Người cha, người mẹ của trăm đứa trẻ với tâm nguyện sống là cho đi

Chia sẻ Facebook
29/06/2023 16:41:45

Thật đau lòng khi hàng ngày vẫn có những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang ngoài đường. Nhưng cũng thật xúc động khi có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, cho các em 1 mái nhà.

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay có truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng cho đi mà không cần đền đáp. Xuất phát từ truyền thống ấy, dọc khắp dải đất hình chữ S, đã có biết bao trung tâm nuôi dưỡng, nhận trẻ trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn ra đời.

Thậm chí có những người sẵn sàng bỏ tiền túi, bỏ thời gian, công sức để chăm sóc các em, nuôi dạy những đứa trẻ đáng thương không nơi nương tựa, cho chúng một mái nhà và một cuộc sống êm đềm, tốt đẹp hơn.


Người cựu chiến binh là cha của hơn 200 đứa trẻ

Ông Huỳnh Tấn Hùng (61 tuổi) từng là một chiến chiến sĩ quân y ở chiến trường K (Campuchia). Năm 1983 ông rời quân ngũ về địa phương. Người cựu chiến binh này chứng kiến nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, cha hoặc mẹ mất sớm hoặc bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Chính vì vậy, ông đã có ý tưởng xây dựng một trung tâm để nuôi dưỡng những đứa trẻ đáng thương.

Ông Huỳnh Tấn Hùng - người cha của hơn 200 đứa trẻ. (Ảnh: VnExpress)

Năm 2005, ông lập kế hoạch trình chính quyền địa phương và ba năm sau được cấp 1.000 m2 đất ở vùng ven thị trấn Phú Thịnh. Từ khoản tiền tiết kiệm của gia đình và nguồn hỗ trợ của một sư cô ở Đồng Nai, ông Hùng xây dựng hai dãy nhà cấp bốn. Sau 15 năm hoạt động, nhiều căn phòng khác được xây thêm từ quyên góp của các nhà hảo tâm, đến nay trung tâm có gần 10 phòng ăn ở, học tập.

Theo ông Hùng, từ ngày thành lập đến nay có khoảng 400 trẻ đến nhờ giúp đỡ, trong đó 200 đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành.

Ngôi nhà nơi ông Hùng cưu mang các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: VnExpress)


Dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế khiến nguồn tài trợ giảm dần, trung tâm đối diện với không ít khó khăn. "Mỗi tháng dù chắt bóp nhưng chi tiêu ít nhất 25 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn" , ông nói với VnExpress. Dù vậy, nếu có người liên hệ để gửi con ông cũng không từ chối. Ông tâm niệm sống là cho đi không đòi hỏi nhận lại thứ gì. Ước mơ của ông là nhìn thấy trẻ lớn lên có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Các em nhỏ mồ côi, khó khăn được có một mái nhà, một nơi che mưa, che nắng. (Ảnh: VnExpress)


Ở cái tuổi gần đất xa trời, điều khiến ông lo lắng nhất hiện tại không phải là kinh tế mà nỗi trăn trở của người cha này là mai này già yếu không thể duy trì trung tâm. Ông mong ai có khả năng tiếp nhận, ông sẽ bàn giao để tiếp tục chăm sóc các trẻ. "Tôi mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh" , ông Hùng tâm sự.

Người phụ nữ không chồng nhưng vẫn có trăm người con

Chị Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quận 12, TP.HCM) – người phụ nữ từng có một cuộc sống vô cùng vất vả. Chị quê Đồng Nai, xuống Sài Gòn lập nghiệp với đôi bàn tay trắng không giấy tờ tùy thân nên cuộc sống rất khó khăn. Khoảng thời gian đó, chị Hương đã phải đi lang thang ngoài công viên Gia Định nhặt ve chai. Thậm chí, chị đã từng phải tìm đến nơi chốn nghĩa địa để ngủ vì tránh những ánh nhìn săm soi của mọi người.

Chị Hương nhận 2 em bé làm con nuôi từ năm 18 tuổi. (Ảnh: Zing News)

Cũng chính tại "mái nhà" tạm này chị đã bắt gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi. Ở cái tuổi 18, chị Hương nhận hai em bé làm con nuôi. Mỗi ngày chị vẫn đều đặn đi nhặt ve chai, kiếm tiền nuôi các con. Dần dần nhờ có số tiền tích luỹ, kinh tế ổn định, chị lại nhận nuôi thêm nhiều trẻ mồ côi. Sau 30 năm, giờ đây chị đã trở thành mẹ Hương cưu mang cả trăm đứa trẻ bị bỏ rơi từ sơ sinh đến 13-14 tuổi tại Mái ấm Hoa Hồng.

Chị quên cả việc lập gia đình vì muốn giúp đỡ các con. (Ảnh: Zing News)


Suốt thời gian qua, chị Hương vì giúp đỡ, cưu mang trẻ mồ côi, người khó khăn mà quên mất cả chuyện chồng con. Chị chia sẻ: "Ai cũng mong cầu hạnh phúc, có gia đình, cuộc sống riêng. Tôi cũng vậy thôi nhưng nếu lập gia đình, tôi sẽ không thể nào toàn tâm, toàn ý lo cho các con. Đã thương các con thì phải thương cho trót. Thế là tôi quyết không lấy chồng, lập gia đình để có thể chăm lo tốt nhất cho các con” .

Người cha mắc bệnh nặng vẫn nén đau nuôi 131 người con


Độc giả của Yan có lẽ vẫn còn nhớ ông Đinh Minh Nhật (63 tuổi), hiện đang sinh sống ở thôn 1, xã IA Hlop, huyện Chư Sê, Gia Lai, người mang một tấm lòng nhân ái, bao la như biển cả, đã thành lập lên mái ấm Giu-se, nuôi 131 người con, tất cả đều gọi ông bằng cha.

Ông Nhật kể vào một đêm cuối tháng 4/2004, ông có việc ra ngoài cách nhà khoảng 2-3 cây số thì phát hiện một em bé mới sinh 2 ngày đã không còn mẹ. Khi hỏi những người sống xung quanh, không ai muốn nhận nuôi cháu bé. Vậy là cuối cùng ông Nhật đã tự mình giữ đứa trẻ lại chăm sóc. Kể từ cơ duyên ấy, ông trở thành người cha nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ.

Ông Đinh Minh Nhật là cha của 131 đứa trẻ. (Ảnh: VTV 24)

Nhiều năm qua, ông Nhật gồng gánh mái ấm tình thương, cố gắng duy trì ngôi nhà để cái con có nơi ăn, chốn ở, giúp hàng trăm đứa trẻ không phải lang thang, được đi học. Đã có những lúc không có đủ tiền, ông Nhật phải đi vay mượn rồi kiếm tiền trả dần.

Thế nhưng biến cố bất ngờ xảy ra khi ông phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ nói nếu phẫu thuật thì hy vọng là 30%. Nhưng bản thân ông nói rằng chỉ có 30% thì sẽ không phẫu thuật, vừa tốn tiền mà hy vọng ít thì chả để làm gì. Thà để tiền đó cho các con.

Các con của ông Nhật ở mọi độ tuổi từ sơ sinh đến 12-13 tuổi. (Ảnh: VTV 24)


Đối với người cha này, có lẽ nhìn các con khôn lớn là điều hạnh phúc và ý nghĩa nhất: “Tài sản lớn nhất là các con. Nhiều lúc hạnh phúc hơn cả những người có tiền nhiều” – ông Nhật bộc bạch.

Mang trong minhf căn bệnh nặng nhưng ông vẫn nén đau để chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp. (Ảnh: VTV 24)


Thế mới thấy, những người như ông Hùng, chị Hương, ông Nhật thực sự có tấm lòng vô cùng đáng trân trọng. Họ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác mà quên đi bản thân mình. Cũng chính những người cha, người mẹ này đã và đang ngày ngày truyền tải những bài học quý giá để các bạn trẻ thuộc cộng đồng Cột sống Gen Z học tập. Càng đáng quý hơn khi họ chẳng phải là người giàu có, nhưng vẫn mong muốn được lan toả, được sẻ chia với cộng đồng cùng với tâm nguyện sống là cho đi không đòi hỏi nhận lại.

Nuôi dậy 1-2 đứa trẻ đã không hề dễ dàng, chứ đừng nói tới việc bỏ tiền túi ra để cưu mang hàng trăm em nhỏ. Thế nhưng những người cha, người mẹ trong câu chuyện trên vẫn sàng sàng dùng tình yêu thương, sự cảm thông, lòng nhân ái để sẻ chia hơi ấm, giúp đỡ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được sống, được học tập, vui chơi và hơn hết là có một mái nhà để che mưa, che nắng. Hy vọng rằng câu chuyện cổ tích giữa đời thường này sẽ được chia sẻ và lan toả rộng rãi với mọi người.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook