Người châu Âu không còn hướng về cuộc thi sắc đẹp, nhưng vì sao Hoa hậu Pháp vẫn được ưu ái?
Số lượng người theo dõi cuộc thi Hoa hậu Pháp 2021 đạt đỉnh 10,4 triệu. Mặc dù vấp phải tranh cãi vì đi ngược lại phong trào nữ quyền, các cuộc thi vẫn nhận được sự ưu ái lớn.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, cuộc thi Hoa hậu Pháp (Miss France) vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến phong trào nữ quyền (đây dường như là vấn đề của nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay). Các phần thi hình thức cũ kỹ, chỉ tập trung vào phô diễn nét đẹp ngoại hình, thúc đẩy phân biệt giới, là những cáo buộc mà nhóm đấu tranh cho nữ quyền dành cho các cuộc thi.
Sau nhiều năm, những thông điệp này thực sự đã được lắng nghe. Ban tổ chức, cũng như chính quyền, đang áp dụng nhiều biện pháp để cải tiến cuộc thi.
Cuộc thi được ưu ái bậc nhất
Trong cuộc thi năm 2016, Iris Mittenaere, một sinh viên học ngành nha khoa, đã đăng quang hoa hậu Pháp. Cô xuất thân từ Nord-Pas-de-Calais, một vùng đất phía Bắc nước Pháp, trùng hợp đây cũng là quê hương hoa hậu Pháp 2015. Sự kiện vì thế đánh dấu hai năm liên tiếp thí sinh đến từ Nord-Pas-de-Calais giành được danh hiệu này.
Thời gian gần đây, cùng với sự nổi dậy của phong trào nữ quyền trên khắp thế giới, nhiều nước châu Âu đã không còn hướng về các cuộc thi hoa hậu. Nhưng dường như các đại hội sắc đẹp ở Pháp vẫn tỏa ra một lực hút riêng, bảo chứng bởi lượt theo dõi hằng năm. Cuộc thi năm 2016 thu hút 8 triệu khán giả, con số này tăng lên 8,6 triệu người vào năm 2020, lễ đăng quang cũng được ưu ái phát vào khung giờ vàng của TF1, kênh truyền hình hàng đầu châu Âu.
Hoa hậu Pháp được tổ chức lần đầu vào năm 1920 và có tên là La plus belle femme de France (Người phụ nữ đẹp nhất nước Pháp). Cuộc thi được khởi xướng bởi nhà báo Maurice de Waleff, sau đó được phổ biến ra châu Âu. Từng bị gián đoạn bởi chiến tranh vào năm 1940, nhưng sau khi được hồi phục vào năm 1947, Hoa hậu Pháp tiếp tục nở rộ và trở thành một trong những sự kiện giành được sự quan tâm bậc nhất, thậm chí hơn cả trận bóng đá quốc gia.
Giải thích cho sự thành công này, theo giáo sư đại học Paris III François Jost, điều đó nằm ở xuất thân của những cô hoa hậu. Họ thường đến từ những vùng tỉnh lẻ, gia cảnh khiêm tốn, không phải diễn viên, người nổi tiếng hay quý tộc. Ở họ toát lên sự chân thực, mộc mạc và năng lượng tích cực mà người dân tìm kiếm. Từ đó truyền đi một thông điệp ý nghĩa với nhiều người Pháp: Sinh ra mà không ngậm thìa bạc? Chẳng sao hết, bạn vẫn có có thể tỏa sáng.
Người đứng đầu cuộc thi tin rằng sự kiện làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và sự tự tin của phái đẹp. Những vùng tỉnh thành khác nhau tại Pháp sẽ tổ chức các cuộc thi tại địa phương để chọn ra một cô gái đại diện đủ xứng đáng để bước lên trên đấu trường quốc gia. Sự chú ý của người địa phương sẽ đổ dồn vào “nữ đại sứ” này. Khi cô gái giành chiến thắng, người dân cũng cảm thấy tự hào về chính nơi họ sinh ra. Do đó, Hoa hậu Pháp thường nhận được sự quan tâm của mọi người trên khắp đất nước.
Hơn nữa, cuộc thi cũng gắn với tính truyền thống. Hoa hậu Pháp được tổ chức liên tục hơn bảy thập kỷ trên kênh truyền hình lớn, và vào thời điểm cuối năm. Vì thế, cuộc thi một phần nào đó cũng mang “tính lễ hội”. Người dân chỉ đơn giản là thích tận hưởng không khí vui tươi và ngắm những cô gái khoác lên mình trang phục lộng lẫy.
Tranh cãi nối tiếp tranh cãi
Mỗi khi Hoa hậu Pháp kết thúc, báo chí lớn của Pháp tràn ngập hình ảnh ca ngợi cuộc thi. Họ đăng tải bộ sưu tập hình ảnh những thí sinh mặc áo tắm, nụ cười rạng rỡ. Và mọi người có thể truy cập, xem thông tin của các thí sinh cũng như bình phẩm về họ.
Hành động này bị chỉ trích là “vật thể hóa” (objectification) phụ nữ, tức là coi nhẹ cơ thể phụ nữ và đối xử với họ như một loại hàng hóa có thể trao đổi. Vật thể hóa phụ nữ đồng thời làm gia tăng tình trạng bạo hành và quấy rối tình dục.
Nhóm phản đối cũng tin rằng những nguyên tắc trong cuộc thi có phần lạc hậu và cản trở phong trào giải phóng nữ quyền, bởi các thí sinh vừa phải phục vụ mục đích kinh tế, vừa phải tuân thủ nhiều “quy tắc thân thể”. Năm 2015, các thí sinh tranh tài phải chưa kết hôn bao giờ và không có con. Họ cũng không được xăm mình, phẫu thuật thẩm mỹ cũng như lộ ảnh khỏa thân. Trước đó, một hoa hậu từng vi phạm nguyên tắc và bị tước vương miện.
Theo tờ CNN, cuộc thi hoa hậu Pháp 2021 từng bị nhóm hoạt động nữ quyền Osez le féminisme kiện vì yêu cầu thí sinh cao trên 1m65, chưa kết hôn và không có con. Họ cáo buộc rằng đây là điều khoản phân biệt giới tính, và theo luật thì phân biệt đối xử theo giới tính được coi là bất hợp pháp tại Pháp.
Nhìn thấy gì khi đặt vào bối cảnh lịch sử?
Tạm gác những tranh cãi xoay quanh học thuyết nữ quyền hiện đại và cùng lật lại quá khứ. Theo tạp chí Lịch Sử Pháp công bố trên trang Oxford Academy, vào đầu thế kỷ 20, Maurice de Waleffe tổ chức cuộc thi với một mục đích hoàn toàn khác các cuộc thi hiện đại, đó là giúp tăng tỉ lệ sinh và giải quyết sự suy thoái của xã hội Pháp.
Qua cuộc thi, ông muốn tìm kiếm những người phụ nữ có gen đẹp để họ kết hôn với đàn ông Pháp, cải thiện nòi giống dân tộc, những người “xấu xí” có thể phải phá thai. Tổng thống Albert Lebrun cũng kỳ vọng cuộc thi tạo ra một nguồn doanh thu mới, thúc đẩy kinh tế, cùng với những lợi ích liên quan đến thuyết ưu sinh của cuộc thi.
Thuyết ưu sinh là một phong trào được ưa chuộng vào đầu thế kỷ 20. Thuyết này hướng đến việc cải thiện gen di truyền của con người. Những người được đánh giá cao về đặc điểm hình thể, sức khỏe (theo chuẩn sắc đẹp xã hội) được hưởng nhiều quyền lợi, nhóm còn lại phải chịu thiệt thòi.
Vào thế kỷ 20, thuyết ưu sinh dùng để phục vụ mục đích chính trị, thúc đẩy phân biệt chủng tộc. Thuyết ưu sinh phản ánh bản năng của con người, cũng như sự chọn lọc của tự nhiên. Thời tiền sử, con người luôn tìm kiếm những người bạn đời có khả năng giúp họ tồn tại trong thế giới tự nhiên. Trong bối cảnh hiện đại, thuyết ưu sinh đã không còn phù hợp, nhưng nó cho thấy bản năng tìm bạn đời tốt nhất vẫn có trong mỗi người.
