Người biến rác thải của Triều Tiên thành ‘báu vật’

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 12:48:24

Những rác thải từ Triều Tiên bị sóng cuốn vào các đảo tiền tuyến ở Hàn Quốc được xem là 'báu vật' để khám phá bí mật về quốc gia bí ẩn nhất thế giới.

Khi cơn sóng cuốn theo rác vào bãi biển nằm ở các đảo tiền tuyến của Hàn Quốc, Giáo sư Kang Dong Wan lại nhanh tay nhặt. Đây là những rác thải bị sóng cuốn từ Triều Tiên mà ông coi là “báu vật”. Bởi theo ông Kang, từ những rác thải này, nhiều điều bí mật ở quốc gia khép kín nhất trên thế giới đã được khám phá.

“Đây là những thứ đặc biệt quan trọng, bởi chúng ta có thể hiểu được các sản phẩm được sản xuất tại Triều Tiên và những mặt hàng mà người dân Triều Tiên sử dụng”, ông Kang (48 tuổi), Giáo sư tại Đại học Dong-A của Hàn Quốc chia sẻ với hãng tin AP.


browser not support iframe.

Do những quy định hạn chế đi lại trong giai đoạn dịch Covid-19, ông Kang không thể ra ngoài như mọi khi để thu thập thông tin về cuộc sống của người dân Triều Tiên. Để tiếp tục quá trình nghiên cứu, ông Kang nghĩ ra cách thu thập thông tin từ rác thải bị sóng cuốn vào bờ.

Theo ông Kang, trong số rác thải mà ông nhặt được có rất nhiều loại có bao bì và chất lượng hiện đại. Điều này chứng minh cho tuyên bố từ truyền thông Triều Tiên về việc Chủ tịch Kim Jong-un đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, cũng như mở rộng ngành thiết kế công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Giờ đây người dân Triều Tiên là thế hệ những con người hiểu rõ thế nào là thị trường và kinh tế. Ông Kim không thể giành được sự ủng hộ nếu chỉ áp đặt và kiểm soát người dân, cũng như khăng khăng theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. Ông Kim cần thể hiện một vài sự thay đổi trong giai đoạn cầm quyền”, Giáo sư Kang nói.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, ông Kang thường xuyên tới các thị trấn biên giới của Trung Quốc để gặp gỡ những công dân Triều Tiên đang sinh sống và làm việc tại đây. Ông còn mua các sản phẩm do Triều Tiên sản xuất và chụp ảnh những ngôi làng Triều nằm dọc con sông chia cắt biên giới Trung – Triều. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Kang không thể tiếp tục hành trình khám phá, do Trung Quốc áp dụng quy định hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh để phòng dịch.

Kể từ tháng 9/2020, ông Kang quyết định tới 5 hòn đảo biên giới của Hàn Quốc nằm ở bờ biển phía tây nước này, và đã thu thập khoảng 2.000 mảnh rác từ Triều Tiên bao gồm bao bì quà vặt, chai nước hoa quả ép, túi kẹo và cả chai đồ uống có cồn.

Ông Kang thừa nhận bản thân đã vô cùng ngạc nhiên khi nhặt được hàng chục loại bao bì đóng gói có màu sắc và thiết kế bắt mắt như gia vị, kem, bim bim, sữa uống và sữa chua.

Nhiều bao bì in hình minh họa sinh động là các nhân vật hoạt hình. Dù xét về mặt công nghệ còn lỗi thời so với tiêu chuẩn của phương Tây, nhưng có thể thấy Triều Tiên dường như đã làm nhái mẫu mã thiết kế của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Kang đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “Nhặt rác của Triều Tiên trên 5 hòn đảo phía Tây”. Hiện Giáo sư người Hàn Quốc đang chuyển sang nghiên cứu rác thải dạt vào các bãi biển tiền tuyến ở phía đông nước này.

Theo ông Ahn Kyung-Su, người đứng đầu DPRKHEALTH.ORG, trang web chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe của người dân Triều Tiên, phương pháp nghiên cứu thông qua rác thải của Giáo sư Kang là đặc biệt hữu ích và mở ra cánh cửa khám phá Triều Tiên.

Cụ thể, trên nhãn chai một số loại nước hoa quả ép do Triều Tiên sản xuất có ghi dùng lá cây thay thế cho đường để tăng độ ngọt. Theo ông kang, việc này có thể xuất phát từ nguyên nhân Triều Tiên bị thiếu đường, hoặc không có thiết bị sản xuất đường.

Bên cạnh đó, hơn 30 loại hương thơm nhân tạo cũng được ghi trên các bao bì cho thấy người dân Triều Tiên không đủ khả năng để mua các sản phẩm tự nhiên có giá đắt hơn như thịt và cá để nấu súp hoặc món hầm. Trong khi đó, phần lớn người dân Hàn Quốc đã dừng sử dụng hương vị nhân tạo vì lo ngại không an toàn cho sức khỏe.

Điển đáng chú ý một số nhãn hàng sản phẩm tẩy rửa có ghi dòng chữ “bạn của người nội trợ” hoặc “phù hợp với phụ nữ” đã phản ứng quan điểm trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội Triều Tiên, khi cho rằng chỉ phụ nữ mới làm công việc dọn dẹp, theo ông Kang.

Tuy nhiên, công việc thu thập rác trên các đảo ở biên giới Hàn Quốc nằm cách lãnh thổ Triều Tiên khoảng 4 - 20 km không hề là công việc đơn giản. Nơi ông Kang thường xuyên lui tới là Yeonpyeong, hòn đảo từng bị Triều Tiên bắn phá vào năm 2010 khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng.

Trong một số chuyến đi, ông Kang từng bị lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc thẩm vấn, do người dân địa phương nghi ngờ hành động thu nhặt rác của ông này. Nhiều lần thời tiết xấu khiến các chuyến phá phải hủy chuyến cũng làm gián đoạn hoạt động thu thập rác của ông Kang.

“Nhưng tôi rất vui sau mỗi lần nhặt được thêm nhiều rác. Tôi đã quyết tâm tìm được xem Triều Tiên có bao nhiêu loại hàng hóa, và những thông tin khám phá được từ chúng”, ông Kang cho hay.


Minh Thu (lược dịch)

Chia sẻ Facebook