Người có khí tiết không tham của cải phi nghĩa
Văn hóa truyền thống cho rằng làm người quý nhất ở chỗ có phẩm đức khí tiết. Muốn tu dưỡng phẩm đức khí tiết thì điểm quan trọng là phải biết tiết chế dục vọng và lòng tham của bản thân mình, đứng trước lợi ích mà tâm không bị động.
Trong “Luận Ngữ” viết: “Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân” , tức là bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta như phù vân. Khổng Tử cho rằng, giàu sang và phú quý thì ai cũng thích, nhưng không dùng nhân nghĩa đạo đức mà đạt được nó thì không nên chọn làm. Nghèo và thấp hèn thì không ai thích. Nếu không dùng nhân nghĩa đạo đức để thoát nghèo hèn thì không nên làm. Người xưa nhận hay không nhận lợi ích đều căn cứ xem nó có phù hợp đạo nghĩa hay không. Có thể thấy, người xưa coi đạo nghĩa cao hơn tiền tài danh vọng, không vì chút tiền tài mà đánh mất khí tiết của mình.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về bậc thánh hiền, người quân tử hay những người tu đạo có thể khắc chế được lòng tham của mình. Dưới đây là một số câu chuyện về Khổng Tử và các học trò của Khổng Tử không ham tiền tài bất nghĩa, lập tiết thủ tiết được ghi chép trong “Luận Ngữ”.
Một lần, Khổng Tử đi gặp Tề Cảnh Công, vị quốc quân thứ 26 của nước Tề để thuyết khách, Tề Cảnh Công phong cho Khổng Tử mảnh đất Lẫm Khâu nhưng ông nhất định từ chối. Sau khi đi ra, Khổng Tử nói với các học trò: “Ta nghe nói bậc quân tử có công thì mới có thể nhận lộc, hiện giờ ta du thuyết Tề Cảnh Công nhưng Tề Cảnh Công không thực hiện theo chủ trương của ta, lại ban cho ta đất Lẫm Khâu. Ông ấy thật là không hiểu ta!” Thế là Khổng Tử và các học trò chào từ biệt rồi rời khỏi nước Tề.
Tăng Tử hay còn gọi là Tăng Sâm, là học trò của Khổng Tử. Tăng Tử thường mặc quần áo rách rưới. Q uốc quân nước Lỗ đã sai người đến ban cho Tăng Tử một mảnh đất làm phong ấp. Sứ giả nói: “Thỉnh mời ngài bây giờ thay quần áo đi!” Tăng Tử một mực cự tuyệt, không nhận.
Sứ giả lại nhiều lần đến để ban tặng đất cho Tăng Tử nhưng Tăng Tử vẫn như cũ, cự tuyệt không nhận. Sứ giả nói: “Đây không phải là điều tiên sinh ngài yêu cầu người khác mà là người khác hiến tặng cho ngài. Ngài vì sao lại không chịu tiếp nhận?”
Tăng Tử đáp: “Tôi nghe nói, tiếp nhận đồ người khác tặng rồi thì sẽ sợ đắc tội với họ, cũng sẽ khiến người tặng hiển lộ tâm kiêu ngạo. Cho dù Quốc quân có ban tặng cho tôi đồ vật mà không hiển lộ tâm kiêu ngạo thì tôi có thể không sợ đắc tội ông ấy được sao?”
Cứ như vậy, Tăng Tử đến cuối cùng cũng không chịu nhận phong ấp. Sau khi Khổng Tử nghe được câu chuyện này đã nói: “Có phẩm đức tốt cho Tăng Sâm, đủ để bảo toàn tiết tháo của anh ta”.
Còn một câu chuyện nổi tiếng khác về Tử Tư. Tử Tư, danh là Khổng, là cháu trai của Khổng Tử. Lúc Tử Tư ở nước Vệ, gia cảnh rất bần hàn, quần áo rách rưới, mùa đông ngay cả áo khoác cũng không có, trong hai mươi ngày chỉ có thể ăn chín bữa còn lại phải nhịn đói. Sau khi Điền Tử Phương biết chuyện của Tử Tư, đã phái người đến tặng cho Tử Tư một chiếc áo da chồn màu trắng để ông mặc chống rét.
Điền Tử Phương sợ Tử Tư không nhận, còn cố ý nói với người đưa tặng bảo lại với Tử Tư lời của ông: “Ta tặng cho người khác thứ gì thì lập tức quên ngay, ta cho người khác thứ gì thì cũng giống như ném đi vậy. ” Nhưng Tử Tư kiên quyết từ chối.
Biết Tử Tư không nhận, Điền Tử Phương lại nói: “Ta có ngươi không có, vì sao ngươi lại không tiếp nhận?”
Tử Tư đáp: “Ta nghe nói, tặng đồ cho người không đúng chức trách, vượt quá pháp luật thì không bằng ném đồ vào khe núi. Ta tuy bần cùng nhưng không muốn coi bản thân là khe núi, cho nên không dám nhận”. Cuối cùng, Điền Tử Phương đành phải từ bỏ tặng quà cho Tử Tư.
Những câu chuyện về gương người xưa giữ vững đạo đức khí tiết như vậy không chỉ khiến người đời ngưỡng mộ mà còn là bài học giá trị lưu truyền muôn đời cho hậu nhân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Chuyện xưa: “Không tham lam” là báu vật