Người cá: Từ sách cổ đến nhật ký của các nhà thám hiểm

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 08:23:01

Rất nhiều người đã nghe nói về người cá trong các truyền thuyết và ghi chép cổ xưa, hay các tác phẩm văn học và điện ảnh. Những ghi chép cho thấy người cá có nhiều loại, có loại mình người thân cá, có loại đầu cá thân người, v.v.. Sự mô tả về người cá giống nhau đến kỳ lạ ở nhiều nơi đã gợi lên trí tò mò và tưởng tượng của không ít người.

Tranh người cá tại chùa Wat Phra Kaew, Thái Lan, kể về một truyền thuyết cổ. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Sách cổ phương Đông


Trong “Sơn hải kinh” , một cuốn sách được cho là viết về địa lý tự nhiên và địa lý thời viễn cổ có chép rằng: “Loài lăng ngư mặt người, mình cá sống ở biển”,  “từ sông Chi Thủy đi ra, rồi chảy về hướng đông trút xuống song Vu Hà. Nơi đó có nhiều người cá, bốn chân, âm thanh như đứa trẻ”.


Hác Ý Hành (1757-1825) từng ghi chú: “Tra Thông phụng lệnh đi sứ Triều Tiên, gặp một người phụ nữ trong biển cát, phía sau khủy tay có vây cá hồng, gọi là nhân ngư hay lăng ngư”.


Trong “Tâm điểm cổ” có ghi: “Biển Đông hải có người cá, sống hơn ngàn năm, nước mắt là trân châu, giá trị liên thành, có thể dùng mỡ làm đèn vạn năm không tắt, có thể làm ra tơ lụa nhẹ như lông vũ, vảy có có thể trị bách bệnh, kéo dài tuổi thọ”.


Trong “Sưu thần ký” có ghi chép lại một loại “Giao nhân” sống ở vùng Nam Hải: “Ngoài biển Nam Hải có Giao nhân, sinh sống dưới nước như loài cá, thần kỳ ở chỗ có thể khóc ra trân châu” . Giao nhân dệt tơ thành giao tiêu không thấm nước, là vật quý hiếm thấy.


“Thuật Dị Chí” gọi giao tiêu là giảo sa, là vật phẩm có giá trị rất lớn: “Nam Hải xuất hiện lụa giảo sa, nổi danh nhất thiên hạ, còn gọi là Long sa, giá đáng ngàn lạng vàng, làm thành y phục chống nước cực tốt”.


Các sách thời nhà Tấn có ghi chép về người cá Lư Đình. Sau này sách “Quảng Đông tân ngữ” thời nhà Thanh có viết:

Có người Lư Đình, có nhiều ở núi Tân An Đại Ngư (tức Đại Dữ Sơn hiện nay), và núi Tân Đình, Trúc Một, Lão Vạn (tức quần đảo Vạn Sơn ngày nay). Họ giống con người, có giống đực giống cái, tóc vàng cháy và ngắn, mắt cũng vàng, da đen sạm, đuôi dài một tấc, trông thấy người thì kinh sợ nhảy xuống nước. Họ thường theo sóng đến, mọi người cho là yêu quái, và đuổi đi. Có người bắt được người Lư Đình giống cái, chơi với nó, nó không biết nói, chỉ cười thôi. Lâu dần biết mặc quần áo, ăn ngũ cốc. Đưa nó đến núi Đại Ngư, nó vẫn không nhảy xuống nước. Thế nên, những người cá này không làm hại con người.


Còn có người gọi là “Hải nhân ngư” , nửa người nửa cá. Cuốn “Thành Trai tạp ký” của Lâm Khôn có ghi chép rằng: “Hải nhân ngư hình dạng giống như con người, lông mày, mắt, miệng mũi, chân tay tựa như một người con gái xinh đẹp, không hề đáng sợ, nước da trắng như ngọc”.


“Hải nhân ngư” có lẽ là người cá giống người nhất. Nhà sinh vật học Nhiếp Hoàng thời nhà Thanh trong “Hải Thác Đồ” có ghi chép lại rằng: “Nhân ngư hình dáng giống hệt con người, chân tay, mày mắt, miệng mũi đều đủ, âm dương giống với nam nữ, chỉ có điều lưng có vây, màu hồng, phía sau có đuôi ngắn, ngón tay có chút khác biệt với con người”.


Theo các truyền thuyết và ghi chép thì “Hải nhân ngư” xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển Quảng Đông.

Lịch sử Nhật Bản cũng ghi chép lại người cá xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào năm 619 vào thời Thiên hoàng Suiko. Người cá này bị bắt sống, rồi nhốt trong bể để quan khách đến cung điện chiêm ngưỡng. Còn có ghi chép nói rằng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, người cá xuất hiện thường xuyên ở vùng biển Nhật Bản đến mức người dân xem đó là chuyện bình thường.

Truyền thuyết phương Tây

Ở phương Tây, có rất nhiều truyền thuyết lâu đời của các dân tộc nói về người cá. Trong đó thường mô tả rằng nàng tiên cá mang hình tượng người phụ nữ xinh đẹp với nửa dưới thân có chiếc đuôi cá, thường xuất hiện trên mặt nước, ngồi chải mái tóc thướt tha.

Minh họa nàng tiên cá trong tác phẩm “Hội chợ phù hoa” của nhà văn William Thackeray. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Người Babylon tôn thờ thần biển Poseidon hoặc Erythrean. Erythrean xuất hiện trên biển, để dạy mọi người về nghệ thuật và khoa học. Người Syria và Felix còn thờ mỹ nhân ngư làm Thần mặt trăng.


Gaius Plinius Secundus (thế kỷ đầu sau Công Nguyên) trong tác phẩm “Lịch sử tự nhiên” đã viết: “Còn về mỹ nhân ngư, hay còn được gọi là Nereids, đây không phải là điều quá khó tin… Họ đều thực sự tồn tại, chỉ có điều thân thể họ thô ráp, có vẩy khắp người”.

Ngày nay trong viện bảo tàng Louvre có một bức bích họa chạm khắc miêu tả một vị Thần biển tên là Oannes, có một cái đuôi cá và nửa phần trên là cơ thể của nam giới.

Siren là tên gọi người cá ở Hy Lạp, thường dùng giọng hát mê hoặc các thủy thủ. Tiếng hát tuyệt vời khiến các thủy thủ nếu không để ý sẽ khiến tàu đâm vào bãi đá. Điều này cũng được ghi chép trong Thần thoại Hy Lạp.

Nhật ký của nhà thám hiểm nói về người cá

Năm 1493 thuyền trưởng Columbus, người nổi tiếng thế giới vì tìm ra châu Mỹ, đã viết trong nhật ký rằng trong hành trình đến Rio del Oro, ông đã nhìn thấy 3 người cá nổi lên từ đáy biển.

Nhà thám hiểm Henry Hudson viết trong nhật ký của mình sự việc xảy ra vào ngày 15 tháng 6, năm 1608, khi đang lái tàu qua biển Bering ra khỏi Na Uy:

“Sáng nay một người trong đoàn chúng tôi, nhìn xuống biển, nhìn thấy một người cá, và gọi một số người trong đoàn chúng tôi đến xem, thêm một người nữa đến, và lúc đó cô ấy đến gần mạn thuyền, nhìn vào những người đàn ông này một cách nghiêm nghị. Một lúc sau một cơn sóng đến và cuốn cô ấy đi. Từ rốn trở lên, lưng và ngực cô giống như phụ nữ, khi họ nhìn thấy cô; thân thể cô to lớn như một người trong chúng tôi; làn da cô rất trắng, và tóc dài màu đen xõa ở sau lưng. Khi cô lặn xuống họ nhìn thấy đuôi của cô, giống như đuôi cá heo, và lốm đốm giống như cá thu. Tên của những người đã nhìn thấy cô là Thomas Hilles và Robert Rayney.”


(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook