Người dân châu Âu "oằn mình" gánh thêm áp lực mới trong mùa đông năm nay

Chia sẻ Facebook
28/08/2022 14:14:26

Nhiều người dân lo lắng trước việc họ khó có thể cầm cự qua mùa đông này.

Lạm phát tăng vọt đã khiến chi phí sinh hoạt ở một số nước châu Âu trở thành gánh nặng của nhiều hộ gia đình. Đối với họ, cảm giác tiền lương khi cầm trên tay là "bốc hơi" trong chốc lát.

Người dân trên khắp châu Âu đang phải quay cuồng với chi phí mua sắm, nhiên liệu tăng chóng mặt; tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước cũng tăng theo. Mới đây, người dân Anh phải đón nhận tin tức không mấy vui vẻ khiến mùa đông năm nay của họ là một nỗi lo sợ chưa từng có.

Cơ quan quản lý năng lượng Vương quốc Anh cho biết hóa đơn năng lượng hộ gia đình hàng năm của người dân nước này sẽ tăng 80%, sau mức tăng kỷ lục 54% vào tháng 4 vừa qua. Mức tăng giá này có hiệu lực từ tháng 10 tới đây.

Các hóa đơn đều tăng nhanh làm gia tăng thêm gánh nặng cho người dân.

Người dân cầm cự qua ngày

Theo tờ The Guardian, trần giá mới sẽ ảnh hưởng 24 triệu hộ gia đình, tương đương 85% dân số Anh. Giống như bao hàng triệu cư dân khác, bà Jennifer Jones, một cựu giám thị 54 tuổi ở London, đang phải vật lộn với bão giá giữa lúc chi phí thực phẩm và năng lượng gia tăng phi mã.

Bà Jones đang gặp phải vấn đề về sức khỏe và phải dựa vào phúc lợi chính phủ để sống qua ngày. Tuy nhiên, chúng chẳng thấm vào đâu so với hóa đơn năng lượng và thực phẩm cao ngất ngưởng.


Người phụ nữ than thở giữa cuộc sống chật vật: " Giá cả mọi thứ đều tăng. Tôi thậm chí không đủ khả năng đóng tiền nhà, tiền thuế… Tôi chẳng thể trang trải cuộc sống ".

Chi phí năng lượng ở mức cao cũng làm gia tăng gánh nặng lên vai bệnh nhân chạy thận. Dawn White, người phải sử dụng máy lọc máu 4 giờ/ngày, nói rằng bà lo ngại chi phí năng lượng tăng cao cũng đồng nghĩa bà không đủ khả năng tài chính để tiếp tục chữa trị.

Bà Dawn White trò chuyện cùng chồng trong lúc chạy thận tại nhà riêng ở hạt Essex, Anh.

Không chạy máy 5 lần/tuần, tức 20 giờ, tôi sẽ không sống được nữa

", người phụ nữ 59 tuổi nói.

Theo Reuters, bà White là một trong 5.000 bệnh nhân đang phải chạy thận tại nhà ở Anh, nhờ máy lọc máu và thực hiện những chức năng quan trọng mà thận của họ không còn khả năng. Không biết họ sẽ sống ra sao trong thời gian sắp tới.

Chi phí tăng chóng mặt cũng khiến nhiều gia đình có con nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Anne Southgate, một bà mẹ đơn thân 38 tuổi đến từ Manchester cho hay, các hóa đơn cứ tăng nhanh trong mùa đông này khiến tinh thần cô suy sụp.

Tôi phải cố gắng kìm nén những giọt nước mắt. Tôi không muốn lũ trẻ nhìn thấy điều đó


Anne hiện phải nhận thêm công việc bán thời gian để cố gắng trang trải cuộc sống. Cô đã cắt giảm rất nhiều thứ trong sinh hoạt hàng ngày và giờ Anne không biết phải làm gì trước hoàn cảnh ngặt nghèo: " Mẹ con tôi chỉ chung nhau một căn phòng. Mọi thứ đều phải tiết kiệm tối đa ".

Các nước châu Âu khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự

Tại Đan Mạch, các nhà lập pháp đều đồng thuận về việc hỗ trợ tiền mặt cho người cao tuổi và cắt giảm thuế giá điện. Quốc hội cũng đã thông qua gói cứu trợ, chi trả cho hơn 400.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi hóa đơn năng lượng tăng cao.

Ý cũng là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá năng lượng tăng cao. Dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ được đưa ra song nỗi lo về tiền điện, khí đốt, nhiên liệu, thực phẩm vẫn ám ảnh người tiêu dùng mỗi ngày.


Luciano Massarri, 72 tuổi, chủ một cửa hàng bán thịt ở Maccarese chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của mình: " Chúng tôi có thể buộc phải đóng cửa hàng. Hiện có 4 tủ lạnh luôn hoạt động, không thể nào tắt chúng đi. Tôi phải làm gì bây giờ? ".

Người dân châu Âu có nhiều thứ phải lo lắng trong những tháng sắp tới.

Chúng tôi không chỉ phải đối mặt với giá khí đốt và điện tăng cao mà các nguyên liệu làm bánh như bột mì cũng trong tình trạng tương tự

Các gia đình có thu nhập trung bình và thấp ở Đức đang phải vật lộn để đối phó với lạm phát gia tăng và giá năng lượng lên cao không ngừng. Sabine, một bà mẹ, cho biết ngay cả tại các chuỗi cửa hàng giảm giá, mọi thứ đang ngày càng đắt đó hơn.

Chúng tôi đã không còn giá trị gì nữa rồi. Tôi không thể đi mua sắm trong siêu thị mà chỉ đến những cửa hàng giá rẻ. Đến trái cây tôi cũng còn phải phân vân có nên mua hay không

Nhiều người Đức cũng đang nơm nớp lo sợ khi hay tin chủ nhà sẽ tăng giá trong những tháng tới. Để có một mùa đông yên bình hơn, người dân Đức buộc phải thay đổi cách chi tiêu và mua sắm hàng ngày.


" Tôi có một chiếc xe hơi nhưng giờ tôi chuyển sang đi xe đạp hoặc đi tàu. Tôi cũng cố gắng hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị điện ", Sandro, một người cha chia sẻ.


Nguồn: ABC Net, Yahoo News, Euro News

Chia sẻ Facebook