Người đàn ông đạp xe vượt “cây cầu bắc lên thiên đàng” ở Nhật Bản [VIDEO]
Cây cầu Eshima Ohashi có độ dốc thẳng đứng “thót tim” như thể nối thẳng lên thiên đàng. Nhưng một YouTuber ưa thử thách đã chinh phục con dốc này chỉ với chiếc xe đạp bình thường.
Eshima Ohashi là cây cầu khung cứng lớn nhất ở Nhật Bản và lớn thứ ba trên thế giới. Cây cầu này nối hai vùng Sakaiminato (tỉnh Tottori) và Matsue (tỉnh Shimane), có chiều dài 1,4 km; với độ dốc 6,1% phía Shimane và 5,1% phía Tottori.
Nhìn từ xa, bạn có thể thấy cây cầu này dựng đứng đáng sợ chẳng khác gì trò chơi tàu lượn siêu tốc. Ô tô lớn, xe tải và xe máy có thể qua cầu khá dễ dàng, nhưng với xe đạp thì đây là một thử thách lớn.
Không chùn bước, YouTuber John Daub đã bất chấp tất cả để vượt qua độ dốc 6,1% trứ danh của cầu Eshima Ohashi chỉ bằng hai bánh xe đạp không động cơ.
John Daub đã đạp xe trên cây cầu dài 1,4 km và ghi lại toàn bộ hành trình bằng một chiếc camera. Tại thời điểm viết bài, video được đăng tải trên kênh YouTube WAO RYU!ONLY in JAPAN đã thu về 7,3 triệu lượt xem.
Trước khi bắt đầu thử thách, John Daub nhận xét cây cầu “trông giống như một cái cầu thang bắc lên thiên đàng”. Chỉ vài giây sau khi đi lên, John không thể kìm lòng mà nhìn chằm chằm vào con dốc đằng trước để “cảm nhận nó một chút’.
Sau khi đi được 100m từ đỉnh cầu, anh nhận ra chân mình quá yếu để có thể đạp tiếp. Tuy nhiên, anh đã đến được đỉnh quan sát để nhìn qua Matsue và Sakaiminato.
“Phải mất năm phút để lên đến đỉnh và bạn sẽ có một tầm nhìn khá rõ ràng ”, anh nói.
Trước khi có cầu Eshima Ohashi, người dân sẽ đi qua sông bằng cầu Naka-ura-suimon. Tuy nhiên, cây cầu này sẽ ngừng hoạt động 7-8 phút để tàu đi qua. Xe cao quá 4,2 m không thể lên cầu. Chính vì thế mà cầu Eshima Ohashi được xây dựng để giải quyết những vấn đề này. Khi cầu hoàn tất, thời gian xe tải lớn và xe bus du lịch di chuyển qua sông giảm đáng kể. Phần giữa cầu cao 44,7 m so với mặt nước nên tàu bè có thể qua lại thoải mái bên dưới.
Minh Minh (Theo timesnownews)
Tại sao khách sạn Nhật Bản không kiểm tra phòng trước khi khách rời đi? Nhật Bản và Trung Quốc có quan niệm khác nhau về tác phong công việc, sự tin tưởng cũng như cách thức phục vụ khách hàng.