Từ thời điểm khai mạc cuộc thi Hoa hậu Pháp, Waleffe coi cuộc thi như những nỗ lực để khôi phục trật tự xã hội đã mất. Về sau cuộc thi đã khởi xướng nhiều tranh luận khác nhau về tính nữ, sức khỏe quốc gia và các quyền lực kinh tế.
Nếu xét theo mặt chính trị và thời kỳ nước Pháp thời trước, nhà báo Waleffe và cả những người cầm quyền có lẽ thực sự đã giúp đất nước đi lên, nhưng các biện pháp chọn lọc dựa trên nền tảng thuyết ưu sinh được coi là đi ngược với nhân quyền.
Người bị liệt vào dạng khuyết tật, xấu xí, có vấn đề về gen di truyền bị hạn chế về quyền lập gia đình, thậm chí bị triệt sản, bị ép phá thai. Hơn thế, các nghiên cứu cũng chỉ ra, bố mẹ gen tốt cũng không đảm bảo con cái họ sẽ phát triển về sau, bởi nó còn phụ thuộc vào môi trường sống.
Theo lập luận của Waleffe, chủng tộc Pháp thời bấy giờ đứng trước nhiều khủng hoảng, vóc dáng gầy gò suy yếu do chiến tranh. Vì thế, ông cần những người phụ nữ thể chất tốt để phục vụ cho sinh đẻ, ngoại hình đẹp để khơi dậy tính nam đàn ông. Maurice de Waleffe đặc biệt đánh giá cao vẻ đẹp của những người phụ nữ ở vùng tỉnh lẻ hay nông thôn nước Pháp, bởi họ có sức khỏe, khả năng sinh sản và tính cách truyền thống mà nước Pháp cần.
Hơn nữa, đối tượng phụ nữ tỉnh lẻ lúc bấy giờ cũng không quen với việc dùng mỹ phẩm hay làm đẹp. Trong quá trình tân trang nhan sắc, các dòng mỹ phẩm hay thương hiệu thời trang cũng được lồng ghép vào, từ đó khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp.
Quay trở lại các cuộc thi Hoa hậu Pháp thế kỷ 21, giáo sư đại học François Jos bày tỏ nhiều trăn trở. Ví dụ, các thí sinh không được nói quá nhiều trong các cuộc phỏng vấn, và họ cũng cần thực hiện nhiều quy tắc khác nhau để giữ hình tượng, bởi họ không chỉ đại diện cho khu vực của mình mà còn chính cả các giá trị truyền thống tốt đẹp của nước Pháp.
Quyền năng của sắc đẹp
Người có ngoại hình thu hút vốn nhận được nhiều ưu thế trong cuộc sống, và các cuộc thi góp phần củng cố nhận định này. Mặc dù không có chuẩn nhất định về cái đẹp, và định nghĩa ngoại hình đẹp cũng thay đổi qua thời gian, nhưng các nhà khoa học của Đại học Y Boston nhận định chúng ta vẫn sẽ đánh giá con người qua một số đặc điểm chung như khuôn mặt cân xứng, da đều màu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, người hấp dẫn sẽ tiếp cận được nhiều nguồn tài nguyên và có khả năng thành công cao hơn người khác. Ngoài ra, quyền lợi của việc xinh đẹp còn liên quan xuất phát từ một hiệu ứng tâm lý tên là “hiệu ứng hào quang”.
Nếu một người tạo được ấn tượng tốt lúc đầu, người xung quanh sẽ giả định rằng họ còn rất nhiều đức tính tốt khác kèm theo, ví dụ như thông minh, vui tính, đa tài. Đối với những người thu hút, thì “ấn tượng tốt ban đầu” của họ với người khác chính là ấn tượng về ngoại hình.
Các thí sinh tại Hoa hậu Pháp mang đến đấu trường nhan sắc của họ, cùng với vốn hiểu biết xã hội, sự tự tin và khả năng ăn nói hoạt bát. Người xem tìm thấy rất nhiều đức tính tốt tập hợp ở một người và hình thành tâm lý muốn trao cho họ nhiều cơ hội, nhiều sự quan tâm hơn. Nhưng vẻ đẹp cũng có cái giá của nó, khán giả đại chúng sẽ đặt kỳ vọng ngày một lớn vào hoa hậu. Với từng đó gánh nặng, chỉ cần thí sinh có hành vi chưa hợp với chuẩn mực xã hội, đại chúng sẽ quay lưng với họ.
Về tâm lý người xem, kỳ vọng sự hoàn hảo của hoa hậu cũng ngầm thể hiện khát khao hoàn thiện của chính họ. Bởi ta luôn mong có ngoại hình đẹp, có trí tuệ, và được công chúng săn đón. Điều này cũng giống với tâm lý khi ta theo dõi cuộc sống của người giàu có hoặc những người nổi tiếng.
Không còn những tuyên ngôn nhàm chán
Người đứng sau các cuộc thi cũng nhận ra những phản đối ngày một tăng. Vì vậy họ cũng thực hiện nhiều biện pháp để cải tiến cuộc thi cho hợp với xu thế hơn.
Năm 2013, Pháp cấm các cuộc thi dành cho người dưới 16 tuổi vì lo ngại sẽ thúc đẩy hành vi khiêu dâm ở tuổi vị thành niên. Đến năm 2015, lần đầu tiên trong suốt lịch sử hơn trăm năm, ban tổ chức hỏi các thí sinh câu hỏi về kiến thức tổng quát xoay quanh chủ đề chính trị, văn học hay lịch sử.
Động thái này nhằm bác bỏ các cáo buộc cho rằng thí sinh chỉ có vẻ đẹp nhưng không có trí tuệ. Ba năm sau, tại cuộc thi Hoa hậu Pháp 2018, trưởng ban tổ chức Sylvie Tellier thông báo cuộc thi được tổ chức để tôn vinh một chiến dịch chống bạo hành phụ nữ.
“Là phụ nữ, tôi muốn cho bạn thấy rằng bạn vừa có thể là hoa hậu Pháp, vừa có thể là nhà hoạt động nữ quyền. Đối với tôi, nữ quyền là có thể làm bất kỳ những gì mình muốn”
Cuộc thi năm đó cũng nhận được sự quan tâm của Elisabeth Morenon, Bộ trưởng Bình đẳng giới. Morenon phản đối việc không cho phép hoa hậu bông đùa hay nói gì đó châm biếm, hay tại sao hoa hậu không thể là những bà mẹ. Nữ Bộ trưởng này sau đó đã có cuộc gặp mặt với chủ tịch cuộc thi và khẳng định các quy tắc cần phải thay đổi.
Nếu nhìn vào mặt tích cực, các cuộc thi hoa hậu có thể trở thành phương tiện để kéo công chúng cùng chú ý các vấn đề quan trọng, giống như cách ứng viên cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ của Peru đã làm vào năm 2017.
Thay vì đọc kích thước vòng eo, số đo vòng hông, các thí sinh lại đọc số liệu thống kê về tình trạng bạo lực nhắm vào phụ nữ Peru. Hay tại hoa hậu Mỹ 2019, dư luận đổ dồn sự chú ý vào hoa hậu đại diện bang Michigan khi cô mở đầu phần giới thiệu bản thân bằng việc kể về tình trạng khan hiếm nước tại Michigan.
“Mong ước thế giới hòa bình” đã không còn là câu nói xuất hiện tại các thi sắc đẹp nữa. Thay vào đó chúng ta có những tuyên ngôn hùng hồn, dẫn chứng thực tế, thậm chí gây tranh cãi. Có thể một ngày, hoa hậu sẽ thực sự thúc đẩy người dân tham gia vào những vấn đề đủ lớn. Và lúc đó, thế giới sẽ nhìn các cuộc thi nhan sắc bằng ánh mắt thiện cảm hơn.
Nguồn: Tổng hợp