Người dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng xuống hầm tránh bão

Chia sẻ Facebook
27/09/2022 23:03:03

Để phòng chống và bảo vệ tính mạng của bản thân trước cơn bão lớn, nhiều hộ gia đình đã xây hầm trú ẩn để tránh nạn khi thiên tai 'gõ cửa'.

Hầu như năm nào, các tỉnh miền Trung cũng phải gồng mình chống lại những cơn bão, trận lũ khiến hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước hay hoa màu bị mất trắng. Việc phải sống chung với bão lũ mà người dân các tỉnh ven biển phải thường xuyên hứng chịu là một nỗi khổ khiến ai cũng xót xa, thương cảm. Song, để bảo vệ bản thân, tài sản, họ cũng có những cách đối phó với thiên tai để giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể như xây những căn hầm trú bão.

Hầu như năm nào người dân miền Trung cũng phải oằn mình chống lũ. (Ảnh: Dân Trí/VTV)

Ở trong hầm tránh bão là một cách để người dân ứng phó với thiên tai. (Ảnh: Thanh Niên/Báo Quảng Ngãi)

Báo Dân Trí viết, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là khu vực luôn chịu thiệt hại nặng nề nhất mỗi khi có bão lũ. Bởi vậy, hàng chục nghìn hộ dân nơi đây đã xây dựng những căn hầm tránh bão vững chãi để trú ẩn.

Được biết, những căn hầm tránh bão đều được xây ở những nơi thoáng mát, tránh chỗ có cây cối để đề phòng gãy đổ làm ảnh hưởng đến hầm. Mỗi căn hầm rộng khoảng 8-10m2, có trụ, trần đổ bê tông chắc chắn và có cả lỗ thông gió.

Người dân dọn dẹp, chuẩn bị hầm trú bão khi nhận tin báo bão Noru có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi. (Ảnh: Dân Trí)

Bà Thuộc - một người dân địa phương giới thiệu, căn hầm tránh bão của gia đình bà rộng 8m2, xây dựng bằng bê tông vững chãi vào 15 năm trước. Trước mỗi cơn bão về, bà sẽ dọn dẹp và mang mì tôm, nước uống vào hầm để đề phòng thiên tai kéo dài.

Bà Thuộc chuẩn bị mì tôm dự trữ trong những ngày bão sắp tới. (Ảnh: Dân Trí)


" Nhà bà cũ quá, bão lớn sợ sập nên phải xây hầm trú bão. Khi có bão lớn là vào đây ở cho an toàn. Không chỉ gia đình bà mà những nhà xung quanh cũng vào đây ở chung ", bà Thuộc chia sẻ.

Gia đình bà sẽ sống trong căn hầm trú ẩn này trong những ngày bão. (Ảnh: Dân Trí)

Còn với nhà bà Phạm Thị Phương Tân - một người dân huyện Bình Sơn, mỗi khi báo lớn đổ bộ thì tính mạng con người luôn quan trọng nhất. Trưa ngày 26/9, bà đã dọn dẹp xong căn hầm của mình, mang nước sạch, mì tôm và đèn dầu vào để những ngày tới sử dụng.


" Ngoài thức ăn, nước uống thì đèn dầu là vật không thể thiếu. Khi bão to sẽ mất điện. Lúc đó, chiếc đèn dầu là vật rất cần thiết. Vào đây rồi thì bão có to mấy cũng đứng ngoài mà khóc" , bà Tân bộc bạch. Bà kể thêm, hồi siêu bão Molave đến vào năm 2020 cũng gây thiệt hại rất nặng nề, song nhờ những căn hầm như thế này mà bà con trong xóm đều được an toàn.

Bà Tân cũng đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để đón đợt siêu bão tới. (Ảnh: Dân Trí)

Tùy điều kiện của từng hộ gia đình mà cách ứng phó với bão sẽ khác nhau, thế nhưng hầu như nhà nào cũng có hầm tránh bão để bảo vệ chính mình trước thiên tai. Bên cạnh đó, nhiều nhà còn kết hợp xây cả khu nhà tắm vững chãi để tránh bão hoặc xây hầm ngay bên ngoài nhà ở.


Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng, huyện Bình Sơn cho hay, do ở khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề mỗi khi có thiên tai nên bà con luôn chủ động trong việc ứng phó mỗi khi có bão, lũ. " Người dân luôn chủ động dọn dẹp hầm tránh bão, chuẩn bị lương thực đưa vào hầm đề phòng bão kéo dài. Đây là cách làm hay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người khi có bão lớn đổ bộ ", ông nói.

Người dân luôn chủ động trong các công tác phòng chống bão. (Ảnh: Chụp màn hình Dân Trí)

Hiện tại, thông tin bão Noru chuẩn bị đổ bộ vào đất liền nước ta khiến nhiều người lo lắng. Cơn bão này được đánh giá là có sức tàn phá khủng khiếp, trở thành cơn bão số 4 năm 2022, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta từ chiều hoặc đêm 27/9.

Bão Noru được dự đoán là có sức tàn phá khủng khiếp, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. (Ảnh: Thanh Niên)

Mọi người chủ động ứng phó với bão. (Ảnh: Thanh Niên)

Trước tình huống khẩn cấp này, một số tỉnh thành có khả năng bị ảnh hưởng như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đã nhanh chóng chuẩn bị nhiều phương án ứng phó. Thông tin từ VnExpress, hơn 1 triệu học sinh tại các tỉnh miền Trung đã được nghỉ học để đề phòng cơn bão Noru đổ bộ. Mặt khác, bà con cũng được sơ tán khỏi những khu vực nguy hiểm.

Bão tàn phá mạnh ở Philippines. (Ảnh: AFP)

Với các hộ gia đình nói riêng, bà con tại các tỉnh miền Trung đã chủ động xúc cát đổ vào bao rồi chèn lên mái tôn, nhất là các làng chài, không khí khẩn trương hơn hẳn trước cơn bão Noru. Một số nơi như huyện Bình Sơn, người dân xây hầm để trú ẩn an toàn hơn.

Người dân Bình Định chằng chéo nhà cửa, tàu thuyền để kịp thời ứng phó với siêu bão. (Ảnh: VTC News)

Người dân cũng nên lưu ý việc cắt tỉa cây tránh đổ khi bão về. (Ảnh: VTC News)

Chỉ còn vài tiếng nữa, bão Noru sẽ chính thức đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Hi vọng trong đợt thiên tai này, bà con không phải chịu ảnh hưởng quá nhiều về cả người và của.


Cùng cập nhật nhiều thông tin về đời sống & xã hội tại YAN !

Sau khi càn quét qua Philippines, siêu bão Noru chạy theo hướng biển Đông và dự kiến sẽ "hồi sinh" sức mạnh trước khi đổ bộ vào miền Trung nước ta. Cơn bão này được đánh giá là có diễn biến phức tạp và sẽ còn mạnh thêm. Do đó, công tác chủ động phòng, chống bão là vô cùng cần thiết. Người dân lúc này tuyệt đối không được chủ quan mà phải nghe theo thông báo và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tập trung ưu tiên bảo vệ tính mạng lên hàng đầu.

Mong rằng cơn bão sẽ dần suy yếu trước khi tiến vào đất liền để giảm tối đa được thiệt hại cả về người và của.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook