Người đàn ông không mua sắm để tiết kiệm, nghỉ hưu sớm ở tuổi 51
Câu chuyện về người đàn ông không mua sắm nhiều năm, mặc chiếc áo 10 năm, điện thoại cũng dùng từ năm 2007 để có thể tích được 19,8 tỷ đồng với mức thu nhập chỉ trên trung bình và có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 51 bất ngờ bị đào lại giữa bối cảnh mọi người đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu.
Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng sau đại dịch kéo dài, vấn đề tiết kiệm bỗng trở thành chủ đề được nhiều người đem ra bàn luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng đó là sống kham khổ, không biết tận hưởng, số khác lại cho rằng đó là biết lo nghĩ, phòng xa.
Trong luồng tranh luận đó, câu chuyện về người đàn ông ở Nhật nghỉ hưu ở tuổi 51 sau khi đã tiết kiệm được 100 triệu yên (khoảng 19,8 tỷ đồng) gây “bão” mạng hồi tháng 8/2021 bất ngờ được đào lại.
Người đàn ông có gần 20 tỷ đồng nhờ tiết kiệm
Theo đó, Sakaguchi Kazuma, một nhân viên bình thường ở Nhật Bản đã quyết định nghỉ hưu sau 33 năm làm việc vì cảm thấy bản thân đã tích lũy đủ dù vào thời điểm đó ông chỉ mới 51 tuổi. Điều đáng chú ý hơn là Sakaguchi Kazuma đã tiết kiệm được tới 19,8 tỷ đồng và mua được cho mình một căn nhà lớn rộng 90m2 với 3 phòng ngủ ở Kanagawa tại xứ phù tang đắt đỏ trong khi thu nhập của ông chỉ vào khoảng 4,5 triệu yên/năm (khoảng 891 triệu đồng). So với thu nhập bình quân 4,36 triệu yên của người Nhật Bản, con số này chỉ nhỉnh hơn 1 chút.
Trong một chương trình của đài truyền hình Nhật Bản, Sakaguchi Kazuma đã tiết lộ chỉ cho phép bản thân tiêu khoảng 100.000 yên (khoảng 19,8 triệu)/ tháng để có thể tiết kiệm tối đa chi phí. Nhờ đó, mỗi năm ông có thể để dành ra 3,3 triệu yên (khoảng 567 triệu đồng).
Để có thể nghỉ hưu sớm cùng 19,8 tỷ đồng, ông Sakaguchi Kazuma đã mặc 1 chiếc áo phông suốt 10 năm vì nó vẫn còn nguyên, chưa bị rách. Thậm chí, chiếc điện thoại ông đang sử dụng cũng mua từ năm 2007 và ông chỉ dùng để nhắn tin, gọi điện. Khi được hỏi về việc tại sao mặc chiếc áo trong nhiều năm, ông thoải mái chia sẻ: " Tôi đã mặc một chiếc áo phông tới 10 năm. Nhiều người hỏi tại sao tôi không vứt nó đi. Nhưng tại sao tôi phải mua một cái mới trong khi áo đó vẫn còn mặc được chứ ".
Nhiều người cho rằng việc tiết kiệm đến mức đó sẽ khiến ông phải sống kham khổ, chi li. Tuy nhiên, ông Sakaguchi Kazuma cho biết bản thân mình cảm thấy thoải mái với cách sống đó, ông chỉ đơn giản là tập trung vào những thứ mình “cần” chứ không phải thứ mình “muốn”.
Sau khi nghỉ hưu, ông cũng thường đi làm tình nguyện, du lịch, thỉnh thoảng ông sẽ vào công viên và tự thưởng cho mình những bữa nướng ngon lành.
Cô gái thu nhập 3 tỷ đồng/năm vẫn cần kiệm
Hay như trường hợp của Kate Hashimoto, một cô gái người Nhật sống tại Mỹ. Do quá khứ gặp nhiều biến cố về tài chính nên dù sau khi đã có thu nhập ổn định, lên tới gần 3 tỷ đồng/năm, cô vẫn giữ lối sống tiết kiệm trước kia.
Để tiết kiệm tiền, Kate thường nhặt đồ ăn bỏ đi của các cửa hàng tạp hóa hoặc trong thùng rác của các khu nhà giàu. Cô cũng hạn chế tối đa việc mua sắm. Lần cuối cùng Kate mua quần áo là vào năm 1998. Có những bộ đồ cô mặc tới 14 năm mà không phải thay. Thậm chí, cô còn không dùng giấy vệ sinh để có thể tiết kiệm chi phí.
Với cách sống của Kate, nhiều người cảm thấy khó có thể chấp nhận tuy nhiên cô vẫn cảm thấy thoải mái và hài lòng với cuộc sống hiện tại của chính mình.
Bạn nghĩ sao về lối sống tiết kiệm để dành tiền của nhiều người trong thời gian gần đây? Cùng chia sẻ cảm nghĩ dưới phần bình luận với YAN nhé!
Tiết kiệm là đức tính tốt của mỗi người. Thế nhưng, tiết kiệm không đồng nghĩa với việc keo kiệt. Dù như thế nào thì sức khỏe của bản thân vẫn là yêu tố quan trọng hàng đầu. Hiện nay, lối sống tiết kiệm, hướng đến những cái "cần" hơn là những cái họ "muốn" cũng trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ áp dụng. Chúng ta cũng không nên quá khắt khe, đánh giá những người xung quanh chỉ vì họ sống tiết kiệm.
Cùng cập nhật những tin tức tương tự tại đây !