "vỗ béo" trong hộp nhựa chờ đến ngày chắc thịt và đầy gạch sẽ được thu hoạch.

Tập tính của cua biển thường hoạt động về đêm nên màu sắc của chiếc hộp sẽ là màu đen, có nắp đậy và để khe hở. Mỗi ngày ông chủ cùng một người giúp việc sẽ cho cua ăn 2 lần, nhưng bữa chính là vào buổi chiều muộn. Thức ăn của cua phải là thức ăn tươi như: Cá, tôm, ốc, hến cắt nhỏ, phổ biến là con dắt (loại giống con ngao nhỏ)…

Nhiệt độ bên trong luôn phải ổn định 28 độ C

Mỗi ngày 2 lần cho cua ăn

Lý do mỗi chiếc hộp nhựa chỉ được nuôi một con, theo anh Duy vì không để cua tấn công, ăn thịt lẫn nhau. Đồng thời, thu hẹp mô hình để dễ quản lý, tránh để cho cua nhiễm bệnh chéo.

Tại cơ sở nuôi cua của anh Duy hiện tại đang có 540 hộp được xếp chồng lên nhau thành từng dàn, hai bên có lối đi vào để mỗi lần mở nắp ra kiểm tra lần lượt theo số thứ tự đã đánh dấu.

"Để cua biển sống, phát triển tốt hơn thì nhiệt độ luôn duy trì khoảng 28 độ C",

Một loại test dùng để kiểm tra chất lượng nước thủy sản

Thành quả sau những ngày vất vả

Tuy vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng cơ sở nuôi cua bằng hộp nhựa của anh Duy đã xuất đi nhiều lượt cho các nhà hàng và bán lẻ cho người dân.

Đánh giá về dự án nuôi cua trong hộp nhựa của anh Duy, ông Nguyễn Văn Thành – người đang nuôi cua bằng nước tự nhiên ven biển Kim Sơn, Ninh Bình, cho hay, đây là mô hình rất thông minh và hiệu quả.

"Nuôi cua quảng canh và đại trà như những người ven biển, mỗi lần thu hoạch sẽ có nhiều con còn óp, hay đang lột, giá trị những con cua này bán cho 'con buôn' thì chẳng được đáng bao nhiêu tiền, gần như là cho họ luôn. Nếu đưa những co cua nhỏ, óp hoặc đang lột về 'vỗ béo' cho nó ít ngày thì đương nhiên thu lời lớn",

Được biết, dù đang là thời gian thử nghiệm nhưng bước đầu đã có kết quả khá khả thi, anh Duy cũng đã sẵn sàng chia sẻ đối với những ai muốn quan tâm đến mô hình nuôi cua trong hộp nhựa.

Chia sẻ Facebook