Người đàn ông hàng chục năm thở bằng miệng được mở đường thở

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 12:14:49

Các bác sĩ khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vừa phẫu thuật khoan xương vách ngăn mũi, mở đường thở cho một người đàn ông bị hẹp tắc gần như hoàn toàn cửa mũi sau, từ nhỏ phải thở bằng miệng.

Hình ảnh nội soi cửa mũi sau hai bên của người bệnh bị hẹp (hình trái) và sau khi được khoan xương vách ngăn mở rộng đường thở (hình phải) - Ảnh do bệnh viện cung cấp


Trường hợp hiếm gặp này là bệnh nhân Đ.N.L. (73 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), ông nhập viện với tình trạng viêm mũi xoang tái diễn và nghẹt mũi, khó thở liên tục. Gia đình cho biết, ông thường xuyên thở bằng miệng từ nhỏ.

Tại bệnh viện, bác sĩ thăm khám và chỉ định kết hợp nội soi mũi, phát hiện bệnh nhân bị tắc cửa mũi sau (không hoàn toàn), lỗ thông mũi quá nhỏ chỉ khoảng 4mm, xung quanh có nhiều dịch tiết đọng gây che lấp gần như hết đường thở làm bệnh nhân khó thở đường mũi.

Bệnh nhân phải thở miệng liên tục gây khó khăn trong sinh hoạt. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mũi xoang cũng cho thấy bệnh tắc gần hoàn toàn cửa mũi sau 2 bên, gồm cả phần màng và xương.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Văn - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, người bệnh bị hẹp tắc cửa mũi sau rất hiếm gặp, tỉ lệ mắc bệnh ghi nhận khoảng 1/8.000.

Đây là bệnh lý bất thường ở trẻ sơ sinh, do một số cơ chế như sự khiếm khuyết trong quá trình phân tách ở vùng mũi và khẩu cái, yếu tố di truyền, mẹ bị rối loạn chuyển hóa vitamin A hay người mẹ sử dụng Thionamide trong thời kỳ mang thai…

Do không được phát hiện phẫu thuật sớm, nên người bệnh phải thở đường miệng từ nhỏ rất khó khăn. Theo lời người bệnh, ông đã từng phẫu thuật xoang mũi một lần và tái thông đường thở. Nhưng sau đó tình trạng khó thở, thở ngạt lại tiếp diễn và ngày tiến triển nặng thêm.

Lần phẫu thuật thứ hai này, các bác sĩ đã hội chẩn quyết định phẫu thuật chỉnh hình cửa mũi sau qua nội soi, lấy bỏ phần màng che lấp đường thở, đồng thời khoan xương vách ngăn phía sau mở rộng đường thở, kết hợp đặt ống nong để giảm nguy cơ tái hẹp.

Sau phẫu thuật, tình trạng người bệnh thở tốt qua đường mũi, chất lượng cuộc sống được cải thiện nhiều.

Không ai giải thích được, không ai có thể hiểu được tại sao chiếc răng to như thế có thể nằm yên trong mũi tới 20 năm mà người đàn ông không hề hay biết.

Chia sẻ Facebook