Người đàn ông gây sốt khi bỏ 1,2 tỷ đồng để giành giật sự sống cho chó cưng
Chú chó bị nhiễm một loại vi khuẩn nặng buộc phải chạy thận nhân tạo. Chủ nhân của nó đã không ngần ngại chi 1,2 tỷ đồng để cứu thú cưng.
Theo AsiaOne, khi quyết định chuyển từ New York (Mỹ) đến Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2020, Tong Jun-wan chọn sống ở Tseng Lan Shue – một ngôi làng nhỏ thuộc Sai Kung, New Territories. Môi trường sống này cực thích hợp với lối sống năng động của anh. Đi cùng người đàn ông là chú chó săn Labrador 2 tuổi có tên gọi Buchi.
Đầu tháng 9 vừa qua, chú chó Buchi được chẩn đoán mắc bệnh leptospirosis – căn bệnh do vi khuẩn gây ra, có thể tổn thương nghiêm trọng đến chức năng gan và thận, nếu nghiêm trọng thì có thể dẫn đến tử vong. Đáng chú ý, căn bệnh này cũng có khả năng ảnh hưởng tới con người.
“Có hơn 200 chủng vi khuẩn khác nhau nhưng chỉ có 6 – 8 trong số chúng có thể lây nhiễm sang chó. Vi khuẩn có thể lây nhiễm sang nhiều cơ quan, gồm thận, gan, lá lách và não”, Joshua Steinhaus – bác sĩ chuyên khoa nội ở Bệnh viện Chuyên khoa Thú y Hong Kong, chia sẻ.
Căn bệnh này thường lây qua nước tiểu chuột, bệnh leptospirosis thường gặp nhất vào thời điểm mưa mùa hè ở Hong Kong, khi những chú chó lao qua các dòng sông, dòng suối, vũng nước bẩn, tệ hơn là uống nước ở đây. Chó bị nhiễm bệnh cũng sẽ lây lan bệnh qua nước tiểu của chúng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm hôn mê, sốt, đau cơ, run rẩy, suy nhược, tăng cảm giác khát và đi tiểu, nôn mửa, chảy nước mũi.
Tong nhận ra có điều gì đó không ổn với Buchi khi chú chó không muốn chơi hoặc ăn. “Tôi đã thử cho Buchi ăn nhưng nó lại bỏ dở. Sau đó, Buchi rơi vào hôn mê, đến đêm thì bắt đầu nôn”, người đàn ông nhớ lại.
Để theo dõi bệnh tình một cách tốt nhất, Buchi phải nằm viện 9 ngày, trong đó có 2 ngày phải chạy thận nhân tạo. Mặc dù bệnh leptospirosis có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn leptospira nhưng nếu chú chó bị suy thận hoặc rối loạn chức năng gan thì cần được điều trị y tế chuyên sâu.
“Chú chó của tôi gần như đã chết. Buchi đang sử dụng 5 loại thuốc khác nhau và dịch truyền tĩnh mạch hàng ngày”, Tong kể lại. Anh cũng tiết lộ “trận chiến” giành giật sự sống cho Buchi vẫn đang diễn ra với nhiều tuần điều trị ngoại trú.
Được biết quá trình điều trị cho chú chó khiến anh phải đối mặt với khó khăn tài chính. Được biết, chi phí điều trị cho Buchi hiện đã lên tới 72.000 SGD (gần 1,2 tỷ đồng).
Bệnh Lepto thường được bắt gặp nhiều nhất ở Hong Kong vào mùa mưa và mùa hè. Các triệu chứng phổ biến của bệnh sẽ khiến động vật hôn mê, sốt, đau cơ, run rẩy, nôn mửa và chảy nước mũi.
Trước đó Andrienne Lee – người huấn luyện chó ở Hong Kong – cũng chứng kiến 3 trong số bốn con chó của cô nhiễm bệnh, một con trong số đó đã qua đời. Tất cả chó cưng của cô đều được tiêm vắc-xin LeptoVax 4 giúp bảo vệ chống lại bốn loại bệnh leptospirosis khác nhau. Buchi cũng đã được tiêm loại vắc-xin này.
Tuy vắc-xin tăng cường phản ứng miễn dịch nhưng những chú chó đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh. “Chúng tôi đã thấy các chủng leptospirosis mới ở Hong Kong”, bác sĩ Joshua Steinhaus cho hay.
Sau những ngày trị bệnh cho thú cưng, Lee đang phải đối mặt với chi phí điều trị vô cùng tốn kém cho chó cưng. “Một số cơ quan của những chú chó có thể không bao giờ hồi phục được 100%. Tôi thực sự muốn cảm ơn bác sĩ thú y của tôi. Nhờ chẩn đoán chính xác của ông ấy, những chú chó của tôi đã được cung cấp loại thuốc thích hợp kịp thời”, cô nói.
Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) của chính quyền Hong Kong, trường hợp tử vong cuối cùng do bệnh leptospirosis ở người được ghi nhận vào tháng 4/2021, là một người đàn ông 72 tuổi.
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng ở người xảy ra do tiếp xúc với nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh, chủ yếu thông qua vết trầy xước da, vết thương hở hoặc màng nhầy, đôi khi qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc hít phải vi khuẩn. Việc lây nhiễm giữa người với người là rất hiếm gặp. Thời gian ủ bệnh thường từ 4-19 ngày.
CHP thông tin, những người mắc bệnh leptospirosis thường có biểu hiện giống bệnh cúm với các triệu chứng sốt ca, nhức đầu, đau cơ, mắt đỏ, đau họng và phát ban. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây thiếu máu, ảnh hưởng tới gan, thận, phổi và các cơ quan khác.
Đinh Chi (t/h)