Người buôn đồng nát trở thành tỷ phú
Trước khi thu gom đồng nát, Tào Ngọc Căn làm bốc vác, tiền công chỉ đủ để thuê một căn nhà dột nát, không có cửa sổ.
Tào Ngọc Căn sinh năm 1976 ở thành phố Hợp Phì (tỉnh An Huy, Trung Quốc), trong một gia đình nghèo có cha mẹ đều là nông dân. Khi còn nhỏ, ngoài việc đi học, ông phụ giúp gia đình làm nhiều công việc như đào đất, cuốc đất, cắt cỏ, nhặt phân.
Vì hoàn cảnh khó khăn, Tào Ngọc Căn chỉ học hết cấp 3 rồi ở nhà làm ruộng, xếp gạch thuê. Vài năm sau, ông lấy vợ, sinh con như bao thanh niên trong làng.
Sau khi sinh con đầu lòng, Tào Ngọc Căn muốn kiếm nhiều tiền hơn để lo cho gia đình. Vì vậy, năm 2004, ông đến Thâm Quyến để tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, vì chỉ mang theo số tiền không đáng kể và làm việc tay chân như bốc vác với mức lương bèo bọt, chỉ một thời gian sau, Tào Ngọc Căn đã gần hết tiền. Tiền công ít ỏi chỉ đủ để ông thuê một căn nhà dột nát, không có cửa sổ.
Trong lúc tuyệt vọng, ông bỏ ra vài trăm nhân dân tệ để mua một chiếc xe 3 bánh có bàn đạp và bắt đầu đi thu gom đồng nát. Lúc đầu, ông cảm thấy rất xấu hổ vì vốn dĩ ông định đến đây để làm việc khác trong khi việc này vừa không sạch sẽ vừa mệt mỏi.
Mặc dù vậy, vì đã chọn nên Tào Ngọc Căn vẫn làm việc một cách nghiêm túc. Để gây ấn tượng tốt với mọi người, ông luôn ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ. Sau khi thu gom rác thải, đồng nát, ông có thói quen dọn dẹp. Điều này đã tạo nên uy tín cho Tào Ngọc Căn.
Hàng ngày, ông bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng và trở về khi đã tối muộn. Nhờ tiếp xúc với đủ loại người nên ông cũng dần học được cách đối nhân xử thế. Làm việc chăm chỉ nên có ngày ông kiếm được 3.000 tệ. Để tiết kiệm tiền và gửi về cho gia đình, ông chỉ ăn bánh bao hấp.
Dù vậy ông cho rằng đây chỉ là công việc tạm thời nên đã chuyển qua tái chế một số phế phẩm điện tử. Việc này đem lại lợi nhuận cao hơn, giúp cuộc sống của Tào Ngọc Căn đỡ khó khăn.
Một lần, trong cuộc họp đồng hương ở Thâm Quyến, khi thấy người bạn khoe chiếc máy ảnh mới mua ở nước ngoài, Tào Ngọc Căn đã nảy ra một ý tưởng kinh doanh. Thời điểm đó, máy ảnh kỹ thuật số vẫn còn lạ lẫm ở Trung Quốc. Tào Ngọc Căn cho rằng nếu chớp thời cơ sản xuất sản phẩm tương tự, nó sẽ được đón nhận nhiệt tình.
Về nhà, Tào Ngọc Căn tìm tư liệu và nghiên cứu để thiết kế bản vẽ của chiếc máy ảnh. Sau 1 tháng, ông tìm đến các nhà mát sản xuất nhưng đều bị từ chối. Không nản lòng, ông tiếp tục tìm những nơi khác và cuối cùng cũng có một ông chủ đồng ý giúp ông làm máy mẫu.
Quá trình chào bán sản phẩm của Tào Ngọc Căn cũng gặp nhiều khó khăn. Bất chấp việc nhiều lần bị đuổi ra ngoài, ông vẫn kiên trì mỗi ngày. Cuối cùng, một công ty cũng chấp nhận, yêu cầu ông để lại máy và lấy ý kiến của khách hàng.
Sau một thời gian ngắn, sản phẩm của Tào Ngọc Căn được nhiều khách hàng đánh giá cao về cả chất lượng lẫn hình dáng. Ông chủ công ty đã đặt hàng với số lượng lớn. Với đơn hàng đầu tiên, Tào Ngọc Căn đã kiếm được 600.000 tệ (tương đương 2,1 tỷ đồng) tiền lãi.
Không mất nhiều thời gian, một công ty nước ngoài đã ký hợp đồng với Tào Ngọc Căn. Nhìn tài khoản ngân hàng nhiều chữ số, ông từng có lúc không tin vào mắt mình.
Kinh doanh thuận lợi, Tào Ngọc Căn thành lập 2 nhà máy điện tử và bắt đầu sản xuất các sản phẩm của riêng mình. Chỉ mất 4 năm để người đàn ông này đi từ việc thu góm đồng nát thành chủ nhà máy với hơn 100 nhân viên.
Năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, Tào Ngọc Căn rơi vào cảnh phá sản. Năm 2010, ông trở về quê và biết rằng người anh họ sở hữu công ty chuyển phát nhanh YTO Express cũng sắp đóng cửa. Nhận thấy cơ hội, Tào Ngọc Căn đề nghị chuyển nhượng lại công ty cho mình.
Thời điểm đó ở An Huy, đây là công ty chuyển phát nhanh làm ăn kém nhất, chỉ có vài nhân viên. Để vực dậy, Tào Ngọc Căn đã dành nhiều ngày đêm để học hỏi kiến thức vận hành và thay đổi một loạt chính sách.
Việc đầu tiên ông thực hiện là tăng lương cơ bản cho nhân viên. Ông đưa ra quy định nhân viên sẽ là người bồi thường chứ không phải công ty trong trường hợp mất bưu kiện. Nhờ đó, tình trạng mất mát, thất lạc cũng như khiếu nại của khách hàng giảm hẳn. Cuối cùng, Tào Ngọc Căn đã tạo ra thay đổi mang tính đột phá: Nếu không phải trường hợp đặc biệt, mọi bưu kiện đều phải giao trong ngày.
Kể từ khi Tào Ngọc Căn tiếp quản, chỉ sau vài năm, YTO đã trở thành một trong những công ty dịch vụ hàng đầu ở Trung Quốc. Năm 2017, ông cho xây trụ sở mới của công ty với diện tích 100.000 m2, mở rộng hoạt động kinh doanh sang phân phối hậu cần hàng không, kho bãi và trung tâm dịch vụ thương mại điện tử. Thời điểm hiện tại, ông là một tỷ phú và nhà từ thiện tích cực của Trung Quốc.
Có thể nói, câu chuyện của Tào Ngọc Căn đã một lần nữa chứng minh rằng bất cứ ai cũng có thể thành công nếu có tầm nhìn và đủ nỗ lực.
Nguồn: 163.com
Theo Nhịp Sống Kinh Tế