Người dân, doanh nghiệp đã rút ròng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng trong quý 3?
Chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày một lớn đã gây áp lực tới thanh khoản của nhiều ngân hàng thời gian qua.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%).
Đáng chú ý, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của hệ thống TCTD trong 6 tháng đầu năm đã đạt 4,77%, cao hơn con số 4,04% đến tháng 9/2022 của Tổng cục Thống kê.
Như vậy, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng có thể đã sụt giảm trong quý 3 vừa qua. Việc huy động vốn chững lại cũng đã gây áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng, trong bối cảnh chênh lệch giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng ngày càng rộng.
Bởi vậy, các nhà băng đã đua nhau hút tiền gửi bằng cách tăng lãi suất huy động thời gian qua và đặc biệt tăng mạnh ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/9.
Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường đã lên 8,2%/năm tại ngân hàng số Cake by VPBank. Ngoài ra, MSB có lãi suất lên đến 8%/năm, Techcombank lãi suất lên đến 7,5%/năm…, đều tăng mạnh so với trước.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại hầu hết các ngân hàng đã lên trên 7%/năm. Chỉ một số nhà băng, trong đó có nhóm Big 4 niêm yết ở mức thấp, chỉ 6,4-6,8%/năm đối với kỳ hạn 1 năm.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2 ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy giai đoạn này thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.
Tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90 – 110 điểm cơ bản (0,9 – 1,1 điểm %) trong 8 tháng đầu năm, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Nhóm phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 150-200 điểm cơ bản (1,5 – 2,0 điểm %) so với giai đoạn dịch bệnh, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.