Người có thể nhẫn chịu thì không nơi nào không an nhiên tự đắc

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:40:47

Người có thể nhẫn chịu được niềm vui và nỗi buồn trong thế gian thông thường đều là người bình tĩnh, sẽ không vì xúc động nhất thời mà phạm những sai lầm không thể sửa chữa được. Còn người mà có thể ở vào hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được mình và hoàn thành được việc mình nên làm thì đó là phải là người có khí lượng phi thường.

(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)


Trong “Nhẫn Kinh” có viết rằng khi bị người chửi rủa lăng nhục thì thượng sách là hiểu người khác và mình vốn đều là người, thế nào là nhục, thế nào là rủa, tự nhiên trong tâm sẽ không tức giận nữa. Hạ sách là tự mình suy nghĩ một chút, mình là người như thế nào, họ là người như thế nào, nếu như đáp lại họ thì chẳng phải sẽ trở thành loại người giống như họ. Dùng cách này để khắc chế bản thân thì tâm tức giận cũng có thể được tiêu trừ.


Học giả Vương Long Thư triều đại Nam Tống đưa ra ý kiến: “Bị mạo phạm mà không tính toán, bị xúc phạm mà không tức giận, bị tổn hại mà không nhẫn tâm trả thù, sau khi sự tình qua đi sẽ rất có lợi” .

Vương Long Thư lúc còn niên thiếu rất chuyên tâm học tập Nho học. Thời Hoàng đế Tống Cao Tông, ông được đề cử chức Quốc học tiến sĩ nhưng đã không nhận. Vương Long Thư đọc nhiều kinh sử. Ông viết kinh sách hàng vạn chữ nhằm giáo dục hậu thế. Vương Long Thư về sau chuyên tâm tu hành trong pháp môn Tịnh Thổ.


Vương Long Thư viết: “Vui mừng và phẫn nộ, yêu thích và chán ghét, ham mê và dục vọng đều phát ra từ cái tình. Bồi dưỡng tình dục là ác, phóng túng tình dục là tặc, khắc chế tình dục là thiện, đoạn tuyệt tình dục là Thánh. Ăn đồ ngon miệng, mặc quần áo hoa mỹ, ở phòng ốc rộng lớn, những điều này đều là bồi dưỡng tình dục. Tiêu phí ở phương diện ăn uống giống như nước chảy, mặc quần áo xa xỉ hoa lệ, nhà ở xa hoa vô độ, những điều này đều là phóng túng tình dục. Bị người mạo phạm mà không tính toán, bị người xúc phạm mà không tức giận, bị người làm hại mà không nhẫn tâm trả thù, đợi sau khi sự tình qua đi sẽ rất có lợi”.


Học giả Trương Vô Cấu triều đại Nam Tống cho rằng: “Không thể chỉ vì niềm vui nhất thời mà làm việc một cách không tính đến hậu quả. Như vậy sau khi sự tình qua đi nhất định sẽ hối hận”.

Trương Vô Cấu hiệu là cư sĩ Vô Cấu, bởi vì xúc phạm gian thần mà bị giáng chức.


Trương Vô Cấu viết: “Những sự tình yêu thích, có ai mà không muốn làm? Nhưng sau khi sự tình qua đi rồi bản thân thường thường sẽ cảm thấy hối hận. Đối với người khác có gì không vừa ý hay không, sao có thể không suy nghĩ? Sở dĩ quân tử phải nhẫn nhịn, suy đi nghĩ lại, không dám tùy tiện hành động, chính là vì họ phải suy xét đến việc cả đôi bên là bản thân và người khác đều có thể hài lòng hay không.”


Có người hỏi Trương Vô Cấu: “Lúc vội vã hay lúc nguy nan mà có thể xử lý sự tình một cách đâu vào đấy, đây là tài năng hay là gan dạ sáng suốt?”


Trương Vô Cấu đáp: “Điều này e rằng người tài năng hay gan dạ sáng suốt cũng không làm được. Nhất định đó phải là người có khí lượng hơn người, luôn luôn bình tĩnh và thong dong. Nói cách khác, nếu trong tâm của bản thân mình rối loạn trước rồi thì làm sao có thể xử lý được sự tình? Người cổ đại thường thường chú trọng bồi dưỡng khí lượng và tấm lòng của mình, chính là nguyên nhân này.”

Đời người sẽ luôn gặp phải những gian nan thống khổ, đó là đạo lý tự nhiên. Người biết nhẫn chịu ở trong hoạn nạn vẫn có thể làm được việc cần làm. Chu Văn Vương lúc bị giam cầm ở Dũ Lý đã suy diễn Chu Dịch, giống như ở hoàn cảnh không bị cầm tù. Khổng Tử bị bao vây ở nước Trần, nước Thái lại vẫn có thể đánh đàn ca hát giống như không có chuyện gì xảy ra. Nhan Hồi dùng giỏ tre ăn cơm, gáo gỗ uống nước vẫn bảo trì được sự khoái hoạt. Tử Tư quần áo cũ nát, đi giày rách tả tơi mà vẫn có thể vang danh thiên hạ. Hạ Hầu Thắng ở trong ngục mà vẫn đàm luận Thượng Thư. Họ đều là những người có tâm nhẫn chịu lớn, ở trong hoạn nạn mà vẫn bình thản như thường.


Trong sách “Trung Dung” viết: “Người quân tử an ổn với cảnh ngộ hiện tại của mình mà hành động, không suy nghĩ quá nhiều về danh vọng và lợi ích ngoài cảnh ngộ. Ở địa vị phú quý thì sẽ làm những việc người phú quý nên làm, ở tình huống nghèo hèn thì sẽ làm những việc người nghèo hèn nên làm. Đến địa phương của dân tộc khác thì học cách suy nghĩ như họ, ở vào hoàn cảnh hoạn nạn thì làm những việc mà ở vào lúc hoạn nạn nên làm”.


Người quân tử an nhiên trong Đạo, bằng lòng với số mệnh, sống biết đủ, cho nên có thể “tùy ngộ mà an”, thích ứng với mọi hoàn cảnh mình gặp phải. Người quân tử vô luận là bị rơi vào tình huống nào, địa phương nào, thì đều có thể dùng tâm nhẫn chịu phi thường, dùng sự bao dung phi thường mà an nhiên tự đắc.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Cách bậc trí giả hành xử khi bị người khác nhục mạ


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook