“Người dân nào có nhiều đất vườn, là sướng lắm”

Chia sẻ Facebook
02/04/2022 08:01:28

Nhiều hộ dân, thậm chí không thiết tha làm rẫy, làm vườn mà chỉ ngay đêm trông ngóng giá đất nhảy vọt, để cắt một phần bán ra cho nhà đầu tư. Có khi họ còn bán luôn cả tài sản, dự tính có tiền về quê sinh sống.


Cơn sốt đất vườn đi qua các tỉnh, thành lân cận Tp.HCM gần như đang khiến những người nông dân có đất "đổi đời" nhờ xẻ đất bán lại cho nhà đầu tư. Mặc dù, hiện nay, không nhiều người dân chịu bán ra mà chờ "tăng thêm giá", nhưng không thể phủ nhận, gần như tất cả họ đều trông ngóng giá đất lên, căn thời điểm để bán ra.

Có hơn 2 héc-ta đất vườn tại xã Lộc Tiến, Tp.Bảo Lộc, anh T, coi như đã nắm hàng chục tỉ trong tay, mặc dù hơn chục năm về trước, mảnh đất này, vợ chồng anh chỉ mua với giá 30 triệu đồng để trồng tiêu và cà phê. Từ thời điểm đất vùng cao sốt, mảnh đất của anh được nhiều NĐT đến hỏi mua. Tuy nhiên, chưa có ý định bán ngay nên anh T vẫn để đó và chờ tăng giá thêm. Năm 2020 có nhà đầu tư hỏi mua mảnh đất của anh với giá 25 tỉ đồng. Đến cuối năm 2021, lại có nhà đầu tư có ý định mua với giá 40 tỉ đồng. Thấy tình hình giá đất còn lên nữa, nên anh T chưa vội bán ra. "Nếu có bán, tôi chỉ bán tầm 1 héc-ta, còn lại để làm ăn", anh T chia sẻ.

Trong khi đó, ở huyện Bảo Lâm, vợ chồng chị D có 1,5 héc-ta đất vườn, view hồ cũng đang được nhiều NĐT "nhòm ngó". Hiện có nhà đầu tư vào trả 11 tỉ đồng, chị D vẫn chưa có ý định bán ra. "Thấy nhiều NĐT về hỏi mua lắm, chắc chắn giá đất còn lên nữa, nên cứ để đó một thời gian nữa hẵng tính", chị D cho hay.

Anh Toàn, một môi giới kiêm nhà đầu tư khu vực BĐS Lâm Đồng cho hay, giờ người dân nào có nhiều đất vườn, là sướng lắm; họ là dân bản địa hoặc dân vào làm kinh tế lâu năm (trên 10 năm). Mỗi người ít nhất cũng sở hữu 1-2 héc-ta. Thời điểm đó, mỗi héc -ta chỉ mua bằng 1-2 chỉ vàng, thì hiện nay đã lên đến hàng tỉ đến chục tỉ. Tuy vậy, do nhắm được tình hình giá đất biến động tăng, những mảnh đất gần hồ, view đẹp thường người dân cũng ít bán ra, mà đợi giá tăng thêm. Có nhiều người bán trước đó, giá lên nhanh, tỏ ra "tiếc nuối". Anh T kể một trường hợp người dân đã đồng ý bán cho NĐT mảnh đất 4.000m2 với giá 6 tỉ đồng, hôm sau có người vào hỏi mua giá 8 tỉ, chủ đất liền không bán nữa cho bên nào nữa, mà để đó chờ thêm thời gian; hai bên (nhà đầu tư – chủ đất) xảy ra cãi vã sau đó.

Theo anh T, hiện NĐT đi mua đất trực tiếp của dân không còn dễ dàng như vài năm trước. Nhiều người có đất, không phải họ không bán mà họ canh thời điểm để bán, vì sợ bán sớm sẽ "hớ, rẻ". Những người bán cho nhà đầu tư ở giai đoạn đầu (vài năm trước) đa phần giá đã tăng lên gấp đối, gấp 3 ở thời điểm này.

Có một thực tế dễ nhận thấy ở các thị trường BĐS tỉnh khi mà cơn sốt đất đi qua, là gần như tâm trí của những người nông dân chỉ còn để ý vào việc giá đất tăng. Có người "canh" thời điểm để bán cả gia tài đang canh tác để về quê sinh sống. Nhiều hộ dân, thậm chí không thiết tha làm rẫy, làm vườn mà chỉ ngay đêm trông ngóng giá đất nhảy vọt, để cắt một phần bán ra cho nhà đầu tư. Trường hợp anh C (ngụ huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) là trường hợp như thế. Hơn 1 héc-ta đất trồng tiêu mà vợ chồng anh mua cách đây 14 năm, hiện ngồi tính nhẩm, anh C cho biết, bán ra khoảng được 10 tỉ đồng. Với số tiền này, anh chị sẽ về quê để sinh sống, làm ăn, không vất vả trồng tiêu, trồng cà phê nữa. Bởi, tính ra một năm thu hoạch tiêu chỉ được khoảng 200-300 triệu, chưa kể các chi phí đầu vào; không đáng bao nhiêu. Trong khi cầm chục tỉ trong tay, vợ chồng anh có thể giải quyết được nhiều thứ, về lại quê cha đất tổ để sinh sống.

Ghi nhận cho thấy, những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp của người dân được mua bán lại khá nhiều trong những năm qua. Tại khu vực xa xa của Đồng Nai hay Bình Dương, những mảnh đất nông nghiệp vẫn được mua bán, với mức giá biến động tăng cao trong những năm qua. Nhiều người dân sở hữu đất nhiều có thể cắt ra bán với giá tiền tỉ, số tiền mà nhiều khi làm lụng vất vả cả năm họ cũng chưa dám nghĩ tới.

Đánh giá về hệ lụy của tình trạng sốt đất ảo ở nhiều địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam từng cho rằng, việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Hệ lụy từ những cơn sốt đất ở các vùng nông thôn là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Những người có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo... và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.

Chia sẻ Facebook