Người đàn ông mắc ung thư phổi nhưng tưởng nhầm Covid-19

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 04:35:33

Ông Khoury nghĩ mình đã nhiễm Covid-19 do bị đau lưng, hắt hơi, ớn lạnh, ho. Ông chỉ đi khám khi bắt đầu ho ra máu.

Các bác sĩ Mỹ đã thực hiện thành công ca ghép phổi cho một bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn 4. Trường hợp này mang lại hy vọng cho những người mắc căn bệnh chết người ở thời kỳ cuối.


Albert Khoury, 54 tuổi, làm việc trong ngành xây dựng, bắt đầu bị đau lưng, hắt hơi, ớn lạnh, ho vào đầu năm 2020. Ban đầu, ông cho rằng mình mắc Covid-19 .

Tuy nhiên, sau khi ho ra máu, ông đã đi khám và được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 1. Khi đó, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên ông không thể điều trị ngay.

Đến tháng 7/2020, bệnh ung thư của ông tiến triển sang giai đoạn 2. Mặc dù ông đã qua nhiều đợt hóa trị, bệnh trở nặng sang giai đoạn 3 và 4. Các bác sĩ nhận định ông không còn cơ hội sống lâu thêm nữa.

Ông Khoury trải qua một ca cấy ghép kéo dài 7 giờ để nhận được lá phổi mới của mình ở Chicago (Mỹ) vào ngày 25/9/2021.

Bây giờ, 6 tháng sau khi phẫu thuật, phổi của ông Khoury đã hoạt động bình thường. Ông không có dấu hiệu của bệnh ung thư trong cơ thể, thậm chí có thể đến phòng gym mà không cần hỗ trợ thở.


Ông Khoury đã bình phục sau khi được ghép phổi mới. Ảnh: Northwestern Medicine

“Cuộc đời tôi đi từ con số 0 đến con số 100. Mọi người đã không nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của tôi trong hơn một năm, nhưng bây giờ tôi luôn tươi cười”, ông Khoury tâm sự.

Các bác sĩ rất hiếm khi tiến hành các ca cấy ghép như trên. Một vài tế bào ung thư bị sót có thể nhân lên ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải nội tạng.

Một số trường hợp như vậy được thực hiện trước đây đã không thành công. Nhưng những tiến bộ y học đã cho phép các bác sĩ hiểu rõ hơn về sự lây lan của ung thư.

Ankit Bharat, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, cho biết: “Việc cấy ghép phổi cho bệnh nhân ung thư cực kỳ hiếm. Đối với người mắc ung thư giai đoạn 4, việc cấy ghép phổi gần như không thể. Nhưng vì ung thư của ông Khoury chỉ giới hạn ở ngực nên chúng tôi tự tin có thể loại bỏ trong quá trình phẫu thuật và cứu sống anh ấy".

Khi đó, chị gái đã nói với ông Khoury về ca cấy ghép cho một cô gái 20 tuổi có phổi bị Covid-19 tàn phá.

Ông Khoury đã được bác sĩ Young Chae thử các phương pháp điều trị chống ung thư khác. Nhưng sức khỏe của ông liên tục giảm sút, khiến ông phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt do viêm phổi và nhiễm trùng huyết.

Các chuyên gia đánh giá ông Khoury là một ứng cử viên để cấy ghép khi ung thư, mặc dù đã ở giai đoạn 4, chưa di căn sang các cơ quan khác. Hai tuần sau, ông nhận được lá phổi mới.

Nhóm nghiên cứu đã phải loại bỏ các tế bào ung thư ở phổi của nam bệnh nhân. Bác sĩ Bharat nói: “Đó là một đêm thú vị”.

Dựa trên thành công của ca phẫu thuật, bác sĩ Bharat và bác sĩ Chae đang phát triển bộ quy trình mới xác định những đối tượng phù hợp để điều trị như vậy.

Cho đến nay, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở Mỹ, chiếm gần 25% tổng số ca.

Đây cũng là loại ung thư chỉ xếp sau ung thư vú về mức độ phổ biến ở Mỹ. Mỗi năm, gần 250.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh.


An Yên (Theo Daily Mail )

Chia sẻ Facebook