Người dân Nhật Bản đổ về ngôi đền tổ chức tang lễ cố Thủ tướng Shinzo Abe

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 20:29:27

Đám tang cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn đang được tiến hành sau 4 ngày ông bất ngờ bị bắn ở thành phố Nara và qua đời. 

Các nhà lãnh đạo, chính trị gia trên khắp thế giới đã gửi lời chia buồn thương tiếc, cũng như hồi tưởng lại quãng thời gian từng làm việc với ông Shinzo Abe khi ông nắm giữa cương vị Thủ tướng Nhật Bản trong hai nhiệm kỳ.

Trước đó, vào ngày 8/7, khi đang có bài phát biểu ủng hộ chiến dịch tranh cử các thành viên Đảng Dân chủ tự do (LDP) tại thành phố Nara, ông Abe đã bất ngờ bị bắn dẫn tới tử vong.

Người dân Nhật Bản đặt hoa và cầu nguyện trước đền Zojoji, nơi diễn ra tang lễ của cố Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: AP)

Tang lễ của ông Abe được tổ chức tại đền Zojoji thuộc quận Minato, nơi đã có lịch sử hàng trăm năm và là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất tại thủ đô Tokyo.

Gia đình cố Thủ tướng Abe tổ chức lễ viếng riêng tại đền Zojoji từ buổi chiều ngày 11/7.

Tới ngày 12/7, đám tang của ông Abe do gia đình chủ trì cũng được tổ chức tại đền Zojoji với sự tham gia của các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu. Buổi lễ tưởng niệm trước công chúng sẽ được tiến hành tại đền Zojoji vào ngày 13/7.

Hiện tang lễ của ông Abe diễn ra ở đền Zojoji chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, quan chức cấp cao và những người thân thiết với cố Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên, những con đường bên ngoài đền Zojoji cũng đang chứng kiến nhiều đoàn người đổ về để đặt hoa và cầu nguyện cho ông Abe.

Hôm 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Tokyo gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida để gửi lời chia buồn tới nhân dân Nhật Bản sau khi cố Thủ tướng Abe qua đời.

“Tôi có mặt ở đây, bởi Mỹ và Nhật Bản còn thân thiết hơn cả đồng minh, chúng ta là những người bạn. Và khi một người bạn bị đau, người còn lại sẽ có mặt”, ông  Blinken nói trước các phóng viên.

Tại Australia, Nhà hát Opera Sydney đã bật đèn mang màu sắc quốc kỳ của Nhật Bản vào ngày 10/7 để tưởng nhớ ông Abe.

Tại Nhật Bản, người dân đã tụ tập và đặt hoa tại địa điểm tưởng nhớ ông Abe ở Nara nằm ngay gần hiện trường cựu Thủ tướng Nhật Bản bị bắn.

Tại New Delhi, dinh thự Tổng thống Ấn Độ cũng đã treo cờ rủ bên ngoài để tưởng nhớ ông Abe. Thủ tướng Narendra Modi, người có cuộc gặp mặt đầu tiên với ông Abe vào năm 2007 và gọi cố Thủ tướng Nhật Bản là “người bạn thân”, thông báo tổ chức quốc tang vào ngày 9/7 để bày tỏ lòng thành kính sâu sắc của người dân Ấn Độ với ông Abe.

Hiện cảnh sát Nhật Bản vẫn tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ nổ súng nhằm vào ông Abe, sau khi lực lượng chức năng bắt giữ được nghi phạm Tetsuya Yamagami ngay tại hiện trường.

Cảnh sát cho biết đối tượng Yamagami (41 tuổi), là nghi phạm giết người nhưng cáo buộc chính thức chưa được công bố.

Yamagami khai rằng anh ta có mối thù với một tổ chức tôn giáo mà theo suy nghĩ cá nhân, ông Abe có mối liên hệ với tổ chức này. Thậm chí, mẹ của nghi phạm cũng tham gia tổ chức tôn giáo trên, theo thông tin được NHK và Kyodo đưa.

Vào ngày 11/7, cảnh sát thành phố Nara cho biết đối tượng Yamagami còn cho bắn thử vào đầu giờ sáng ngày 7/7 nhằm vào một tòa nhà của “một tổ chức” nằm ở quận Nara bằng chính khẩu súng tự chế mà ngày hôm sau dùng để sát hại ông Abe.

Các nhà điều tra cho hay camera an ninh đã ghi lại hình ảnh chiếc xe của Yamagami xuất hiện gần nơi mà hắn thực hiện vụ thử súng. Tuy nhiên, cảnh sát từ chối tiết lộ tên của tổ chức mà Yamagami cáo buộc ông Abe có liên quan, và hình ảnh về chiếc xe của nghi phạm cũng không được công bố.

Trong khi đó, ông Tomihiro Tanaka, Chủ tịch Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới còn được gọi là Giáo hội Thống nhất tại Nhật Bản nói với các phóng viên rằng, mẹ nghi phạm Yamagami là một thành viên của nhà thờ.

Tuy nhiên, Yamagami không phải là thành viên của nhà thờ này, còn người mẹ của đối tượng tới dự các sự kiện ở nhà thờ mỗi tháng một lần. Ông Tanaka khẳng định tổ chức sẽ hợp tác với các nhà điều tra nếu như được yêu cầu.

Dẫn lời các nhà điều tra, NHK cho biết đối tượng Yamagami khai rằng hắn đã xem YouTube để học cách chế tạo súng. Người này đã thực hành bắn súng trên núi trước nhiều ngày sát hại ông Abe, và cảnh sát cũng đã tìm thấy những tấm bảng gỗ chi chít lỗ đạn bắn nằm trong xe của nghi phạm.

Khẩu súng mà Yamagami tự chế để bắn ông Abe được thiết kế để bắn 6 viên đạn cùng một lúc. Vũ khí này có hai ống kim loại được cố định bằng băng dính và đạn có thể bắn ra từ cả hai ống. Cơ quan điều tra cho biết khẩu súng có thể sáng ngang với khẩu súng ngắn.

Thậm chí, đối tượng Yamagami còn nói rằng ban đầu hắn có ý định giết ông Abe bằng cách dùng thuốc nổ tại một sự kiện diễn ra ở tỉnh Okayama, cách thành phố Nara 3 giờ xe chạy. Nhưng hắn ta đã thay đổi kế hoạch do biết khó có thể có mặt tại sự kiện này.

Khi được hỏi nghi phạm hành động một mình hay có sự hỗ trợ của đồng phạm, cảnh sát Nara nhấn mạnh họ đang điều tra mọi khả năng.

Hôm 11/7, chính phủ Nhật Bản đã truy tặng cố Thủ tướng Shinzo Abe Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất. Đây là hình thức vinh danh cao quý nhất tại Nhật Bản.

Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất hay Huân chương Hoa cúc được làm từ vàng ròng và chủ yếu được các Hoàng đế Nhật Bản đeo. Theo Kyodo News, Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất từng được trao tặng cho một số nguyên thủ quốc gia nước ngoài.

Được biết, ông Abe là nhà lãnh đạo thứ 4 của Nhật Bản được vinh dự nhận Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất kể từ sau năm 1945.

Ông Abe từng nắm giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản 2 nhiệm kỳ bao gồm khoảng thời gian nắm quyền dài từ năm 2012 – 2020. Ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản có thời gian tại vị lâu nhất không bị gián đoạn kể từ hậu chiến tranh ở nước này.

Ông Abe sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông ngoại của ông Abe là ông Nobusuke Kishi từng là Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957 - 1960. Bố của ông Abe là ông Shintaro Abe đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1982 - 1986.


Một số hình ảnh tưởng nhớ cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được CNN tổng hợp:


Minh Thu (lược dịch)

Chia sẻ Facebook