Người đàn ông miền Tây "xây cầu từ thiện vì đam mê"
Một người đàn ông từng trải qua nghèo khó nay dư dả mong muốn đóng góp một chút công sức của mình cho bà con. Ông hy vọng sẽ nhân rộng được việc làm ý nghĩa này của mình để giúp được nhiều người hơn nữa.
Có những người vẫn luôn âm thầm đóng góp công sức của mình cho cộng đồng, xã hội mà không hề đòi hỏi bất cứ sự báo đáp nào như người đàn ông xây từ thiện hàng trăm cây cầu dưới đây.
“Anh Ba Đạt" xây trăm cầu từ thiện không công
Báo Thanh Niên viết, ông Lê Văn Cư (54 tuổi, quê An Giang) thường được mọi người gọi bằng cái tên thân thương là “anh Ba Đạt” vì những việc làm đầy nhân văn và tình người. 14 năm qua, “anh Ba Đạt” cùng với anh em của mình đã xây dựng hàng trăm cây câu cho bà con ở các tỉnh miền Tây mà không lấy bất cứ một đồng tiền công nào.
Từng trải qua những ngày tháng phải quăng thân chuối làm cầu để đi qua rạch, té ướt như chuột nên ông càng thấu hiểu ước mong có cầu của bà con miền Tây. Thêm nữa, ông từng có một tuổi thơ nghèo khó, học xong lớp 9 nghỉ đi làm phụ hồ rồi ở đợ kiếm sống. Đến khi lấy vợ, cả 2 tu chí làm ăn mới dành ra được chút ít, cuộc sống đỡ khổ hơn. Vì thế ông càng mong muốn góp một chút công sức của mình đến những bà con khó khăn.
Ông Cư tâm sự với báo Thanh Niên: “Ngày đó tôi khổ, giờ có ăn nên muốn chia sẻ lại, chia sẻ cả tinh thần, vốn liếng. Tôi không bon chen nữa nên rút lui dễ lắm. Tiền của nhà tài trợ thì phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất có thể, vừa giúp được nhà tài trợ, vừa giúp được bà con địa phương”.
Chính vì vậy bất cứ nhà từ thiện nào có nhu cầu, liên hệ ông Cư thiết kế thì ông sẽ tính toán để cây cầu tiết kiệm chi phí đến mức tối đa nhất. Đặc biệt, ông không nhận tiền công xây dựng, thỉnh thoảng còn góp thêm kinh phí.
Cầu đáy dày không như cầu bê tông, mỗi cây 3 người làm chỉ chừng 10 ngày là xong. Cầu dài dưới 20m thì 100 triệu đổ lại; dài tới 80m thì khoảng 1,2 tỷ, còn làm cầu bê tông thì chắc phải tới 8 - 9 tỉ đồng.
Ông Cư vẫn hay nói đùa: “Làm cầu vì đam mê và vì chưa hết nghiệp với đời. Khi nào nhà hảo tâm không nhờ xây cầu nữa thì tôi về nấu cơm cho vợ”.
Vì nhiều nhà hảo tâm liên hệ nên ông Cư đi theo công trình suốt khiến vợ cằn nhằn mãi, nhưng rồi thấy chồng làm việc thiện giúp đời, vợ ông cũng không nói gì nữa. Bà Trần Thị Hoa (52 tuổi, vợ ông Cư) kể, ngày trước hai vợ chồng mưu sinh cực khổ, đến khi làm ăn được đôi chút, ông cũng thỉnh thoảng đi ăn uống với bạn bè, nhưng từ ngày xây cầu không lấy công, chồng bà chuyển hẳn sang ăn chay trường.
Suốt nhiều năm gắn bó với công việc này, dù gặp bao khó khăn, vất vả, đứng dãi nắng, dầm mưa ngoài đường, chẳng thể kể hết những lần bị thương nhưng khi công trình hoàn thành nhìn mọi người vui là sự mệt mỏi đều tan biến hết.
Ông Cư chỉ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm làm cầu tiết kiệm của mình để cùng nhân rộng công việc ý nghĩa này, giúp nhiều bà con hơn.
Lão nông miền Tây xây cầu từ thiện
Cũng mong muốn góp sức mình để cải thiện cuộc sống của người dân nơi miền quê sông nước, ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi, ngụ ấp 18, xã Tân Long) đã cùng 13 thành viên trong nhóm làm việc trên tinh thần tình nguyện và không công, không đòi hỏi bất cứ một sự ưu đãi nào.
Báo Công an Nhân dân viết, một lần có đoàn từ thiện về xã Tân Long xây cầu. Họ mong muốn tìm một đội xây giúp, ông Sáu Nhỏ đã xung phong nhận làm hộ mà không lấy bất cứ một đồng công cán nào. Từ đó, nhóm xây cầu từ thiện ra đời.
Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, nhóm xây cầu của ông Nhỏ đã xây mới được 12 cây cầu ở thị xã Ngã Năm, 35 cầu ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và hiện chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu nữa ở xã Tân Long. Bình quân mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 70-75 triệu đồng, có một số cây trên 100 triệu đồng.
Có thể thấy, những người như ông Cư hay ông Sáu Nhỏ đã và đang ngày càng thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp bà con thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!
Từ thiện là việc làm nghĩa tình xuất phát từ cái tâm và tấm lòng của mỗi người. Họ không mong cầu mình được mọi người báo đáp hay khen thưởng. Đơn giản họ làm chỉ vì cảm thấy bản thân vui, được giúp đỡ người khác, được đóng góp công sức cho đời, cho người. Những người như ông Lê Văn Cư hay ông Sáu Nhỏ thực sự rất đáng trân trọng. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều những tấm lòng nhân ái để cùng chung tay giúp đỡ bà con, để cuộc sống của mọi người được cải thiện hơn.
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY !