Người dân châu Âu hoảng loạn như thời chiến: Quét sạch siêu thị, đổ xô tích trữ lương thực và dược phẩm
Bánh mỳ, loại đồ ăn chủ chốt của người nghèo lại đang thành hàng xa xỉ ở Châu Âu với mức giá không tưởng.
Tờ Financial Times cho biết nhiều siêu thị miền Bắc Italy đã bị quét sạch mỳ ống, trong khi đó những cửa hàng thuốc tại Na Uy thì bán hết sạch thuốc iod. Tại Đức, nhiều chuyên gia cảnh báo về hiện tượng "Hamsterkaufe", nghĩa là người dân hoảng loạn đổ xô đi mua sắm.
Nghe thật trớ trêu nhưng đã 2 năm kể từ khi đại dịch bùng nổ khiến người dân đổ xô đi mua sắm dự trữ vì lo sợ đứt gãy chuỗi cung ứng, tưởng chừng mọi chuyện đã chấm dứt thì lịch sử đã lặp lại.
Nếu người dân thời kỳ đầu bùng dịch đổ xô dự trữ khẩu trang, giấy vệ sinh hay nước rửa tay thì giờ đây người dân Châu Âu quét sạch hầu như mọi thứ.
"Tôi đã mua đến 20 gói mỳ ống cùng vài kg bột mỳ trong tuần qua để chuẩn bị cho khủng hoảng thiếu đồ. Chúng tôi cũng đang trồng rau và nuôi gà sau nhà để tự cung tự cấp trong trường hợp xung đột leo thang và lương thực trở nên khan hiếm", cụ Sabrina Di Leto, 50 tuổi sống tại Lecco miền Bắc Milan-Italy nhận định.
Người tiêu dùng đã chứng kiến chuỗi cung ứng đứt gãy trong mùa dịch nên giờ đây trước nỗi lo xung đột địa chính trị và khả năng thiếu nguồn cung, nhiều người bắt đầu trữ hàng tại Châu Âu nhằm đối phó với khủng hoảng.
Tất nhiên không phải tự dưng người dân lại nhạy cảm đi quét sạch siêu thị như vậy. Đà tăng phi mã của lạm phát đã khiến người tiêu dùng khó lòng ngồi yên trước thực tại tiền đang mất giá nhanh chóng. Ở Anh, lạm phát lên mức cao nhất 30 năm và sẽ còn lên nữa khiến người dân đang chìm vào đói khổ trước một mùa đông băng giá.
Tờ Financial Times nhận định xung đột Nga-Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng lúa mỳ, dầu hướng dương, hạt lanh, đậu nành, thức ăn gia súc cùng nhiều mặt hàng bị đứt gãy cung ứng. Xin được nhắc một nửa dầu hướng dương xuất khẩu trên thế giới đến từ Ukraine và 21% nữa đến từ Nga.
Theo Hiệp hội công nghiệp chế biến dầu hạt (AOPI) tại Đức, gần 90% hạt lanh tại Châu Âu là nhập khẩu. Cũng theo AOPI, xung đột Nga-Ukraine đang khiến dầu ăn và thức ăn gia súc bị thiếu nguồn cung. Tồi tệ hơn, tình trạng này khó lòng giải quyết được trong ngắn hạn.
Tại Italy, giá bánh mỳ, mỳ ống và thịt đã tăng phi mã. Trong khi đó những mặt hàng như lúa mỳ được Italy nhập khẩu phần lớn từ Đông Âu, khoảng 80% dầu dướng dương cùng lượng lớn ngô cho thức ăn gia súc của nước này mua từ Ukraine.
Khảo sát của tổ chức nông thương Coldiretti cho thấy một ổ bánh mỳ tại Milan-Italy hiện đã có giá đến 8 Euro, cao hơn gần gấp đôi so với 4,25 Euro vào tháng 11/2021.
"Thật kỳ quặc khi bánh mỳ, loại lương thực chủ chốt của người nghèo giờ đây lại có mức giá đắt đỏ như vậy", bà Di Leto cho biết khi đã dự trữ bột mỳ để tự nướng bánh tiết kiệm tiền hơn là mua ngoài siêu thị đắt đỏ.
Không khác gì thời chiến
Đức-nền kinh tế số 1 tại Châu Âu cũng đang cực kỳ lo lắng về tình trạng hoảng loạn quét siêu thị của người dân. Nhiều cửa hàng tại Đức đã buộc phải chia thành từng đợt bán dầu ăn nhằm tránh tình trạng mua sắm hoảng loạn của người dân. Thuật ngữ "Hamsterkaufe" cho tình trạng này vốn được biết đến rộng rãi thời kỳ đầu bùng dịch Covid-19, ám chỉ đến thói quen của loài chuột hamster tích trữ đồ ăn.
Nếu dọa một vòng quanh các siêu thị ở Đức, người dân có thể chứng kiến những khu chợ vốn chật ních hàng hóa thì nay lại trống trơn bột mỳ và dầu ăn.
"Làm ơn thể hiện sự đoàn kết và hãy nghĩ đến những người hàng xóm của bạn. Tránh dữ trữ hàng hóa một cách không cần thiết", một khẩu hiệu treo ngoài khu chợ Penny tại Frankfurt-Đức ghi rõ.
Bà Lieselotte, 85 tuổi tại đây cho biết mình chỉ được phép mua 1 chai dầu hướng dương theo quy định mới nhằm tránh tình trạng đầu cơ tích trữ. Theo bà, vì đã từng trải qua Thế chiến II nên người phụ nữ 85 tuổi này chịu đựng được với tình trạng khan hiếm hàng hóa tốt hơn so với giới trẻ.
"Chúng tôi đã từng trải qua sự thiếu thốn này khi còn bé vào thời Thế chiến II. Thế nhưng lớp trẻ sẽ gặp khó khăn hơn vì chúng đã quen sống đầy đủ", bà Lieselotte nói.
Không riêng gì nhu yếu phẩm, giá xăng cũng tăng mạnh với 2,26 Euro/lít, cao hơn nhiều so với 1,81 Euro/lít trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.
Sợ chiến tranh hạt nhân
Theo Financial Times, nỗi lo sợ của người dân Bắc Âu lại chủ yếu liên quan đến chiến tranh hạt nhân. Người dân nơi đây đổ xô đi mua thuốc iod, vốn thường được dùng để đối phó với tình trạng nhiễm xạ hạt nhân.
Truyền thông địa phương cho biết hơn 1,7 triệu viên iod đã được bán hết sạch trong vài tuần trở lại đây và các hiệu thuốc đã hết sạch hàng cho đến 1 tháng tới.
Tất nhiên, cơn hoảng loạn này vẫn chưa thực sự bùng nổ hoàn toàn khi một số thị trường như Pháp, Tây Ban Nha vẫn khá tĩnh lặng.
"Chúng tôi chứng kiến một số khu vực trữ hàng tại Pháp trong khi một vài khu vực tại Tây Ban Nha đã bán hết sạch dầu hướng dương, thế nhưng nhìn chung tình hình vẫn trong vòng kiểm soát", chuỗi bán lẻ lớn nhất Pháp và Tây Ban Nha là Retailer Carrefour tuyên bố.
Tờ Financial Times cảnh báo không riêng gì Châu Âu, cuộc khủng hoảng với tình trạng đổ xô quét sạch siêu thị sẽ diễn ra tại nhiều nơi với tình hình hiện nay. Xung đột địa chính trị sẽ ảnh hưởng nặng đến một số quốc gia nghèo, ví dụ như Somalie, thị trường nhập khẩu đến 90% lúa mỳ từ Nga và Ukraine.
"Giá lúa mỳ tăng mạnh và tình trạng hạn hán tồi tệ sẽ khiến số người chịu đói bùng nổ", chuyên gia Jan Egeland thuộc Hiệp hội người tị nạn Na Uy cảnh báo.
Trong khi đó, một số quốc gia như Ai Cập, vốn đang phải trợ giá bánh mỳ cho khoảng 70 triệu người, đã phải ngừng nhập khẩu ngũ cốc vì giá quá cao gây thâm hụt ngân sách.
Tại Lebanon và Tunisia, các kệ bột mỳ đều trống trơn khi người dân đổ xô đi mua hàng. Nhiều người thậm chí cáo buộc chính các chủ cửa hiệu đã đầu cơ tích trữ nhu yếu phẩm để bán ra với giá cao sau này, qua đó càng khiến những kệ hàng trống trơn.
Trong khi đó, các siêu thị tại Thổ Nhĩ Kỳ thì trống trơn dầu hướng dương do người dân đổ xô đi mua sắm. Tình hình tại đây khá tệ do lạm phát vốn đã tăng phi mã từ trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.
"Chúng ta đều phải trả giá cho những xung đột đang diễn ra", cụ Monika, 75 tuổi tại Đức tổng kết cho sự hoảng loạn hiện nay.
*Nguồn: Financial Times
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị